Thứ sáu, 29/03/2024 12:18 (GMT+7)

Chùm ảnh về lũ đang xảy ra tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị

VP BTB -  Thứ tư, 14/10/2020 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã nhiều ngày trôi qua nhưng nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn ngập sâu như huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ. Cuộc sống của nhiều hộ dân đang rất khó khăn, thiếu thốn.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa bắc của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ, nối với vùng thấp trên biển Đông nên mấy ngày qua tại các tỉnh miền Trung xảy ra mưa lớn trên diện rộng.

Nhiều tỉnh thành từ Hà Tĩnh - Quảng Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra. Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ đã khiến 40 người chết và mất tích

Cụ thể, Quảng Trị có tám người chết và năm người mất tích; Thừa Thiên Huế có năm người chết, một người mất tích; Quảng Nam có sáu người chết, hai người mất tích; Đà Nẵng có một người chết, ba người mất tích; Quảng Bình và Kon Tum có hai người chết; Gia Lai một người chết, một người mất tích; các tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Lâm Đồng một người chết.

Có 217 xã, phường/111.329 hộ bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 1,5m. Trong đó, Quảng Bình có 15 xã; Quảng Trị 81 xã; Thừa Thiên Huế 115 xã/phường; Đà Nẵng 6 xã/phường).

Hiện nay, lũ trên các sông Quảng Trị đang dao động ở mức đỉnh, nhiều địa phương nằm tại các vũng trũng thấp tại các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) vẫn chìm sâu trong biển nước.

Sáng 14/10, tại  huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) trời đã bắt đầu chuyển nắng, tuy nhiên nhiều làng, xã tại đây nước vẫn chưa kịp rút hết. Theo ghi nhận của PV tại xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, mực nước ở đây vẫn còn ở mức cao và đang xuống rất chậm.

Từ QL1A thuộc xã Hải Chánh, chúng tôi theo đò xuôi dòng Ô Giang khoảng gần 1 tiếng đồng hồ mới tiếp cận được các hộ dân tại xã Hải Phong. Toàn xã hiện tại vẫn mênh mong trong biển nước. Mặc dù nước đã rút thấp hơn so với thời điểm lũ về, tuy nhiên do địa phương này nằm tại vũng trũng thấp, gần các con sông lớn nên nước lũ  xuống rất chậm.

Mực nước tại đây đang dao động từ 0,5 – 1m. Hiện tại mọi hoạt động trong xã đang bị tê liệt, các nhu yếu phẩm cần thiết như đồ ăn, thức uống đang dần cạn kiệt. Thống kê từ UBND xã Hải Phong, toàn xã có 2317 hộ gồm 7 thôn. Đợt lũ vừa rồi khiến 99% nhà dân bị ngập sâu trong lũ.

Các trường học trong xã đang phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. (Trong ảnh, Trường mầm non Hải Hoà nước vẫn đang ngập sâu). Theo chia sẻ của cán bộ xã Hải Phong, nước lũ năm nay lên nhanh và cao hơn so với mọi năm, mức lũ gần xấp xỉ trận lũ lịch sử năm 1999.

Hiện tại nước đang xuống dần, người dân đang tranh thủ dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, nướt rút tới đâu lau dọn tới đó. Ông Nguyễn Văn Hiếu (thôn Hưng Nhơn, xã Hải Phong) cho biết, toàn thôn có hơn 300 hộ dân, trong mấy ngày qua nước lũ đã xuống một lần, xong lại lên tiếp, giờ nước đang xuống chậm.

Các tuyến đường, ngõ ngách trong xã đến giờ vẫn chìm trong biển nước, người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền, đò. Hầu hết các hộ dân tại đây đã có đò nhỏ để di chuyển, một số người di chuyển bằng bè được kết lại bằng các khúc gỗ hoặc thân cây chuối. Thậm chí có người còn tận dụng cả tủ lạnh cũ để làm phương tiện di chuyển trên nước.

Một số chuyến hàng tiếp tế các nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, bánh mì, dầu ăn, gạo... được UBND xã Hải Phong huy động và vận chuyển bằng ghe từ bên ngoài vào phát cho các hộ dân trong xã, tránh xảy ra tình trạng thiếu đồ ăn nước uống.

Nhiều hộ dân cũng chủ động tích trữ lương thực, một số nông sản cần thiết yếu như lúa gạo cũng được người dân kê chắn cẩn thận.

Việc giao thương chợ búa trong xã vẫn đang bị tê liệt. Một số tiểu thương tại chợ Hải Hoà tranh thủ nước đang rút lau dọn quầy, sạp để chuẩn bị trở lại buôn bán.

Hiện tại, nước sạch sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách tại đây. Bốn bề toàn nước lũ, người dân không thể tận dụng nước này để nấu ăn được. Điện lưới trên toàn xã đang bị tê liệt, trạm nước sạch tại đây chưa thể cung cấp nước cho người dân. Nguồn điện giờ phụ thuộc hoàn toàn vào các máy phát điện chạy bằng xăng để duy trì thông tin liên lạc.

Ông Cáp Xuân Tá - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong mấy ngày qua do ảnh hưởng của mưa nên lũ tại các sông lên nhanh, mức lũ ngang với đỉnh lũ năm 1999. Toàn huyện có 16.875 ngôi nhà bị ngập từ 0,2-3,5m. Khoảng 6 ngàn người dân phải di dời từ nơi thấp lên nơi cao. Thiệt hại ban đầu trên địa bàn có 2 người chết do lũ, nhiều phương tiện bị cuốn trôi, nhiều gia súc gia cầm bị chết.

“Trước thiệt hại của lũ, huyện tập trung chỉ đạo các đội cứu hộ cứu nạn, các phương tiện của huyện cũng như các lực lượng cứu hộ phải ưu tiên cho nhiệm vụ cứu người, vận chuyển người từ nơi thấp đến nơi cao, xem đây là một nhiệm vụ hàng đầu không để cho người dân thiệt hại trong lũ.

Kịp thời cứu trợ cho người dân ở các địa bàn bị cô lập trong lũ, đặc biệt ở các địa bàn cồn càng các địa bàn sâu ở các xã Hải Phong, Hải Trường, Hải Định, Hải Quế, Hải Dương, một số khu vực của thị trấn Diên Sanh. Kêu gọi các đơn vị tổ chức cá nhân kịp thời hỗ trợ ban đầu cho bà con để khắc phục lũ lụt. Quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, khắc phục vấn đề vệ sinh môi trường.

Hiện tại lũ đã rút được 60cm so với đỉnh lũ ngày 10/10. Hiện nay giải pháp của huyện là tập trung hỗ trợ, giúp đỡ cho những người dân không có lương thực thực phẩm do lũ, do mất điện”, ông Tá cho hay./.

Bạn đang đọc bài viết Chùm ảnh về lũ đang xảy ra tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới