Thứ năm, 28/03/2024 18:37 (GMT+7)

Bà Thanh từ thiện và ý niệm làm việc tốt để 'trả nghĩa cho đời'

KHÁNH AN - PHAN NGÂN -  Thứ tư, 24/10/2018 05:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Bà hi vọng rằng những việc mà gần trọn cuộc đời bà làm được sẽ góp một phần nhỏ để giúp đỡ trẻ em bất hạnh, giống bà trước đây, được đi học và được đổi đời như ngày hôm nay bà có".

"Bà Tiên hiền hậu"

Không khó để chúng tôi tìm được nhà riêng của bà Thanh, bởi người dân ở phố Phạm Tuấn Tài cũng như phường Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) hầu như ai cũng biết đến bà. Họ gọi người giáo già nhiệt huyết ấy là “bà Thanh từ thiện”, “bà Thanh khuyến học”… bởi lẽ những hoạt động từ thiện và khuyến học của bà có sức lan tỏa thực sự trong cộng đồng dân cư.

Công dân Thủ đô ưu tú - bà Tạ Thị Ngọc Thanh, địa chỉ tại phố Phạm Tuấn Tài, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về người giáo già hiền hậu là đôi mắt sáng, nụ cười tươi tắn và giọng nói ân cần. "Các con tìm nhà bà có khó, có mệt không?" - đó là câu chào hỏi thân thương của bà dành cho chúng tôi.

"Mồ côi mẹ khi được 2 tuổi rưỡi, bà lớn lên cùng cha và mẹ kế con ạ. Thế nhưng lên đến năm 11 tuổi, cha cũng bỏ bà mà đi, mẹ kế thì đi lập gia đình mới, một mình bà bơ vơ sống nhờ sự cưu mang của gia đình họ hàng. Bà đến ở nhà này một thời gian xong lại sang nhà khác, cuộc sống thời đó khó khăn lắm" - bà kể, mắt ngấn lệ.

Dù đã ngoài thất thập nhưng trí nhớ của bà vẫn còn minh mẫn. Bà kể cho chúng tôi từng chi tiết nhỏ, chi tiết như nó vừa xảy ra ngày hôm qua vậy!

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà vào Sư phạm 7+2 rồi tình nguyện ra ngoại thành Hà Nội (Thanh Trì) dạy học, sau đó về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Thanh Trì. Năm 1969, bà được cử đi học chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại trường Đại học sư phạm Gersen Leningrat (Liên Xô cũ). Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1974, bà về nước công tác tại Ban Tâm lý Viện Khoa học giáo dục, rồi được bổ nhiệm làm Phó ban Nghiên cứu cải cách mầm non thuộc Bộ Giáo dục.

Đến năm 1987, SOS quốc tế có dự án xây dựng làng trẻ SOS tại Hà Nội và muốn tìm người làm giám đốc trung tâm ấy. Tuy nhiên trước giờ SOS đều không nhận phụ nữ làm giám đốc. Chẳng hiểu sao sau khi trò chuyện với bà thì vị đại diện SOS quốc tế lại đặc biệt tín nhiệm và đặc cách cho bà làm giám đốc làng trẻ SOS Hà Nội. 

Bà Thanh chụp ảnh cùng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Cũng bắt đầu từ đó bà nhận làm người đỡ đầu cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Không biết bao nhiêu đứa trẻ đã lớn lên trong vòng tay nhân ái của bà Thanh, nhờ bà mà được đến trường, được đi học và tự viết nên tương lai của chúng. Đối với những đứa trẻ, bà Thanh chính là bà Tiên ánh sáng, một bà tiên ngoài đời thực.

"Năm 1987, ông (chồng bà Thanh - PV) đi công tác ở Liên Xô về xong bị tai biến ngay ở sân bay Nội Bài. Về nhà cho nằm bệnh viện Việt Xô nhưng ông không đi lại được nữa" - bà xúc động - "Từ đó đi đâu bà cũng sát cánh bên ông trên chiếc xe đẩy, khó khăn chồng chất khó khăn, cuộc đời bà lúc đó có đâu nào sung sướng".

10 năm sau, cuối năm 1997, bà nghỉ hưu, bấy giờ dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhưng bà vẫn tiếp tục đem hết sức mình, tận tụy tham gia công tác khuyến học ở phường Dịch Vọng Hậu và trở thành tấm gương sáng đầy nhiệt huyết để cán bộ, Đảng viên và nhân dân cùng học tập noi theo. Mọi người đã tín nhiệm bà làm Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng dân phố, rồi Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Dịch Vọng Hậu.

