Thứ sáu, 29/03/2024 18:34 (GMT+7)

Hành vi kỳ thị người Vĩnh Phúc vì nhiễm Covid-19 phải bị lên án

Lam Vy -  Thứ năm, 13/02/2020 15:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thay vì đồng cảm, chia sẻ, chung tay cùng người dân Vĩnh Phúc đẩy lùi dịch bệnh thì đã không ít người lợi dụng những hình ảnh đó, phóng đại thành nỗi hoang mang lo lắng trong cộng đồng.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang được coi là tâm dịch của cả nước, bởi số người nhiễm virus Covid- 19 tại tỉnh này tính đến thời điểm này là 11 trường hợp. Trong thời điểm dịch bệnh đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, đặc biệt đã có trường hợp một bệnh nhân đã lây chéo sang những người  thân trong gia đình bao gồm bố mẹ và em gái.

Hiểu được tính chất nguy hiểm và có thể lây lan diện rộng trên địa bàn, ngay trong ngày 13/2, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tiến hành cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) - nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona nhất.

Theo đó, trên địa bàn xã Sơn Lôi thiết lập 8 chốt kiểm soát với nhiệm vụ cách ly hoàn toàn địa phương này. Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra đã họp thống nhất thành lập tổ công tác đặc biệt của Ban chỉ đạo Quốc gia, xuống cùng Ban chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các biện pháp cụ thể về công tác khoanh vùng, dập dịch và công tác thu dung, điều trị.

Đồng thời cũng sẽ có 2 tổ công tác đến trợ giúp: một đội hướng dẫn công tác dự phòng, khoanh vùng dập dịch đảm bảo yếu tố môi trường, đội thứ 2 giúp công tác điều trị.

Hình ảnh chốt gác ở Bình Xuyên - Vĩnh Phúc lại bị phóng đại thành nỗi hoang mang lo lắng.

Mới đây trên các trang báo, trên mạng xã hội ngập tràn những hình ảnh của các cán bộ ở trạm chốt gác, mặc dù nằm trong vùng dịch nhưng có thể thấy rằng, họ chưa có những bộ đồ phòng hộ, chưa chuyên nghiệp. Mọi thứ đều thô sơ, chỉ với chiếc khẩu trang y tế và trong tay chỉ vỏn vẹn một chiếc máy đo thân nhiệt. Vậy ai có thể đảm bảo sức khỏe cho những cán bộ này, biết là nguy hiểm nhưng vì nhiệm vụ và trách nhiệm và rõ ràng trong thời gian cấp bách này chỉ mong có thể khoanh vùng, kiểm soát và “giữ chân” dịch bệnh không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Thay vì đồng cảm, chia sẻ, chung tay cùng người dân Vĩnh Phúc đẩy lùi dịch bệnh thì đã không ít người lợi dụng những hình ảnh đó, phóng đại thành nỗi hoang mang lo lắng trong cộng đồng. Với những suy nghĩ thái quá, vội vàng tung cả trăm hướng suy diễn về dịch bệnh và thậm chí còn có thái độ kỳ thị đối với những người dân Vĩnh Phúc.Thật đáng buồn!

Ngay trong ngày 12/2, Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND Thành phố Hà đã nhấn mạnh công tác phòng dịch, cách ly phải được tiến hành gấp rút, hiệu quả nhưng không được tạo tâm lý, sự kỳ thị đối với người dân các tỉnh miền núi và Vĩnh Phúc. 

Vậy mà, cách Vĩnh Phúc chỉ vài chục km, một khách sạn tại đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã "nhanh nhảu" trưng ra tấm bảng không nhận khách Vĩnh Phúc. Khi tấm ảnh này xuất hiện trên các nhóm cộng đồng người Vĩnh Yên, người Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), cảm giác chung của dân cư Vĩnh Phúc là nỗi tổn thương vì bị chính người Việt kỳ thị.

Một khách sạn tại đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã "nhanh nhảu" trưng ra tấm bảng không nhận khách Vĩnh Phúc.

Không khí kỳ thị người Vĩnh Phúc còn lan khắp các trang bán hàng trực tuyến. Hàng loạt đơn hàng online bị hủy do shipper không chấp thuận đi giao hàng vào vùng dịch. Người thì thông cảm, cũng có kẻ nhảy vào lên giọng dạy đời hay chửi bới, bắt người Vĩnh Phúc không được di chuyển hay “ngọ nguậy” giao lưu, thông thương mà gieo rắc nỗi bất an cho cộng đồng.

Chia sẻ với PV Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về những hành động của một số cửa hàng và thái độ kỳ thị với những người đến từ Vĩnh Phúc, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Đây rõ ràng là sự kỳ thị và hành vi này không thể chấp nhận được. Thứ nhất, trong tình trạng dịch bệnh này, việc cách ly, tiếp xúc với ai như thế nào là do cơ quan có thẩm quyền quy định, chứ không phải người dân tự ý phân biệt, kỳ thị. Chính vì virus này bùng phát từ Vũ Hán, rất nhiều người gọi là virus Vũ Hán, tạo lên sự kỳ thị, và tình trạng này xuất hiện ở rất nhiều khu vực ở Trung Quốc, kỳ thị người Vũ Hán, dẫn đến việc tổ chức y tế thế giới WHO phải điều chỉnh và đặt cho một tên mới là Covid-19, thể hiện không mang tính chất kỳ thị, thể hiện trách nhiệm cộng đồng”.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư Hà Nội.

Từ xưa tới nay, Việt Nam luôn có tinh thần tương thân tương ái, cùng giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Trong thời chiến, chia nhau từng củ khoai, củ sắn, cùng khổ, cùng đói vậy mà vẫn bao bọc nhau. Vậy mà tại sao bây giờ lại kỳ thị, xa lánh nhau, phải chăng cuộc sống hiện đại đã đẩy khoảng cách giữa con  người với  con người xa nhau hơn?

Hơn lúc nào hết, khi một địa phương như Vĩnh Phúc có nguy cơ mắc bệnh cao như vậy, một số khu vực đang tính toán đến câu chuyện phải cách ly thì trách nhiệm của cộng đồng cần phải ủng hộ. Như Trung Quốc khi rơi vào tình trạng dịch bệnh, Việt Nam ta còn ủng hộ được, vậy tại sao khi 1 tỉnh của nước ta - đồng bảo của mình mà chúng ta lại có sự kỳ thị như vậy. Hành vi như vậy cần phải lên án. Các cơ sở này sẽ bị cơ quan chức năng xem xét, và có thể xử phạt liên quan đến hoạt động kinh doanh, hành vi kỳ thị đối với khách hàng", Luật sư Cường chia sẻ thêm.

Hãy bình tĩnh, cẩn trọng trước khi phán xét và có thái độ kỳ thị người khác và đặc biệt là người dân Vĩnh Phúc. Họ hoàn toàn không có tội, cứ thử nghĩ nếu như có ngày quê hương bạn đang sinh sống cũng có những người không may bị nhiễm virus và xã hội cũng sẽ kỳ thị, soi mói và tránh xa. Lúc đó có phải sẽ cô độc, tổn thương và đau khổ không?

Bạn đang đọc bài viết Hành vi kỳ thị người Vĩnh Phúc vì nhiễm Covid-19 phải bị lên án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới