Thứ năm, 28/03/2024 18:10 (GMT+7)

Bắc Ninh: Về nơi thành phố, thị xã không còn... xã trực thuộc

MTĐT -  Thứ sáu, 19/03/2021 10:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhịp sống đô thị, công nghiệp như đang len lỏi vào từng ngõ, xóm làng ở Bắc Ninh.

Theo Quyết định số 241 về phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Ninh là một trong 3 tỉnh dự kiến trở thành các thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn này. Trước mắt, thị xã Từ Sơn dự kiến thành lập thành phố; các huyện: Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành và Quế Võ thành lập thị xã.

Mỗi phường, xã có thu nhập 200-300 tỉ đồng/năm từ tiền cho công nhân thuê trọ

Về Bắc Ninh, ai nấy đều tỏ ra bất ngờ và ngỡ ngàng trước xu hướng công nghiệp và đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh. Phường Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn) cách đây hơn 10 năm vẫn là một xã thuần nông, người dân chủ yếu sống dựa vào làm ruộng, nhưng nay chủ yếu phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Một góc trung tâm thành phố Bắc Ninh hiện nay.

Đến Phù Chẩn, cảnh nông dân "chân lấm tay bùn", nhọc nhằn gắn với cây lúa, cây rau màu gần như không còn. Thay vào đó là những chủ phòng trọ, rồi những cửa hàng, cửa hiệu và các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện tại, Phù Chẩn có gần 1.000 hộ đã đầu tư kinh phí xây dựng trên 5.600 phòng trọ cho công nhân thuê và gần 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải kho bãi, thương mại.

Tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại ước đạt trên 491 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99%. Diện tích đất nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 39ha (trong đó diện tích sản xuất 28ha, còn 11ha nằm xen kẹt giữa các dự án, khu dân cư khó canh tác).

Đến Phù Chẩn, cảnh nông dân "chân lấm tay bùn", nhọc nhằn gắn với cây lúa, cây rau màu gần như không còn. Thay vào đó là những chủ phòng trọ, rồi những cửa hàng, cửa hiệu và các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện tại, Phù Chẩn có gần 1.000 hộ đã đầu tư kinh phí xây dựng trên 5.600 phòng trọ cho công nhân thuê và gần 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải kho bãi, thương mại.

Tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại ước đạt trên 491 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99%. Diện tích đất nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 39ha (trong đó diện tích sản xuất 28ha, còn 11ha nằm xen kẹt giữa các dự án, khu dân cư khó canh tác).

Một góc "đô thị" ở Tiên Du, Bắc Ninh hiện nay. Nơi đây, trước kia chỉ là những con đường làng vắng lặng, nay nhộn nhịp chẳng khác gì những đô thị sầm uất. Ảnh: Khương Lực

Từ đó, kéo theo các hoạt động kinh doanh – dịch vụ nở rộ, đông đúc sớm tối. Hàng hoạt khu nhà cao tầng, các quán ăn, dịch vụ… được xây để phục vụ hoạt động thuê trọ. Tại xã, người lạ từ thiên hạ về ở, thuê trọ còn đông hơn cả người làng. Tất cả điều đó đã tạo ra nhịp sống công nghiệp, đô thị ngay ở… làng.

Với 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, với tổng diện tích 6.398ha; trong đó, có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước như Samsung, Canon, Foxcon, Orion..., đặc biệt là nguồn vốn FDI đạt 19,8 tỷ USD, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh có quy mô công nghiệp lớn thứ 6 toàn quốc. 

Sự phát triển bứt phá nhanh về công nghiệp đã tạo đà cho quá trình đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn mới ở Bắc Ninh "cất cánh" nhanh chóng. Khi công nghiệp ngày càng phủ kín trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là Tập đoàn Samsung đầu tư vào địa bàn thì nguồn thu ngân sách ngày càng lớn.

