Thứ sáu, 19/04/2024 17:50 (GMT+7)

Chuyện tình 30 năm của cặp vợ chồng già nhặt rác dưới gầm cầu

MTĐT -  Chủ nhật, 18/02/2018 20:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vì lòng yêu thương mà người ta có thể bất chấp nhiều điều để sống bên nhau. Đó là ông Tống Văn Dinh, 80 tuổi và bà Trần Thị Hiền, 71 tuổi sống dưới chân trụ cầu đường sắt Cát Linh –Hà Đông.

Những ngày Hà Nội vào đông, mưa phùn lạnh buốt, người người trong chăn ấm, tránh gió lạnh, thế nhưng, bao người vô gia cư vẫn phải chống chịu với cái rét cắt da, cắt thịt. Nhiều người sống lang thang một mình, có những người tìm được bạn tâm giao để giúp nhau sống tiếp những ngày đông giá rét.

Không lâu trước đây, câu chuyện về hai vợ chồng già sống tại bãi giữa sông Hồng khiến người ta tin vào giá trị của tình cảm, của lòng yêu thương, thì giờ đây, một câu chuyện lãng mạn khác minh chứng cho điều này. Vì lòng yêu thương mà người ta có thể bất chấp nhiều điều để sống bên nhau. Đó là ông Tống Văn Dinh, 80 tuổi và bà Trần Thị Hiền, 71 tuổi sống dưới chân trụ cầu đường sắt Cát Linh –Hà Đông.

Cơ duyên của hai người từng “lỡ 1 lần đò”

Dưới khoảnh đất nhỏ, chân trụ cầu đường sắt Cát Linh – Hà Đông, một cặp vợ chồng già nhặt rác coi đó là “mái nhà” che mưa, che nắng suốt bao năm trời. Mái nhà ấy không tường, mái che là tuyến đường sắt trên cao. Ở đó, có 2 phận người vô gia cư về sống với nhau, cùng nhau làm ăn, kiếm sống.

Bà Hiền từng làm cấp dưỡng tại Đại học Văn Hóa, năm 1975, bà nghỉ mất sức. Bà kể mình từng có một cuộc sống yên ổn với chồng và 2 con trên con phố Đê La Thành. Cuộc đời của bà bỗng chốc thay đổi sau khi nghỉ việc, cuộc sống trở nên cùng quẫn, khó khăn. Ngã rẽ cuộc đời của bà bắt đầu từ đó, bà bỏ ông, bỏ nhà ra đi và gửi 2 con về quê ngoại. Dứt áo ra đi, bà chỉ mang theo vài bộ quần áo ra đường kiếm sống.

Còn theo lời kể của ông Dinh, những ngày đầu ra Hà Nội, không việc làm, không người thân, ông đi lang thang, không biết nương tựa vào ai. Ông cũng từng có gia đình, có 3 người con nhưng hoàn cảnh không cho vợ chồng ông ở được với nhau bao lâu.

30 năm trước, run rủi thế nào, hai phận người gặp nhau trên con đường ở Hoàng Cầu, Đống Đa này.

Bà Hiền nhớ như in ngày đó: “Ngày thời tiết nắng cháy mùa hạ, tôi gánh ve chai đi trên đường. Còn ông Dinh đi về phía tôi, tiện trên tay cầm thanh sắt phế liệu, ông ấy cho tôi rồi cả 2 bắt chuyện từ đó”.

Đôi bạn già tìm đến nhau để làm bạn tâm giao, cùng nhau vượt qua những gian khó ở mảnh đất này. Có lẽ, thanh sắt ấy chính thứ gắn kết mối lương duyên này. Dù “ngược chiều, ngược nắng” nhưng họ đã gặp nhau, về sống với nhau bằng cái nghĩa, cái tình.

Người đàn ông 80 tuổi với hàm răng móm mém cười nói: “Bà Hiền bà ấy nhớ rõ lắm, nói đúng đấy! Hôm đấy thấy bà ấy đi ngược, mà trời nắng lắm trông cũng khổ nhưng có vẻ hiền lành. Chúng tôi bắt chuyện với nhau, đi ăn cùng nhau rồi một thời gian sau về “chung một nhà”.

Điều quý giá nhất còn lại là tình cảm!

Giữa những con người nghèo khó, giữa hai cuộc đời chật vật kiếm sống, họ vẫn tốt với nhau, dành cho nhau những cử chỉ quan tâm, cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc đời.

Trên nền đất nhỏ cạnh trụ cầu vượt, một đống ve chai, một tấm bạt trải ra, vài cái thùng gỗ vụn vặt. Những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, vỏ chai nhựa làm bát đũa, cái bếp nấu được kê tạm bằng vài ba viên gạch và một chiếc xe đạp khóa cẩn thận – thứ tài sản được ông bà tích cóp mãi mới mua được.

Những ngày thời tiết ấm áp, tạnh ráo thì còn đỡ. Những ngày mưa khoảnh đất gầm đường sắt bị ướt hết. Hai ông bà như ở ngoài sân. Bà bảo, “hôm nào mưa thì có cái bạt, hai ông bà chui vào. Mưa to quá thì ông bà cũng đành chịu”.

Buổi tối, có những đêm rất lạnh, ông bà dùng mấy que gỗ được cho đốt lửa sưởi. Người đàn ông 80 tuổi lọ mọ kê tấm gỗ nằm cạnh đống lửa để chợp mắt một lúc, thỉnh thoảng tỉnh dậy nhìn xem bà Hiền đang làm gì.

Nhiều khi, mấy bác xe ôm hay người đi bộ ghé qua sưởi cùng, ngồi trò chuyện. Họ chia sẻ những câu chuyện của đời mình cho nhau nghe, cảm thông những câu chuyện của cuộc đời người lao động vất vả. Một vài người mang cho ông bà đồ ăn thức uống, một vài người mang quần áo, chăn ấm đến cho.

Hà Nội đang trong những ngày mưa lạnh buốt, đường phố nhếch nhác, ẩm thấp. Vậy mà, hai con người ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, hàng đêm vẫn đốt lửa, cuốn chăn ngủ ngoài đường.

Nhìn cảnh ông bà đã cao tuổi, áo quần lấm lem, ngồi sưởi bên đường chia nhau từng miếng ăn khiến người ta thấy xót thương. Bà Hiền bảo: “Bao nhiêu năm sống lang thang cũng quen rồi, sống cùng nhau biết ngày nào hay ngày đấy, khổ mấy chúng tôi cũng chịu được”.

Ban ngày 2 ông bà đi kiếm ve chai, đêm đến lại về khu vực gần hồ Hoàng Cầu ngủ. Do sức khỏe không được tốt, ông Dinh chỉ đi nhặt rác gần trong khu vực, còn bà khỏe hơn, đi xa hơn một chút.

30 năm nay, ông bà dắt nhau từ chỗ này qua chỗ khác, từ vườn hoa, gầm cầu, bãi rác… nơi nào có thể ở được, ông bà đều đến. Cũng ngần ấy năm cứ thế trôi qua, thỉnh thoảng hai ông bà cũng có chuyện “cái bát va nhau”. Khi ấy, bà thường là xuống nước trước. Có lẽ, cũng chính bởi họ từng xảy ra những đổ vỡ chuyện tình cảm mà có thể cảm thông, trân trọng nhau và cùng nhau sống tiếp.

Cuộc sống khó khăn, nhưng may mắn hai ông bà cũng ít khi đau ốm. Hôm chúng tôi tới, bà bị đau đầu, đau lưng, ông đi mua thuốc rồi về dặn bà cẩn thận, uống sao cho đúng liều và đầy đủ. Nhìn dáng người lom khom, đứng như không vững của ông nhưng luôn quan tâm, lo lắng cho vợ mình. Có lẽ chỉ những cử chỉ quan tâm đó cũng khiến người phụ nữ ấy hạnh phúc, có thêm động lực sống tiếp những tháng ngày sau.

30 năm chung sống cùng nhau, bà bảo không có kỷ niệm gì đáng nhớ, còn cuộc sống cứ đều đều trôi qua. Điều hạnh phúc nhất của bà là việc sống cùng ông Dinh, mỗi ngày cùng thức dậy, cùng ăn và cùng nhau kiếm sống.

Không muốn làm gánh nặng cho con cái

Hàng chục năm nay, hai ông bà chưa từng về thăm quê, cũng một phần vì không có tiền, một phần khác cũng do con cháu khó khăn, đi làm xa xứ.

Bà Hiền bảo “Con của tôi thì làm tận biên giới, mấy đứa con của ông ấy ở quê cũng khó khăn, bây giờ hai người về thì làm gánh nặng cho chúng, cứ ở trên đây, còn sức kiếm đồng ra đồng vào, biết được ngày nào hay ngày nấy”.

Mỗi ngày đi nhặt lượm, hai ông bà cũng chỉ kiếm khoảng 50.000 đồng, đủ trang trải tiền ăn uống. Bây giờ tuổi cao, sức yếu nên 2 người không có nhiều nhu cầu ngoại trừ hy vọng có một ngôi nhà để ở. “Tôi cũng mong có một ngôi nhà che mưa che nắng, để đi kiếm sống, không phải lang thang nơi này nơi khác, chứ nhiều lần bị đuổi mà hai thân già đi cũng không được xa”.

Nhìn người đàn ông giờ đã ở cái tuổi bát tuần, hàm răng móm mém, tóc bạc trắng đầu hơ tay trước ngọn lửa vì trời lạnh, còn người phụ nữ vất vả, cặm cụi với đống ve chai không khỏi khiến người ta buồn lòng. Bởi ở cái tuổi này, con người ta đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, sống cuộc sống an nhàn. Còn 2 phận người dưới gầm tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn đang phải từng ngày mưu sinh, kiếm sống.

Mấy ngày nay, câu chuyện của ông bà được nhiều người biết đến và không ít người tìm đến để giúp đỡ. Nhiều gia đình cho cả con cái ra chơi cùng ông bà, chúng tò mò hỏi tại sao ông bà lại sống ngoài đường, đêm mưa thì như thế nào? Những câu thắc mắc của con trẻ khiến người lớn chua xót, nhìn cảnh già mà tội nghiệp. Thỉnh thoảng, bà ôm những đứa trẻ vào lòng, trò chuyện cùng chúng, khi ấy, nụ cười hiếm hoi xuất hiện trên khuôn mặt khắc khổ, lam lũ kia. Và cũng giống như bao con người khác, ở một góc nhỏ nào đó, ông bà Hiền vẫn có mong muốn được sum vầy cùng con cháu, cùng tận hưởng niềm vui của tuổi già.

Hai người họ, có thể là người kém may mắn trong cuộc sống nhưng có lẽ, họ gặp được nhau cũng là một điều tốt đẹp.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Chuyện tình 30 năm của cặp vợ chồng già nhặt rác dưới gầm cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...