Thứ tư, 24/04/2024 06:39 (GMT+7)

Cháy kho hồ sơ xe buýt: Việc quyết toán trợ giá ngàn tỷ ra sao?

MTĐT -  Thứ ba, 07/05/2019 10:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khoảng 40 tấn hồ sơ iên quan đến hoạt động xe buýt ở TP.HCM bị thiêu rụi, trong khi việc quyết toán trợ giá với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng chưa hoàn thành.

Theo thông tin trên Báo NLĐ, chiều 6/5, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm, cho biết trong nhà kho có tài liệu trợ giá xe buýt giai đoạn 2011-2016 với hơn 6.000 tỉ đồng trợ giá đã "xài" nhưng chưa được quyết toán. Nhà kho nơi xảy ra vụ cháy được Trung tâm thuê của một đơn vị khác và việc bảo quản, bảo đảm PCCC... do đơn vị được thuê chịu trách nhiệm. Ông Trung cũng cho rằng công ty được đơn vị ông thuê có chức năng cho thuê kho bãi, có giấy phép đăng ký kinh doanh và phương án PCCC theo quy định.

Ông Trung thông tin thiệt hại về tài sản từ vụ cháy không lớn và cũng không ảnh hưởng nhiều do các hồ sơ quyết toán đang ở Trung tâm, hiện cũng đang trong quá trình kiểm toán. Riêng lệnh vận chuyển thì được lưu ở hai bên, một bên là Trung tâm và một bên là các doanh nghiệp. Vì vậy, đơn vị nào cần đều có thể cung cấp để đối chiếu. Ngoài ra, Trung tâm vừa thuê kiểm toán độc lập kiểm toán toàn bộ hồ sơ thanh quyết toán trợ giá từ năm 2011 đến 2016, kết quả cũng vừa xong và đã được chuyển giao cho Trung tâm ngày 12/4.

Hiện trường vụ cháy.

Nhận định về việc trên, một cán bộ của Sở GTVT TP lấy làm lạ với việc hàng chục tấn tài liệu nhà nước quan trọng như thế lại được lưu trữ sơ sài và không ai trông nom. "Tại sao không thuê một nhà kho của nhà nước trong nội thành TP để dễ quản lý mà thuê kho của tư nhân cách Trung tâm hơn 30 km? Như vậy, mỗi khi muốn tra cứu tài liệu, nhân viên Trung tâm phải chạy rất xa, nhà kho lại không có cán bộ Trung tâm trông nom, nguy hiểm hơn khi kho nằm cạnh kho chứa hạt nhựa dễ xảy ra cháy nổ, không an toàn cho công tác lưu trữ" - vị cán bộ đặt câu hỏi và phân tích.

Cũng theo vị cán bộ này, nếu toàn bộ hồ sơ chứng từ liên quan trợ giá xe buýt giai đoạn 2011- 2016 bị thiêu hủy thì rất nghiêm trọng khi chưa được nhà nước quyết toán, kể cả khi được quyết toán vẫn phải lưu trữ trong 5 năm. Đặc biệt, việc Trung tâm thuê kiểm toán độc lập chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị pháp lý đối với nhà nước.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo một cán bộ Sở Tài chính, sau khi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuê đơn vị kiểm toán độc lập xong, hồ sơ quyết toán phải được gửi lên Sở GTVT thẩm tra, nếu chính xác phải ra thông báo phê duyệt quyết toán. Từ đó, Sở GTVT gửi hồ sơ qua Sở Tài chính (đơn vị thẩm định tiền trợ giá) thực hiện các bước quyết toán theo quy định. 

"Trung tâm phải trình ra hóa đơn chứng từ, hồ sơ đã thực hiện phân bổ tiền trợ giá với cơ quan nhà nước. Nếu các hồ sơ đủ và đúng quy định mới được xem xét quyết toán" - vị này nói.

Nhiều lãnh đạo đơn vị vận tải xe buýt cho biết hằng năm khi ngân sách rót tiền trợ giá, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT sẽ phân bổ tiền trợ giá cho từng tuyến, từng xe với các đơn vị vận tải xe buýt. 

Hồ sơ kiểm toán độc lập chỉ là bước đầu, còn quá trình quyết toán phải được cơ quan nhà nước xem xét. Dù đã quyết toán xong, hồ sơ cũng phải được lưu trữ nhiều năm và muốn tiêu hủy tài liệu phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

"Hầu hết tiền trợ giá đã được trung tâm trả cho đơn vị vận tải sau khi ký hợp đồng theo từng năm. Còn chuyện quyết toán với cơ quan quản lý nhà nước về sử dụng ngân sách ra sao, trung tâm chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, năm 2015 trung tâm vẫn còn nợ chúng tôi hơn 1 tỉ đồng tiền trợ giá tới nay chưa trả. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại xem còn lưu giữ hồ sơ hay không" - một cán bộ thuộc Hợp tác xã vận tải xe buýt số 28 nói.

Ngọc Bùi T/H

Bạn đang đọc bài viết Cháy kho hồ sơ xe buýt: Việc quyết toán trợ giá ngàn tỷ ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới