Thứ bảy, 20/04/2024 04:05 (GMT+7)

Chuyện lạ ở Hà Đông-Hà Nội: Cây cầu chỉ đi... một chiều!

Triệu Hồ - Hoàng Hà -  Thứ ba, 05/06/2018 09:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tháng 6/2017 người dân Tổ 18, P. Đồng Mai hân hoan, vui mừng vì có cây cầu mới khánh thành đi vào sử dụng. Thế nhưng nó lại gây thất vọng, vì là cầu đi 'một chiều'...

Được biết, cây cầu dân sinh Đồng Hoàng bắc qua sông Đáy, thuộc địa phận Tổ dân phố 18, phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) là cây cầu độc đạo ngắn nhất nối liền tổ dân phố này với trung tâm quận và thành phố. Cây cầu phục vụ đi lại của hơn 1000 nhân khẩu của người dân của khu tổ phố cũng như người dân xung quanh khu vực này. Và hơn thế, cây cầu này cũng là lối đi chính của các em học sinh dẫn từ tổ dân phố 18 sang đến các cấp tiểu học, THCS và THPT.

Vị trí xây dựng cầu Đồng Hoàng tương ứng K26+160 đê tả Đáy, phường Đồng Mai, quận Hà Đông. 

Theo thông tin từ người dân, trước đây cầu Đồng Hoàng từng là một trong những cây cầu nguy hiểm, do quá cũ nát tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người và  phương tện qua lại, nhất là khi có mưa to nước lớn. Lý do của sự xuống cấp, vì cây cầu này đã xây dựng lâu năm  nên đã xuống cấp trầm trọng, xiêu vẹo thậm chí lan can sắt hai bên thành cầu rụng gần hết.

Có những đoạn tay vịn cũng không còn người dân phải tự lấy tre, gỗ buộc tạm để dễ đi lại hơn. Dù người dân đã dùng các loại vật liệu tre gỗ khắc phục để bớt phần nào nguy hiểm nhưng cây cầu khi ấy vẫn  là nỗi ám ảnh hàng ngày cho hàng nghìn nhân khẩu trong tổ dân phố cũng như những người dân khu vực khác thường xuyên qua đây.

Sau nhiều năm tháng chờ đợi, đến tháng 6/2017 người dân phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) cũng đã có được cây cầu mới thay thế cây cầu Đồng Hoàng cũ nát trước đó. Có được cầu mới, niềm vui vừng khôn siết, sự hân hoan hơn cả là người dân Tổ dân phố 18, bởi lẽ từ lâu họ mong đợi có một cây cầu mới từ, và nay nó đã trở thành hiện thực. Nhưng niềm vui "chẳng tày nửa gang", cây cầu mới nhưng nó chỉ có thể lưu thông một chiều với các loại phương tiện thông dụng, xe máy, ô tô, các loại phương tiện khác. 

Khi cây cầu xây xong, người dân mới biết lòng cầu thậm chí rộng không đủ 1,5m. Lưu thông theo kiểu 1 chiều, chỉ đi được một chiếc xe máy, khi đầu này muốn đi thì đầu kia phải dừng lại.

Khi cây cầu mới được khánh thành và bàn giao, người dân mới ngỡ ngàng biết rằng bề ngang rộng 2m nhưng thực tế lòng cầu chỉ khoảng 1,5m. Với chiều rộng của cầu như vậy, một chiếc xe máy đi vào từ đầu cầu bên này thì đầu bên kia một chiếc xe khác sẽ không thể cùng lúc đi sang bên này.

Còn riêng với ô tô dù loại nhỏ nhất như xe bốn chỗ cũng không thể nào đi qua chiếc cầu có chiều rộng như thế được, trừ khi có thể bay qua. Bức xúc với thực tế của cây cầu mới, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng... sự đã rồi còn biết làm sao.

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tại cầu Đồng Hoàng, trên biển báo ngay đầu cầu có ghi rõ cầu dài 44,15m chiều rộng 2m. Nhưng trên thực tế người dân đã mang thước ra đo trực tiếp, chiều rộng tính cả phần lan can cầu cũng không đủ 2m. Họ cho rằng, rộng hẹp thế nào đã rõ rành rành như vậy mà tại sao trên biển báo lại ghi là 2m, chẳng lẽ đơn vị thiết kế thi công có thể đo sai?

Biển báo ngay đầu cầu Đồng Hoàng có ghi rõ cầu dài 44,15m chiều rộng 2m nhưng trên thực tế, người dân dùng thước đo chiều rộng tính cả phần lan can cầu cũng không thể đủ 2m?
Quan sát thực tế cầu Đồng Hoàng có bề ngang rất hẹp.

Trao đổi với phóng viên ông Đặng Văn Thi (người dân Tổ 18, phường Đồng Mai) bức xúc cho biết: "Chúng tôi đi lại quá khổ, hàng ngày bao nhiêu lượt qua lại ở đây. Chỉ đi được một cái xe máy và theo một hướng, khi đầu này đi thì đầu kia phải dừng và chờ xe qua thì mới có thể đi. Khi có người bệnh phải đi cấp cứu gấp thì phải khiêng sang đầu cầu bên kia mới lên được xe cấp cứu. Chúng tôi chỉ mong nhà nước quan tâm, không làm thì thôi chứ đã làm thì ít nhất cũng làm cái cầu cho đủ cái taxi đi qua chứ độc đạo thế này thì khổ quá".

Cùng quan điểm trên, ông D.V.D cùng ở Tổ dân phố 18 cũng cho biết: “Nếu không đi qua cầu thì phải sử dụng đò để qua sông hoặc đi vòng qua xã Thụy Hương (thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ) rồi đi qua cầu Mai Lĩnh cách xa khoảng 6-7km. Xe ô tô không thể nào qua cầu, bao người ở xa không biết đi ô tô vào đây lại phải quay đầu đi vòng. Muốn đi ô tô vào tổ 18 này phải đi đường vòng qua Chương Mỹ, cách 7-8 cây số, trong khi nếu đi qua cầu này chỉ tầm hơn 1 cây là đến”.

Xe máy chở hàng hóa đi chuyển qua cầu rất khó khăn, cây cầu được kỳ vọng bỗng trở nên thất vọng với người dân.

Bà Đ.T.B cùng ở khu vực này chia sẻ: “Mong lắm, kiến nghị mãi bao năm mới được một cây cầu, tưởng có cầu mới bớt nguy hiểm bớt khổ ai dè nó lại bé đên thế. Bõ công làm cho cây cầu mà như thế này thà không làm còn hơn".

Về vấn đề trên, PV Môi trường và Đô thị đã có cuộc trao đổi nhanh với Chủ tịch - UBND phường Đồng Mai ông Lê Quang Thoan cho biết: "Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương vấn đề cầu Đồng Hoàng quá hẹp khiến việc di chuyển khó khăn, bất tiện, người dân bức xúc.

Cái này do thẩm quyền của thành phố, phường thực tế cũng ghi nhận phản ánh lên cấp trên chứ cũng chẳng giải quyết được cái gì cả, mình cũng chỉ biết tiếp nhận ý kiến phản ánh và báo cáo lên cấp trên. Cầu Đồng Hoàng là do Sở GTVT Hà Nội là chủ đầu tư dự án".

Liên quan đến những bức xúc của người dân, PV Môi trường và đô thị Việt Nam Điện tử đã liên hệ với chủ đầu tư cây cầu là Sở GTVT Hà Nội.

Những thông tin phản hồi từ phía đơn vị này Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện lạ ở Hà Đông-Hà Nội: Cây cầu chỉ đi... một chiều!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...