Thứ năm, 28/03/2024 16:29 (GMT+7)

Báo động ô nhiễm ở “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc

Thảo Phương - Triệu Trang -  Thứ hai, 06/08/2018 08:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xã Ngọc Lũ, H.Bình Lục, T. Hà Nam được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, với hơn 1600/2000 hộ chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, hệ lụy của việc chăn nuôi là ô nhiễm môi trường đang báo động

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, với hơn 1600/2000 hộ chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, hệ lụy của việc chăn nuôi là ô nhiễm môi trường đang trở nên trầm trọng. Lượng chất thải từ chăn nuôi lợn thải ra môi trường vô cùng lớn, gây nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân nơi đây.

Hàng trăm tấn phân thải trực tiếp ra môi trường (!?)

Theo tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, mức độ ô nhiễm ở xã Ngọc Lũ đã trở nên báo động. 

Con mương ngập rác thải, đen ngòm gây ô nhiễm

Đến Ngọc Lũ, khắp các rãnh, mương nước, ao, hồ đều có màu vàng đục, xanh và bốc mùi hồi thối nồng nặc. Chưa dừng lại ở đó, khi kênh mương quá tải, hàng nghìn khối chất thải ô nhiễm đổ thẳng ra dòng sông Châu Giang, nơi có khoảng 20.000 hộ dân ven sông. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Trao đổi với PV,  chị Nguyễn Thị H. (Thôn 1, xã Ngọc Lũ) cho biết: "Hầu hết các hộ gia đình chăn nuôi đều nuôi vài chục con trở lên, nhà nhiều đến vài trăm con.

Cả xã có hàng trăm trang trại chăn nuôi lợn như vậy, đồng nghĩa với hàng nghìn khối nước và cả trăm tấn chất thải xả thải trực tiếp ra môi trường".

Cống rãnh đen ngòm, thành nơi chứa nước thải chăn  nuôi

Một số hộ dân tự ý xả nước thải chăn nuôi ra kênh mương.  

Hằng ngày phải sống chung với ô nhiễm nặng nề, môi trường sống không bảo đảm, nhiều năm qua, người dân xã Ngọc Lũ phải sống trong sự ám ảnh về bệnh tật.

Đặc biệt là căn bệnh ung thư. Mỗi năm, trung bình có khoảng 8 người tử vong vì ung thư, gây hoang mang cho người dân trong xã.

“Đau đầu” tìm giải pháp

Vấn nạn ô nhiễm môi trường từ trại lợn thì ai cũng biết. Tuy nhiên, vấn đề nan giải ở chỗ nếu muốn sạch thì chỉ còn cách bỏ chăn nuôi lợn nhưng nếu bỏ nuôi lợn thì họ chẳng biết làm việc gì! Vì lẽ đó, dân làng đành "gồng mình" sống chung với ô nhiễm.

Cả một con mương dài 500m nước sủi bọt trắng xóa.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Trần Đình Thiện-Chủ tịch UBND Xã Ngọc Lũ chia sẻ: “Xã đã tuyên truyền, họp triển khai từ xã đến thôn, đặc biệt là các trưởng thôn, sau đó là hộ gia đình.

Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình ý thức kém vẫn tự ý xả thải chất thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường. Xã đã ra thông báo đề nghị phạt đối với hộ chăn nuôi vi phạm”.

Trước thực trạng trên, nhiều hộ gia đình đã tiến hành xây dựng hầm bioga để cải thiện tình hình. Thế nhưng, mỗi hầm chỉ có dung tích 25 đến 30 mét khối, hầm chỉ giải quyết chất thải cho đàn lợn khoảng 30 con. Nếu số lợn nhiều hơn thì phần lớn phân, nước thải còn lại vẫn phải xả thẳng ra môi trường. 

Trụ sở UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục

 Trước đó, năm 2008, xã Ngọc Lũ đã có một công trình xử lý chất thải chăn nuôi được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư, với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng, công suất 7.000 - 10.000 tấn chất thải/ngày.

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động được 2 năm thì bị rò rỉ và bỏ hoang đến tận bây giờ vì thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa.

Đã có buổi tọa đàm về vấn đề ô nhiễm trên địa bàn xã do đồng chí Bí thư Tỉnh và cả Ban Giám hiệu Đại học Khoa học Tự nhiên bàn luận về dự án xử lý chất thải với kinh phí ước tính lên đến 300 tỷ đồng. Tuy nhiên do kinh phí quá lớn nên dự án mới chỉ dừng ở bước đề xuất.

Năm 2013, ông Huỳnh Việt Thanh (Giám đốc Công ty Hoài Nam) đã về địa phương xin đặt trụ sở với 3 vị trí đất, tổng diện tích là 5ha để thu gom xử lý rác thải, nhưng với mức kinh phí lên tới 278 tỉ đồng. Cũng vì kinh phí quá lớn nên cho đến nay dự án cũng chưa đi vào thực thi.

Bên cạnh đó, UBND xã Ngọc Lũ đã phối hợp với huyện Bình Lục thực hiện “Đề án chăn nuôi lợn sạch xã Ngọc Lũ” để đảm bảo phát triển đời sống, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, hướng đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cho người dân.

Tại sao các hộ gia đình tại xã Ngọc Lũ vô tư xả thải mà không có cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm? Câu chuyện quản lý nguồn thải gây ô nhiễm môi trường liệu có dừng lại ở việc "họp triển khai và tuyên truyền" hay không? 

Thiết nghĩ, để đạt được hiệu quả trong bảo vệ môi trường, các sở - ban - ngành cần sớm có biện pháp quy hoạch vùng chăn nuôi, áp dụng công nghệ xử lý môi trường hiện đại. Đồng thời vận động người dân có ý thức trong giữ gìn, bảo vệ môi trường. 

Bạn đang đọc bài viết Báo động ô nhiễm ở “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới