Thứ sáu, 29/03/2024 16:32 (GMT+7)

RTN 3: Đã đến lúc cần giữ lửa

MTĐT -  Thứ hai, 16/09/2019 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ai cũng biết, sử dụng và thải ra rác thải nhựa như chai, túi nilon sẽ gây hại cho môi trường. Nhưng hàng tấn nhựa vẫn "bức tử" môi trường, đưa đến cho chúng ta những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai.

Ai cũng biết, sử dụng và thải ra rác thải nhựa như chai, túi nilon sẽ gây hại cho môi trường. Và ai cũng biết, chính quyền và các phương tiện truyền thông đã kêu gọi người dân giảm bớt sử dụng nhựa dùng một lần. Tuy vậy, hàng tấn nhựa vẫn "bức tử" môi trường, đưa đến cho chúng ta những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai.

Không chỉ vì mỗi ý thức

Chúng tôi đến chợ Long Biên, một trong những nơi xả ra nhiều túi nilon vào loại nhất Hà Nội. Ngắm nhìn những chiếc túi nilon vương vãi hai bên đường, không chỉ tôi mà cả người dân quanh đó cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Tính ra, mỗi ngày ở đây tiêu thụ hàng tấn hàng hoá, số lượng túi nilon xả ra cũng vào loại khủng. Có một sự thật hiển nhiên ở các khu chợ như thế này là bà con đều biết túi nilon gây hại đến môi trường, nhưng họ buộc phải dùng vì không có sản phẩm thay thế.

 Đối với người dân mua hàng, qua khảo sát, hầu hết người dân đều đồng tình với việc sẽ không dùng túi nilon nếu có sản phẩm thay thế hợp túi tiền. Nói đi thì cũng phải nói lại, việc dùng lá chuối, lá sen để gói thì cũng chỉ gói được một số loại thức ăn sẵn, chứ các sản phẩm đến từ thiên nhiên chưa thể thay thế hoàn túi nilon. Đó chính là lý do trực tiếp của việc chưa thể thay thế túi nilon.

Còn với chai nhựa, mọi việc còn khó khăn hơn, bởi số chai này là vỏ đồ uống, thứ được sản xuất bởi các công ty giải khát. Thực tế hiện nay, đã có dòng sản phẩm có vỏ giấy, nhưng chai nhựa vẫn chiếm tỷ lệ quá lớn trong lượng sản phẩm tiêu thụ.

"Sản phẩm" của đồ nhựa dùng một lần mang đến cho môi trường sống của chúng ta. Ảnh minh họa

Tình hình thực tế là như vậy, chúng ta cần đi sâu tìm hiểu để không đổ tất cả lỗi cho người dân. Tuy nhiên, ý thức của người dân vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Và hiện nay ý thức đó vẫn còn thấp trong dân cư.

Tại các tiệm tạp hoá, siêu thị, túi nilon vẫn được sử dụng gần như 100% để đựng sản phẩm. Có một thời gian một số siêu thị khuyến khích khách hàng dùng túi vải và túi giấy nhưng chỉ rộ lên một thời gian rồi đâu lại vào đó. Đặc tính của túi giấy thì dễ hỏng còn túi vải thì dễ bẩn. Hơn nữa khách hàng lại phải mua túi vải, dần dần khách cũng bỏ vì không thể hình thành được thói quen không dùng túi nilon.

Riêng với chai nhựa, việc không dùng là bất khả thi, vì chỉ tính riêng các loại nước uống đóng chai đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Cho đến nay, chúng ta chưa có một hành động quyết liệt nào để tiến tới loại bỏ toàn toàn vỏ chai nhựa. Đó là thực tế mà ta càn phải nhìn nhận.

Phải hành động quyết liệt ngay từ bây giờ

Việt Nam là một trong những nước đang đối mặt với ô nhiễm môi trường nặng nề trên thế giới. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ mà chỉ có những phong trào "hời hợt" thì chúng ta không thể cắt giảm số nhựa gây hại với môi trường.

