Thứ bảy, 20/04/2024 06:30 (GMT+7)

Dân xả rác: Nếu tính lỗi của dân là 1 thì lỗi của chính quyền đến 10

MTĐT -  Thứ tư, 11/07/2018 16:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều đại biểu HĐND TP HCM cho rằng 20 năm nữa xả rác vẫn là xả rác nếu chính quyền không có cách quản lý hiệu quả, thay vì cứ đổ hết cho ý thức người dân.

Sáng 11-7, kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX tiếp tục diễn ra phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn TP.

Đề cập đến nỗi ám ảnh ngập nước của người dân TP, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng đúng là không ít người dân đã góp phần cho tình trạng ngập thêm nặng khi xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, làm cho nỗi cực nhọc của công nhân vệ sinh càng nhiều.

Luật có chỉ cần xử nghiêm và làm việc trách nhiệm là ổn

"Chung quy là vấn đề ý thức nhưng tại sao cái ý thức đơn giản đó lại không được thiết lập và trở thành văn hóa của người dân" – ĐB Trâm băn khoăn. Theo ĐB Trâm, nếu tính lỗi của dân là 1 thì lỗi của chính quyền đến 10. Bởi luật đã có nhưng tại sao chính quyền không áp dụng được, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm. Tôi có cảm tưởng chúng ta tổ chức theo phong trào, chưa quyết liệt, ra quân xử phạt sau đó đâu lại vào đó.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm trăn trở: ""Chung quy là vấn đề ý thức nhưng tại sao cái ý thức đơn giản đó lại không được thiết lập và trở thành văn hóa của người dân"


ĐB Trâm cũng đề cập đến vai trò của người cán bộ. Người cán bộ phải làm gương cho người dân noi theo. Nhắc lại câu chuyện cách đây 4 năm, lãnh đạo của 4 công ty dịch vụ công ích thu nhập "khủng", trong khi thu nhập của người công nhân vệ sinh lại quá thấp, ĐB Trâm nói như vậy thì sao xây dựng được ý thức của người dân. "Người dân đã đóng đầy đủ các loại phí nhưng chính quyền chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Chính quyền đã buông lỏng quản lý, nhiều dự án chống ngập được nghiệm thu nhưng chưa có phản biện khoa học" – ĐB Trâm nói. Từ đó, ĐB Trâm khẳng định vai trò quản lý nhà nước phải đóng vai trò quyết định, nghiêm túc nhìn vào trách nhiệm của mình để đưa ra những biện pháp hiệu quả hơn.

Đồng tình, ĐB Trần Thanh Trí nói công tác thu gom rác có những kết quả nhất định nhưng thật sự chưa được tốt lắm. Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng là câu chuyện đáng bàn. ĐB Trí kể, một số loại rác lớn như chăn, gối, ghế nệm… Xe rác không thu gom vì cho rằng đây là không phải là rác sinh hoạt. Muốn họ thu gom thì phải đóng thêm phí. Thế là tối đến, người dân kiếm chỗ nào vắng, len lén đem đến đó đổ. "Ở quận 12 thì chuyện này là chuyện bình thường. Công an khu vực, tổ dân phố đi có gặp cũng chẳng làm gì cả, nhìn rồi đi thôi chứ biết phạt như thế nào" – ĐB Trí ngán ngẫm.

ĐB Trần Thanh Trí đề nghị chính quyền phải mạnh mẽ hơn trong xử lý hành vi xả rác không đúng nơi quy định


Theo ĐB Trí, chuyện này nói mấy nhiệm kỳ rồi nhưng vẫn không có lối ra. Chắc đến nhiệm kỳ X, XI chúng ta cũng lại tiếp tục nói vấn đề này thôi. Chúng ta cứ nói… nhưng đến 20 năm nữa xả rác vẫn là xả rác nếu chính quyền không có cách quản lý hiệu quả hơn.

Ông Trí đề nghị: "Pháp luật phải được thực thi mạnh mẽ hơn, kỹ cương hơn. Cũng là đối tượng đó thử cho qua nước Singapore coi có dám quăng rác dù chỉ là tàn thuốc. Tôi thấy ở mình xả cả bao rác cũng chỉ phạt vài ba trăm ngàn rồi đâu lại vào đấy".

Đừng để "nghèo" về văn hóa

Liên quan đến câu chuyện Dinh Thượng Thư (hiện nay là trụ sở Sở Thông tin Truyền thông TP) sắp bị đập bỏ để phục vụ cho việc mở rộng trụ sở UBND TP, BĐ Nguyễn Thị Tố Trâm nhìn nhận vấn đề bảo vệ văn hóa thực chất là việc ban hành chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị.

"Nếu chúng ta thực hiện dự án phát triển mà phá hủy di sản văn hóa, lịch sử ngay trong vùng lõi TP thì đó là việc đánh đổi di tích lịch sử văn hóa cũng như ký ức cộng đồng để lấy sự hiện đại mà thiếu bản sắc và nhân văn" – ĐB Trâm nói. Theo ĐB Trâm, việc quyết định đập bỏ hay không mà chỉ dựa vào di tích lịch sử hoặc không phải di tích lịch sử thì hầu như mọi đặc sắc của TP sẽ bị phá hủy và thay thế. Nhiều di sản văn hóa bị xâm phạm thì chúng ta đang làm nghèo về văn hóa.

Trong khi đó, ĐB Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng để chuẩn bị tốt cho việc giám sát về bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP thì Sở Văn hóa Thể thao cần có bước chuẩn bị. Đầu tiên là rà soát tổng thể quá trình lập bản đồ bảo vệ di tích năm 1999 đến lập danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2016-2020. ĐB Thủy nói: "Việc làm này để tránh trường hợp như Dinh Thượng Thư vừa qua. Nếu chuẩn bị tốt thì việc giám sát sẽ tốt từ đó nắm được thực trạng và có giải pháp cụ thể cho việc quản lý bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc đô thị".

Tiếp lời ĐB Thủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết đây là vấn đề lãnh đạo và nhân dân TP rất quan tâm nên đề nghị Sở Văn hóa Thể thao phải chuẩn bị thật kỹ, nghiêm túc vấn đề này. HĐND TP cũng sẽ giám sát để lập danh sách bảo tồn, cần thiết HĐND TP sẽ phân bổ kinh phí trùng tu, sửa chữa.

Bạn đang đọc bài viết Dân xả rác: Nếu tính lỗi của dân là 1 thì lỗi của chính quyền đến 10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Lao động

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...