Những cuốn sách có bài viết về mình, bà Thanh đều giữ gìn cẩn thận như một kỷ niệm trong đời.

Bà – một người phụ nữ với nghị lực phi thường “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, một tay bà vừa làm công tác xã hội vừa chăm sóc chồng bị liệt vì không thuê được người giúp việc. Ông vốn khó tính nên chẳng người giúp việc nào phụ giúp được ông. Mỗi lần bà đi làm, đi họp trên phường, trên quận bà đều đẩy xe lăn đưa ông theo cùng, chỉ khi nào đi xa lắm bà mới nhờ hoặc thuê người chăm sóc ông. Đến năm 2007, ông về bên kia thế giới, bỏ lại và trong nỗi đau, nỗi nhớ.

Nói đến đây giọng bà trầm xuống, đôi mắt của bà cũng đã đỏ hoe từ lúc nào! 

Phải trả nghĩa cho đời

35 năm làm Bí thư chi bộ, trong đó có 17 năm liên tục làm Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố (từ năm 1988 đến 2015), hơn 20 năm làm công tác khuyến học, bà đã tâm niệm dù ở cương vị nào cũng phải luôn gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi; gương mẫu từ việc nhỏ đến việc lớn.

 Ở tuổi 80, đáng ra chỉ hưởng an nhàn, nhưng hàng ngày bà tự tay quét rác mấy ngõ phố quanh nhà đến 3 - 4 lần để đường đi thêm sạch sẽ.

Bà Thanh phấn khởi: "Hằng ngày thấy rác ở ngõ, trên đường phố bà luôn tranh thủ quét dọn sạch sẽ con ạ, nhìn đường bẩn mình cũng không ngồi yên được. Một thời gian sau và đến bây giờ thì khác hẳn, ai thấy trên đường có rác bẩn đều tự giác quét dọn, hót sạch sẽ. Bà con nhân dân trong tổ dân phố ngày càng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung".

Tâm sự với chúng tôi, bà bảo: "Việc giúp trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bà đã làm rất nhiều năm qua, với suy nghĩ: “Phải trả nghĩa cho đời”. Bà luôn quan tâm và thấu hiểu hoàn cảnh đặc biệt của các bé mồ côi, chính vì vậy hàng ngày bà sống rất tiết kiệm để dành tiền làm từ thiện...

...Phụ cấp lương từ làm công tác xã hội và một phần lương hưu bà để dành gom lại mua sách vở, giấy bút, xe đạp tặng cho các học sinh nghèo hiếu học.Việc làm này là tự nguyện, không ai bắt ép gì cả, vì bà đã trải qua cuộc sống khổ sở, nên bà muốn giúp đỡ các cháu, hiện tại bà đang đỡ đầu 15 em với số tiền khoảng 20 triệu 1 năm”.

Đối với bà giáo già này, sự tận tụy không phải vì những tấm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương mà xuất phát từ sự từ tâm và mong muốn đóng góp cho sự học của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tháng 10 năm 2016, Hà Nội đã tổ chức tôn vinh các Công dân ưu tú Thủ đô năm 2016. Trong 9 công dân được tôn vinh năm đó, bà Tạ Thị Ngọc Thanh đã gây nhiều ấn tượng, bởi ở tuổi 80 mà vẫn say mê tham gia công tác xã hội tại địa phương. Bà còn nhận bằng khen, giấy khen của Chính phủ, của UBND TP Hà Nội về công dân ưu tú, người tốt vệc tốt…

Những kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen ấy là lời động viên ý nghĩa đối với tấm gương sáng đầy nhiệt huyết trọn đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân - bà Tạ Thị Ngọc Thanh. 

Nhìn ánh mắt tự hào, xúc động của bà khi nói về những thăng trầm trong cuộc đời mình, chúng tôi thầm cảm phục và biết ơn người phụ lão gương mẫu. Tôi đeo chiếc kỷ niệm chương công nhận Người tốt, việc tốt lên ngực áo cho bà, và nụ cười hiền hậu lại hiện hữu trên gương mặt. Cảm ơn người công dân ưu tú Tạ Thị Ngọc Thanh.

Bạn đang đọc bài viết Bà Thanh từ thiện và ý niệm làm việc tốt để 'trả nghĩa cho đời'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.