Thứ tư, 24/04/2024 09:10 (GMT+7)

Bài 7: Nguyên lý chơi cờ tướng (P2)

ThS, HLV Nguyễn Xuân Độ -  Thứ bảy, 17/08/2019 11:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ở bài 6, chúng ta đã biết đến nguyên lý tiên tri, nguyên lý kế hoạch, nguyên lý tự nhiên và nguyên lý cầu kỷ. Hãy cùng tiếp tục tìm hiểu những nguyên lý cơ bản khác trong bộ môn cờ tướng.

5. Nguyên lý tồn toàn:

-Tồn toàn hiểu nôm na là giữ sao cho trọn vẹn. Ví dụ như cơ thể một người nếu thiếu đi một bộ phận sinh hoạt nào cũng khiến ta khó sinh hoạt và nhất định sẽ yếu thế hơn người toàn vẹn. Các quân cờ là những bộ phận thân thiết của Tướng nên quân cờ nào mất cũng làm Tướng yếu thế, dễ bị vây hãm, đánh bí

-Ở cờ Tướng, tối kỵ là để mất quân (thua quân đối phương), trừ khi đã có kế hoạch nhử cho đối phương ăn quân để ta thắng thế, thắng nước, lợi quân như “Phế Mã tranh tiên”, “Thí Pháo bắt Xe” v.v… lúc nào ta cũng nên bảo toàn lực lượng, cảnh giác việc mất quân. Nếu lực lượng tấn công bị mất một vài quân sẽ giảm hiệu năng kỳ chiến. Nếu lực lượng phòng thủ cũng bị mất đi vài quân như Sĩ, Tượng thì thật khó giữ an toàn cho Tướng. Trong cờ Tướng, có sức mạnh tổng hợp nhờ sự liên hoàn hỗ trợ lẫn nhau. Nếu còn đủ Sĩ, Tượng thì một Xe khó thắng được. – “Tướng, Sĩ, Tượng toàn đơn Xa bất sát” là như vậy. Trong một ván cờ từ khai cuộc đến kết cuộc hẳn phải có nhiều quân cờ bị mất, nhưng sự hy sinh mất mát đó phải có lợi cho ta (lợi quân hoặc lợi nước) hơn đối phương mới được.

6.Nguyên lý chủ động:

-Chủ động tức là nắm quyền chi phối mặt trận, buộc đối phương chống đỡ theo ý đồ của ta. Trong cờ Tướng,muốn nắm quyền chủ động ta phải có bốn cái thắng sau đây:

Thắng nước (lợi nước đi) . Ví dụ như ta được đi tiên (đi trước).

Thắng quân: Còn nhiều quân chiến đấu hơn đối phương.

Thắng thế: Có thế đánh hay.

Thắng trí: Có sự tính toán sâu xa, kỹ lưỡng nhiều nước đi.

-Nếu đi tiên, ta đã lợi 1 nước thì nên áp dụng các chiến lược tấn công từ khai cuộc, tạo thế tấn công liên tục có hiệu quả (thắng quân, thắng nước hay thắng thế) nhằm áp đảo đối phương để nắm quyền chi phối thế trận ‘luôn luôn đứng trên địa vị chủ động mà hãm đối phương vào thế bị động”. Nếu đi hậu (đi sau), ta phải biết tranh thủ để tạo thế phản công làm chủ thế trận. Ta phải làm cho đối phương mất thế tiên (mai phục bắt quân, hoặc kiên trì thủ làm đối phương mất nhiều nước đi vô bổ, phát hiện sơ hở đối phương, phát hiện sai lầm của đối phương ở những vị trí dễ vây bắt). Ta nhanh chóng lập thế đánh vào những nhược điểm ấy để giành quyền chủ động.

-Nắm được quyền chi phối thế trận (chủ động) là thắng lợi đang nằm trong tay ta.

7.Nguyên lý lợi động:

-Tôn Tử có dạy: “Phải xét thấy có lợi mà thúc đẩy binh sĩ mình, lấy lợi mà dẫn dụ địch nhân”. Phàm ở đời, lợi lộc bao giờ cũng là miếng mồi ngon. Nếu việc gì không đem lại lợi ích thì hiếm ai làm. Nhưng ta phải xem xét cái lợi do ta chủ động làm ra thì nên nhận, ngược lại, không do ta làm ra mà do đối phương đem đến thì phải coi chừng mắc bẫy. Khi đi một quân cờ, ta phải xét thấy có lợi rồi mới đi. Nếu quân cờ ta đi, ăn một quân cờ của đối phương mà không có lợi cho kế hoạch tấn công thì cũng không nên ăn. Trong thế phục thủ, gài cạm bẫy, ta cho đối phương phần lợi nhỏ để mắc cạm bẫy như: Thí Pháo bắt Xe, bỏ mã tranh tiên để làm chủ mặt trận hoặc đánh bí đối phương. Thấy lợi mà ham, không suy xét lợi ấy do đâu mà có, lợi ấy thuộc về ai mà cố giữ sẽ mang họa vào thân. Ta lấy lợi dẫn dụ đối phương thì đối phương cũng lấy lợi dẫn dụ ta. Miếng mồi ấy đang ở trong 1 cái bẫy lớn. Ta đừng dại dôt làm một con vật ham ăn mà chui vào bẫy.

Bạn đang đọc bài viết Bài 7: Nguyên lý chơi cờ tướng (P2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới