Thứ tư, 24/04/2024 07:10 (GMT+7)

Đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển đô thị

MTĐT -  Thứ bảy, 18/06/2022 08:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị quyết số 06-NQ/TW yêu cầu hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên của Chính phủ, các địa phương trong giai đoạn hiện nay...

"Đô thị hóa là tất yếu, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Nghị quyết số 06-NQ/TW yêu cầu hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên của Chính phủ, các địa phương trong giai đoạn hiện nay".

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022, diễn ra chiều 17/6, tại Hà Nội.

Đổi mới tư duy quản lý và phát triển đô thị

Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp cùng Bộ Xây dựng tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hàng trăm khách mời là các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển đô thị
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Diễn đàn.

Trong bài phát biểu với chủ đề “Đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách và hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, đô thị hóa là quá trình tất yếu, khách quan gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với những kết quả có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiến trình đô thị hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành công. Hệ thống các đô thị triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và quy mô. Ước tính mỗi năm khu vực đô thị có thêm từ 1 - 1,3 triệu dân.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm, đầu tư nâng cấp. Diện mạo đô thị ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại, tạo lập được nhiều không gian đô thị mới với các công trình có điểm nhấn kiến trúc, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng.

Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực, đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều hạn chế. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí về đất đai. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, quá trình đô thị hóa ở nước ta trong nhiều năm qua diễn ra trong bối cảnh khá khó khăn về các nguồn lực đầu tư, trong khi áp lực rất lớn từ đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu trước mắt, ngắn hạn; phát triển đô thị chủ yếu trên nền tảng đô thị hiện hữu, mở rộng và đưa các làng xã trở thành đô thị nhanh chóng trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, chuyển hóa sản xuất, lối sống theo văn minh đô thị.

Đô thị đã trở thành giấc mơ của nhiều người dân, thúc đẩy dịch cư lớn, đồng thời hình thành tư duy khai thác đô thị một cách tự phát, phát triển nóng theo nhu cầu, trước mắt, trong khi thiếu chú trọng về đầu tư dài hạn. Nhiều nơi vẫn quan niệm đô thị là “nơi để khai thác”, để phát triển, tìm kiếm cơ hội hơn là “nơi để đầu tư khai thác” theo bài bản, chuyên nghiệp và cần được quan tâm nuôi dưỡng, phục hồi, bảo vệ, nâng cấp, đầu tư, tạo điều kiện tối đa theo lộ trình, có chiến lược để phát huy tiềm năng, năng lực trước khi có thể khai thác với các không gian chức năng hoàn thiện, thúc đẩy gắn kết cộng đồng, thúc đẩy kinh tế.

Trong khi đó, không gian chung đô thị chưa được quan tâm, phát triển và định hướng quản lý một cách thỏa đáng; chưa hình thành được nhận thức chung trong cho cộng đồng về trách nhiệm giữ gìn cảnh quan, không gian chung đô thị để hình thành văn hóa, văn minh đô thị, tạo ra các giá trị kinh tế đô thị gia tăng…

Sách trắng “Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” do Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&ĐT biên soạn cho biết, mô hình kinh tế đô thị, mô hình quản lý đô thị Việt Nam đến nay không còn phù hợp, vai trò không thật sự rõ nét, đã bộc lộ các hạn chế làm cản trở quá trình phát triển kinh tế; vai trò đầu tàu, tác động đến sự phát triển của các vùng và trong liên kết vùng chưa thật rõ rệt…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, nguyên nhân có tính căn cơ nhất xuất phát từ tư duy, phương pháp luận về quản lý và phát triển đô thị không còn theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, đòi hỏi cấp bách nghiên cứu, đổi mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, trước mắt, các chính quyền đô thị cần nghiên cứu, quán triệt những điểm mới trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để có chương trình, kế hoạch và các giải pháp đồng bộ triển khai thực hiện. Bộ Xây dựng sẽ sớm hoàn thành Đề án Đổi mới phương pháp luận về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị trong thời gian tới để đề xuất các cấp có thẩm quyền các giải pháp cụ thể khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên.

Ưu tiên các chương trình đầu tư

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định, với vai trò là Bộ chủ quản phụ trách lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, trong giai đoạn tới Bộ Xây dựng sẽ tập trung hình thành khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa, trọng tâm là xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị; Xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị theo các tiêu chuẩn; Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng; Hình thành các chính sách khả thi và hiệu quả hơn để đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu an sinh xã hội, nhà ở xã hội, cải tạo, tái thiết đô thị và cải tạo chỉnh trang đô thị...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khuyến nghị các Bộ ngành, địa phương nâng cao nhận thức về đô thị, vai trò của đô thị, đặc thù của đô thị, cũng như đặc thù thể hiện trên các chỉ tiêu phát triển đô thị;

Chủ động rà soát chỉ tiêu trung bình của Nghị quyết số 06-NQ/TW đối chiếu với các chỉ tiêu phát triển đô thị tại địa phương (hiện trạng, đặc thù, dự báo, định hướng) đánh giá mức độ khả thi và đề xuất nhóm chỉ tiêu sát với tình hình thực hiện của địa phương cho giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Trên cơ sở các chỉ tiêu khả thi đề xuất, các địa phương xác định chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Trong đó có thể có chương trình/dự án thuộc trách nhiệm của địa phương và có chương trình/dự án cần phải thực hiện trên quy mô vùng hoặc toàn quốc.

Các địa phương đề xuất chính sách và nguồn lực cần thiết để thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện đã đề xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Xây dựng phối hợp các Bộ, Ban, ngành nghiên cứu tổng hợp và xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết, trong đó ưu tiên các chương trình đầu tư, thực hiện kế hoạch hình thành các đô thị mới trong giai đoạn đến 2025-2030; đầu tư khắc phục các tiêu chuẩn phân loại đô thị còn thiếu; đầu tư, phát triển các chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đầu tư khắc phục các vấn đề năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, ngập lụt, sạt lở; Đầu tư/cải tạo chỉnh trang đô thị theo các khu vực cụ thể trong đô thị; đầu tư thực hiện tái thiết đô thị; đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Bộ Xây dựng cam kết phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương để quyết liệt triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới