Thứ tư, 17/04/2024 06:30 (GMT+7)

Cà Mau không còn “xa lắm”...

Hùng Sơn -  Thứ tư, 30/09/2020 08:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam...” mở đầu ca khúc Áo mới Cà Mau của cố nhạc sĩ Thanh Sơn (1938 – 2012) đã khiến bao lời đồn dĩ vãng về vùng đất Mũi hoang sơ được chứng thực!

Về Cà Mau hôm nay, vẻ hoang sơ vẫn còn đó nhưng đã được uốn nắn cho thẳng thớm, sạch sẽ. Làn gió văn minh thổi qua, thành phố mọc lên, tàu hàng nhả khói, trên bến dưới thuyền tiếng cười nói xôn xao....Cà Mau đã không còn “xa lắm”...

TP Cà Mau hôm nay

 Ngỡ ngàng tôm cua Cà Mau!

Dọc con đường từ thành phố Cà Mau về Cái Nước, những du khách thành thị thật bất ngờ khi chứng kiến hàng loạt cửa hàng bán....dây buộc cua! Có lẽ đối với cư dân địa phương là chuyện quá đỗi bình thường nhưng người nơi khác đến, cho dù là có kinh nghiệm du lịch dày dặn, vẫn xác nhận chỉ có ở Cà Mau mới có bán mặt hàng đặc thù nàỳ. Theo một thương lái dày kinh nghiệm, cua Cà Mau nổi tiếng nhất nước, thậm chí thị phần cua Cà Mau xuất khẩu qua tỉnh Vân Nam (tỉnh có 45 triệu dân, TQ) chiếm đến 50%. Cua được dân Cà Mau nuôi từ hơn 30 năm trước bằng hình thức bán thâm canh (tự nhiên), thâm canh (2 giai đoạn) và hiện nay là siêu thâm canh (3 giai đoạn), nếu trúng mùa là kênh đầu tư siêu lời vì cua gạch loại 1 bán ra có khi đạt đến 500.000đ/kg. Hầu như các hộ nuôi trồng thủy sản đều chọn cua là sản phẩm nuôi kèm với con tôm vốn là nguồn thu nhập chính. Vì vậy, các dịch vụ ăn theo con tôm, con cua là điều hiển nhiên, trong đó có các gian hàng bán...dây buộc cua!

Một góc sân bay Cà Mau

Ở Cà Mau, con tôm mới là mặt hàng chiến lược. Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Cà Mau, hiện toàn tỉnh có 14.163 hộ nuôi tôm thâm canh với tổng diện tích 8.618 ha. Nếu tính luôn diện tích nuôi tôm quảng canh thì Cà Mau đứng đầu cả nước với diện tích nuôi là 280.000 ha. Hàng năm, tổng lượng tôm Cà Mau cung ứng cho thị trường lên đến 200.000 tấn, một kỷ lục mà không có địa phương nào vượt qua nổi. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam khoảng 3,5 tỉ USD/năm thì Cà Mau đã chiếm hơn 30% (1,8 tỉ USD). Hiện Cà Mau có 30 nhà máy chế biến tôm của 28 doanh nghiệp, chiếm 1/3 số nhà máy chế biến tôm trong cả nước. Con tôm ảnh hưởng đến thu nhập của 70% người dân Cà Mau nên mỗi khi nó “sổ mũi nhức đầu” thì chính quyền đứng ngồi không yên. Hồi tháng 5 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã phải ký Chỉ thị 05/CT-UBND để chỉ đạo các ban ngành trong tỉnh vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong đó chủ lực là “cứu” thị trường tôm.

“Kéo” Cà Mau lại gần...

Cà Mau cách TPHCM hơn 300km, ngồi xe ô tô theo quốc lộ 1A mất gần một ngày. Từ tháng 8/2015, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua Cà Mau đã thông suốt khiến việc đi lại giữa khu vực bên ngoài và Cà Mau dễ dàng hơn. Ở tuyến hàng không, tỉnh Cà Mau có sân bay Cà Mau được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Sau 2 lần thiết kế, xây dựng lại vào năm 1962 và năm 2003, sân bay Cà Mau bắt đầu vận chuyển khách vào tháng 5/2004. Hiện nay, khách đi Cà Mau qua đường hàng không có thể mua vé đi lại suốt tuần (mỗi ngày một chuyến) bằng máy bay ATR72.

