Thứ bảy, 20/04/2024 08:47 (GMT+7)

Các xã miền núi khó thực hiện dồn thửa đổi ruộng

MTĐT -  Thứ năm, 04/07/2019 17:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Huyện Sông Lô đã chỉ đạo khắc phục tình trạng manh mún, phân tán về ruộng đất, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo kế hoạch, năm 2017, huyện Sông Lô triển khai thực hiện điểm DTĐR tại 2 xã Bạch Lưu và Yên Thạch. Các xã còn lại, trên cơ sở tình hình thực tế của mỗi địa phương sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai có hiệu quả, đồng thời, khuyến khích tích tụ ruộng đất, vận động các hộ gia đình, cá nhân đổi ruộng cho nhau để thuận lợi trong quá trình canh tác.

Tuy nhiên, là huyện miền núi, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là ruộng bậc thang, phân tán, manh mún nên quá trình triển khai thực hiện DTĐR gặp không ít khó khăn: Nguồn kinh phí lớn khó cho các doanh nghiệp, hộ dân thuê lại đất hoặc nhận chuyển nhượng để đầu tư mô hình sản xuất (nếu nhận chuyển nhượng khoảng 2 tỷ đồng/ha). Kinh phí hỗ trợ cho các địa phương thực hiện DTĐR, tích tụ đất đai gặp nhiều khó khăn. Công tác DTĐR phải đầu tư nhiều thời gian nên một số cán bộ cơ sở ngại khó, sợ va chạm. Một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ lợi ích lâu dài từ công tác DTĐR nên chưa ủng hộ.

Có mặt tại xã Bạch Lưu - xã điểm thực hiện DTĐR trên địa bàn huyện, chúng tôi thấy người dân vẫn đang gieo cấy thủ công trên những mảnh ruộng manh mún, công tác DTĐR trên địa bàn xã chưa hoàn thành.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Xuân Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu cho biết: Bạch Lưu có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 456ha, chiếm gần 73% tổng diện tích đất tự nhiên của xã, tổng số hộ sử dụng đất nông nghiệp 678 hộ, bình quân 8 thửa/hộ. Ngay sau khi nhận được thông báo của huyện về thực hiện thí điểm DTĐR trên địa bàn xã, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về công tác thực hiện DTĐR, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện DTĐR, kế hoạch triển khai công tác DTĐR trên địa bàn; thành lập tổ giúp việc và các tiểu ban dồn thửa đổi ruộng ở các thôn dân cư; tổ chức nhiều hội nghị tại các thôn, thông báo chủ trương, kế hoạch phương pháp triển khai DTĐR.

Xã tích cực tuyên truyền tới từng thôn nội dung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác DTĐR; phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành cơ bản công tác đo đạc bản đồ địa chính mới trên phạm vi toàn xã, chỉ đạo tổ chức rà soát xong toàn bộ quỹ đất, số hộ sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn và lập phương án để tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, khi ra ngoài thực địa, công tác DTĐR lại gặp rất nhiều khó khăn và chưa hoàn thành được.

Ông Trần Quốc Kính, Trưởng thôn Hồng Sen - thôn được chọn làm điểm DTĐR của xã Bạch Lưu cho biết: Thực hiện DTDR, thôn Hồng Sen đã triển khai đầy đủ các bước theo quy định như: Tổ chức họp xin ý kiến nhân dân về DTĐR, tổ chức cho nhân dân tham gia ký cam kết quy hoạch đồng ruộng, cắm mốc giao thông, thủy lợi; xác định ranh giới… Tuy nhiên, sau 2 lần thực địa tại đồng ruộng thì ruộng bậc thang, manh mún và chia làm 3 loại ruộng: Chiêm trũng, trồng màu và diện tích đất soi bãi nên khó san gạt, quy hoạch, xây dựng kênh mương. Ngoài ra, kinh phí để thực hiện DTĐR đối với diện tích đất nông nghiệp như trên rất lớn, gây khó khăn trong công tác DTĐR tại thôn. Hiện, UBND xã tuyên truyền người dân trên địa bàn tự tích tụ ruộng đất, đổi ruộng cho nhau để thuận lợi trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Đến xã Yên Thạch, những ngày này, công tác DTĐR cũng chưa được hoàn thành.Anh Nguyễn Trọng Nguyên, cán bộ địa chính, xây dựng xã Yên Thạch cho biết: Trên địa bàn xã, bình quân mỗi hộ có 16 thửa ruộng, có gia đình 50 thửa ruộng, mỗi thửa chỉ 12m2.

Thực hiện DTĐR, Đảng ủy, UBND xã thống nhất chọn thôn Minh Khai - thôn có ruộng đất bằng phẳng nhất so với các thôn khác làm điểm. Tuy nhiên, đến nay, công tác DTĐR trên thực địa vẫn chưa được thực hiện vì đặc thù của địa phương là xã miền núi nên đồng đất không đồng đều, bậc thang, manh mún. Bên cạnh đó, 1/3 diện tích đất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên và chỉ cấy được 1 vụ lúa. Nếu thực hiện san gạt bằng phẳng hết sẽ dẫn đến tình trạng ruộng trên cao trơ đất sỏi đá không canh tác được. Trước thực trạng đó, UBND xã tuyên truyền, vận động nhân dân tự tích tụ đất đai, dồn đổi cho nhau để thuận tiện cho việc canh tác. Đến nay, khoảng 8 hộ đã tự chuyển đổi, dồn ghép, thầu lại diện tích của nhau để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 11ha.

Với mục tiêu tập trung tích tụ đất đai đối với các khu vực đất 1 vụ lúa, đất màu bãi và đất đồi, thời gian tới, huyện Sông Lô tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được lợi ích của việc DTĐR, tích tụ đất đai. Các thành viên Ban chỉ đạo huyện thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn trong việc thực hiện DTĐR, tích tụ đất đai và kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn để UBND huyện có phương án chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

Theo Hồng Tính/Báo Vĩnh Phúc

Bạn đang đọc bài viết Các xã miền núi khó thực hiện dồn thửa đổi ruộng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...