Một ví dụ đáng tiếc là việc cắt giảm túi nilon ở các chợ truyền thống. Phong trào dùng làn để đi chợ và sử dụng các sản phẩm tự nhiên để gói thực phẩm đã được một số chợ hưởng ứng nhiệt tình, nhưng chỉ một thời gian là tắt ngấm, bởi không có một lực lượng đủ mạnh "giữ lửa". 

Việt Nam là một trong những nước đang đối mặt với ô nhiễm môi trường nặng nề trên thế giới.

Đó chính là nguyên nhân lý giải tại sao chúng ta chưa thể cắt giảm mạnh mẽ số chai nhựa, túi nilon, kể cả ở các thành phố lớn. Với các địa phương có phong trào dân cư phát triển mạnh thì số đồ nhựa thải ra môi trường có giảm, nhưng vẫn như muối bỏ bể, bởi không có một sự lan toả, không có định hướng đủ mạnh.

Từ một góc nhìn khác, nếu chỉ tuyên truyền, vận động người dân thì không thể thành công, mà hành động phải đến từ chính các cơ sở kinh doanh, các nhà sản xuất thực phẩm. Đó mới chính là lực lượng quan trọng để cắt giảm đồ nhựa gây hại ra môi trường. Chúng ta đã có thể kể ra một số hành động đáng biểu dương của các nhà sản xuất, kinh doanh như ngừng sử dụng mang co nhựa trên chai nước của nhãn hàng Aquafina hay khuyến khích khách hàng tự mang cốc uống của chuỗi cửa hàng Highland Coffee, nhưng dường như đó là chưa đủ để tạo ra một phong trào mạnh mẽ trong giới này, trong khi đây là đối tượng cần phải có những hành động đầu tiên trong chiến dịch giảm sản phẩm nhựa dùng một lần.

Một giải pháp khác mà rất cần phải đẩy mạnh là thực hiện cắt giảm đồ nhựa dùng một lần trong chính các cơ quan, công sở, doanh nghiệp. Đây là những nơi dễ thực hiện hơn khu dân cư, bởi ý thức và tính văn minh. Một số ví dụ có thể kể ra là việc lắp các cây nước tại công sở và sử dụng cốc thay vì dùng chai nhựa.

Như vậy sẽ vừa giảm được số chai, vừa tiết kiệm được nước. Một việc khác là vận động các cơ quan hạn chế sử dụng túi nilon và thay bằng túi giấy bìa cứng. Với nguồn lực của các cơ quan, chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này, bởi sẽ không mất quá nhiều kinh phí thực hiện.

Định hướng ta đã có, chiến lược đã có nhưng quan trọng là cách thực hiện thì chúng ta chưa làm mạnh. Quan trọng nhất là lan toả trong cộng đồng và làm thế nào để người dân tham gia. Phong trào cũng đã tổ chức nhiều, các vị nguyên thủ quốc gia cũng đã đứng ra vận động và thực hiện làm gương, nhưng thực tế ở nhiều nơi, người dân vẫn không tham gia.

Đó là vì vai trò của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở chưa sâu sát, đồng hành cùng phong trào mà chỉ vận động xong rồi không định kỳ chỉ đạo thực hiện. Muốn tạo thành kết quả của cả xã hội, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến từng khu dân cư.

Cần cả những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội đứng lên lan tỏa, tạo thành một ngọn lửa không bao giờ tắt, có như vậy chúng ta mới thành công.

Thông tin tác giả:                            

Họ và tên: Đinh Thành Trung

Nơi công tác: Ban Kinh tế Trung ương

Địa chỉ: B4/261 Thụy Khuê – Tây Hồ - Hà Nội

Điện thoại: 0912573597                   

E-mail: [email protected]

Tài khoản: 12010000531230 tại Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Sở giao dịch 1 (Hà Nội). Chủ TK: Đinh Thành Trung.

Bạn đang đọc bài viết RTN 3: Đã đến lúc cần giữ lửa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Đinh Thành Trung

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Vui hết nấc với giải đua KUN Happy Run Cần Thơ 2024
Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13 - 4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.