Thứ ba, 19/03/2024 13:23 (GMT+7)

Gặp mặt Tác giả và Nhân chứng lịch sử của: 'Nhật ký thời chiến VN'

Hồng Anh -  Thứ bảy, 04/07/2020 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Nhật ký thời chiến Việt Nam” của nhiều tác giả, do nhà văn cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên; gồm 4 tập, mỗi tập dầy hơn 1.000 trang, khổ 16x24 cm, in ấn trình bày đẹp, sang trọng.

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, lần đầu tiên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Quỹ Mãi mãi tuổi 20, NXB Hội Nhà văn, Quỹ hòa bình Mỹ Lai và CLB Trái tim người lính, tổ chức buổi ra mắt sách, giao lưu tác giả và nhân chứng lịch sử của bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" vào sáng 5.7 tại Đường sách TP.HCM.

Bộ sách là một công trình nhân văn, do Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và CLB “Trái tim người lính” tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành. “Nhật ký thời chiến Việt Nam” của nhiều tác giả, do nhà văn cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên; gồm 4 tập, mỗi tập dầy hơn 1.000 trang, khổ 16x24 cm, in ấn trình bày đẹp, sang trọng.

Bạn đọc cả trong và ngoài nước đã từng biết đến 2 cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng:“Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhưng chỉ 2 tác phẩm ấy thôi thì chưa đủ. Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm “Nhật ký thời chiến Việt Nam” hay nhất, nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách, với 30 tác phẩm của 30 tác giả. Không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi Hai mươi”“Nhật ký Đặng Thủy Trâm”; mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác, nhiều bạn chưa được đọc: “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ CAND Vũ trang Nguyễn Minh Sơn); đặc biệt, là những trang viết của các văn nghệ sĩ nổi tiếng:“Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong;“Nhật ký chiến trường" của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý;   “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký Vượt Trường Sơn” của TS. Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, TS. Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn. Bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến – Chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẫm nước mắt với cô Văn công xung kích xứ Hà Đông xưa; hoặc nhật ký “Tài hoa ra trận” đầy chất văn chương lãng mạn của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân – Chàng họa sĩ đẹp trai (bạn cùng lứa của 2 người nổi tiếng là họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Lê Trí Dũng)…

Trung tướng TSKHQS, AHLLVTND Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4) Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đánh giá:Đây là công trình, có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký Thời chiến Việt Nam" như một tượng đài Di sản phi vật thể, mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau".

Là Chủ biên của bộ sách, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng đã thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn và thực hiện có “Lời thưa” rất chi tiết, cụ thể dài tới gần 20 trang sách với bạn đọc: "Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy…                    

Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về.Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình..."

Đánh giá về bộ sách này, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á – Phi) khẳng định:Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính.Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ  và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước.

Bộ sách “Nhật ký chiến tranh Việt Nam” mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm lên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Bởi tôi nghĩ, trước sự sống còn của một cá nhân và sự sống còn của một dân tộc, nền văn hóa của dân tộc đó được chứng minh rõ ràng nhất và bền vững nhất”.

Phải mất thời gian 16 năm (2004 - 2020) nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này. Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" do Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" và CLB "Trái tim người lính" tổ chức thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa, nhưng không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý cho thế hệ sau.

Bạn đang đọc bài viết Gặp mặt Tác giả và Nhân chứng lịch sử của: 'Nhật ký thời chiến VN'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.

Tin mới