"Sau năm 2015, Bắc Ninh đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách nên kinh phí đầu tư để xây dựng nông thôn mới hàng năm hỗ trợ cho địa phương tăng lên, các địa phương cũng hào hứng thực hiện hơn" - ông Lưu Văn Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Năm 2015, tỉnh Bắc Ninh mới có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tính ra được 35%. Đến hết năm 2020, 100% các xã trong tỉnh Bắc Ninh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, sớm hơn 24 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Một trong những điểm nhấn quan trọng dễ nhận thấy là sự hài hòa về phát triển nông thôn với đô thị: đô thị hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, là thị trường lớn để tiêu thụ nông sản từ nông thôn. Ngược lại, nông thôn chính là vành đai xanh, giúp đô thị giảm áp lực về gia tăng dân số cơ học và môi trường.

Những "dấu lặng" về cảnh quan và môi trường

Dù đạt được kết quả tích cực như vậy, nhưng ông Lưu Văn Khải cho rằng, phong trào xây dựng nông thôn mới không được như các địa phương khác. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hóa, xây dựng nông thôn Bắc Ninh tiệm cận với đô thị, tỉnh Bắc Ninh đã để lại toàn bộ tiền bán đấu giá đất cho các địa phương để xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân đạt rất thấp trong tổng nguồn vốn 13.232 tỷ đồng đầu tư cho chương trình. Cụ thể, doanh nghiệp được 8 tỷ (chiếm 0,06%); cộng đồng, người dân tự nguyện đóng góp và các nguồn vốn khác được 71 tỷ đồng (chiếm 0,53%).

Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh thăm mô hình trồng cây cam Canh cho thu nhập 900 triệu đồng của ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ảnh: Khương Lực

Theo ông Khải, các địa phương khác tập trung vào cải tạo vườn tược hay xây dựng hàng rào bằng cây xanh. Những hoạt động đó rất nhỏ, nhưng lại đập vào mắt nên thấy ngay hiệu quả. "Về cơ sở hạ tầng, thu nhập, văn hóa, thể dục, thể thao, giáo dục, y tế… thì Bắc Ninh thường đứng trong top đầu của cả nước. Nhưng về tiêu chí môi trường hay về cảnh quan, nhiều tỉnh sẽ làm tốt hơn Bắc Ninh" – ông Khải nói.

Tại nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, dù trong nhà thì sạch, nhưng bước ra ngõ, rồi đường là gặp cảnh rác để bừa bộn, gây mất mỹ quan. Thậm chí, nhiều nơi rác sinh hoạt được đổ đống tại các điểm tập kết rác ở các thôn "cao như núi", rồi đốt khiến khói, bụi và mùi khét lẹt bay mịt mù vào các khu dân cư đông đúc hay những con đường giao thông.

Năm 2021: 11 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Theo kế hoạch, trong năm 2021, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cụ thể là các xã: Thụy Hòa, Tam Giang (Yên Phong); Đại Lai (Gia Bình); Tân Chi, Phật Tích, Phú Lâm (Tiên Du); Phượng Mao, Mộ Đạo (Quế Võ); Song Hồ, An Bình, Xuân Lâm (Thuận Thành).

Tỉnh Bắc Ninh xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải theo tinh thần: sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, văn hóa. Ảnh; Khương Lực.

Tuy nhiên, trong tiêu chí về môi trường, vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là việc phân loại rác từ nguồn đang gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Định, Chủ tịch UBND xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chiếm tỷ trọng rất ít. Để tránh ruộng đất bị bỏ hoang, tập thể xã đã đứng ra hợp đồng cho thuê đất để phát triển trang trại, gia trại trồng rau hoa.

"Chúng tôi xác định Song Hồ xây dựng nông thôn mới nâng cao bằng phát triển làng nghề (làm tranh và vàng mã - PV), mở rộng dịch vụ và thương mại. Thứ hai, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp" – ông Định nói.

Theo ông Định, xã Song Hồ đã sớm hình thành dịch vụ vệ sinh môi trường, nên đến nay cơ bản đã đáp ứng. Tuy nhiên, toàn bộ nước thải từ sản xuất làng nghề chưa được xử lý nên xã đề nghị sớm đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung để đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao./.

Theo Khương Lực/Báo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Bắc Ninh: Về nơi thành phố, thị xã không còn... xã trực thuộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.