Cột mốc chủ quyền quốc gia tại Cà Mau

Cà Mau có 254km đường biển với nhiều cảng biển nhỏ, hình thành từ lúc mới khai phá cách đây hơn 300 năm. Vào thế kỷ XVII, tướng nhà Minh là Mạc Cửu vì không phục tùng triều Thanh mới dẫn một nhóm người Hoa theo đường biển đến vùng đất Mũi lập nghiệp. Sau khi Mạc Cửu dâng toàn bộ đất này thần phục nhà Nguyễn thì con trai của ông là Mạc Thiên Tích được Chúa Nguyễn cho lập đạo Long Xuyên, mở đầu cho việc hình thành tỉnh Cà Mau bây giờ. Tên gọi Cà Mau cũng xuất phát từ dân gian, đọc trại từ tiếng Khmer là “Tưk – Kha – mau” nghĩa là nước đen (do lá tràm rụng xuống ngâm lâu trong nước thành nước đen). Do 3 mặt giáp biển nên từ lâu giao thông trên biển ở Cà Mau trở thành tối quan trọng. Hiện nay, ngoại trừ vô số cảng nhỏ, Cà Mau đang tập trung đầu tư và khai thác 2 cảng biển lớn là cảng Năm Căn (thuộc thị trấn Năm Căn) và cảng Hòn Khoai (nằm ở huyện Ngọc Hiển), trong đó cảng Hòn Khoai khả năng trở thành cảng biển lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư lên đến 5 tỉ USD, năng lực vận tải đến 800 triệu tấn hàng hóa/năm.

Riêng các tuyến du lịch đến Cà Mau bằng đường biển, đã từ lâu là “điểm nhấn” của các công ty du lịch lữ hành, chủ yếu là “đi cho biết” vì chỉ đi từng đoạn ngắn! Chính thức mở ra tuyến giao thông du lịch trên biển ra các đảo thì Cà Mau mới vận hành từ tháng 7/2020 khi Công ty CP tàu cao tốc Phú Quốc (Phu Quoc Express) khai trương tuyến Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc. Đây là hành trình trên biển dài 3h15 với giá vé hạng VIP là 980.000đ/vé và hạng phổ thông là 590.000đ/vé, đi bằng tàu cao tốc 5 sao tiêu chuẩn Châu Âu

Tình đất tình người

Cà Mau là vùng “đất rộng người thưa” với dân số khoảng 1,3 triệu người, trong đó 77% sống ở nông thôn. Từ thời hoang sơ, Cà Mau đã dung nhập nhiều dân tộc vào sinh sống, đến hiện nay là 19 dân tộc, trong đó chủ yếu là người Kinh, người Hoa và  người Khmer. “Thời Gia Long, có những người dân lưu tán phiêu bạt, từ các nơi hội tụ về đây khai khẩn đất hoang lập thành xóm ấp. Trải qua bao đời con cháu, vật lộn và chinh phục thiên nhiên, cực kỳ nguy hiểm, gian khổ, bàn tay khối óc và trái tim con người, đã biến đổi vùng đất u tịch nầy thành một Cà Mau với diện mạo xinh đẹp rạng rỡ như hôm nay”, đó là lời giới thiệu tổng quan nhất về Cà Mau của Văn phòng UBND tỉnh.

Rừng Cà Mau

“Cà Mau rừng bạt ngàn, chim bay đầy trời, cá lội ngập sông...” những câu văn ẩn hiện đó đây trong câu chuyện “nói dóc” của bác Ba Phi nghe thời học sinh, vẫn là những kỷ niệm đẹp đẽ của bất kỳ người dân Nam bộ nào. Với một thảm thực vật khổng lồ (trên 100.000ha, chiếm 77% tổng diện tích rừng ĐBSCL), Cà Mau đang là nơi cân bằng sinh thái tuyệt diệu cho cả khu vực. Đã từ lâu, vùng rừng đước Năm Căn, rừng tràm U Minh... trở thành những cái tên quen thuộc của giới du lịch phượt, câu cá, bắn chim...Nhiều điểm đến tên tuổi trong làng du lịch cũng xuất phát từ ưu đãi của thiên nhiên này: Biển Khai Long, chợ nổi Cà Mau, Hòn Đá Bạc, Đầm Thị Tường, đảo Hòn Khoai, rừng U Minh Hạ, mũi Cà Mau...

Vùng đất hoang sơ, con người chân chất dễ gần, hiệp nghĩa...nghe như trong một tuồng cổ cải lương, song đó cũng chính là sức hấp dẫn độc đáo của Cà Mau, cũng là chất keo gắn kết nghĩa tình kéo người phương xa xích lại gần Cà Mau hơn. Khoảng cách vạn dăm địa lý đã không còn ý nghĩa khi khoảng cách nghĩa tình tâm lý đang thôi thúc trái tim...

Cà Mau không còn “xa lắm”...

Bạn đang đọc bài viết Cà Mau không còn “xa lắm”.... Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.