Thứ bảy, 20/04/2024 04:22 (GMT+7)

Hồ ngầm chống ngập cho Hà Nội: Chỉ chống ngập cục bộ

MTĐT -  Thứ tư, 06/06/2018 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi quy hoạch căn cơ, đầu tư dài hạn khó làm, cần thời gian, vốn lớn thì hồ điều tiết ngầm là giải pháp trước mắt để chống ngập cục bộ.

Trước đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội muốn thử nghiệm hồ điều tiết ngầm thể tích 2.000m3 ở khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), PGS.TS Trần Đức Hạ (Bộ môn Cấp thoát nước, khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng) hoanh nghênh đề xuất này.

Ông cho biết, trên thế giới đã làm hồ điều tiết ngầm rất nhiều và bản thân các chuyên gia trong ngành cấp thoát nước cũng đã đề xuất nhiều lần. Cho đến nay, TP.HCM đã triển khai xây dựng hồ điều tiết ngầm theo công nghệ của Nhật.

Hà Nội làm hồ điều tiết ngầm để chống ngập cục bộ

"Đành rằng hiệu quả của hồ này không lớn vì không thể xây dựng được những hồ lớn, nhưng nếu làm nhiều hồ thì đây cũng là giải pháp góp phần chống ngập cho Hà Nội, đồng thời tái sử dụng được nước mưa. 

Việc lựa chọn được địa điểm để làm hồ là vấn đề lớn trong bối cảnh đất của Hà Nội hiện nay rất chật hẹp", PGS.TS Trần Đức Hạ lưu ý.

Theo ông Hạ, Hà Nội có thể vừa xây dựng hồ điều tiết ngầm mà phía trên vẫn làm các công trình nhẹ như bãi để xe máy, công viên, sân chơi trường học để tận dụng đất.

Trong khi đó, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc làm hồ điều tiết ngầm chỉ có giá trị chống úng ngập cục bộ, với lượng mưa nhỏ, ở khu vực nhỏ.

Theo TS Liêm, ngày xưa, cha ông xây dựng Hà Nội đã chọn nơi có cốt cao nhất ở khu vực (cốt trên 6), thế nhưng Hà Nội càng ngày càng mở rộng và đi xuống những vùng có cốt thấp hơn.

Cụ thể, khi mới chỉ ở cốt cao, việc thoát nước mưa dễ dàng vì ở trên cứ chảy xuống theo độ dốc tự nhiên. Nhưng dần dần, khi Hà Nội mở rộng ra, các khu vực xây sau nâng cốt xây dựng lên để tránh ngập, nhưng cũng chỉ là tránh cho các công trình đó mà thôi. Chính những công trình ấy lại chặn đường thoát nước mưa của trung tâm cũ.

Vì lẽ đó, càng xây dựng nhiều, tình trạng ngập nước cục bộ ở Hà Nội càng tăng thêm.

Bởi Hà Nội sẽ ngày càng mở rộng nên để giải quyết tình trạng này, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cần có quy hoạch căn cơ, đầu tư chương trình thoát nước dài hạn. 

"Ngặt một nỗi, đó là chương trình để làm dần dần, đòi hỏi vốn lớn, thực hiện khó. Vì thế, Hà Nội cần có giải pháp trước mắt để chống ngập cục bộ.

Điểm cần lưu ý là Hà Nội là khu vực bằng phẳng nên ngày xưa dù ở cốt cao nhưng không chênh lệch với xung quanh bao nhiêu, nếu có thoát nước, tốc độ chảy cũng rất chậm.

Do đó, ở Hà Nội, ngoài các hồ tự nhiên như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, còn có các hồ nửa tự nhiên nửa nhân tạo như hồ Ba Mẫu, Bảy Mẫu, hồ Giảng Võ... Những hồ ấy làm chức năng hồ điều hòa, khi mưa lớn, nước chảy không kịp thì nước mưa tạm thời dồn vào các hồ điều hòa này để trữ nước, sau đó mới theo tốc độ tự nhiên chảy dần thoát đi sau khi mưa tạnh.

Ở chợ Hàng Da không đào được hồ nào, có lẽ vì thế mà bên Thoát nước Hà Nội mới nghĩ ra cách làm hồ nhân tạo để trữ nước tạm thời. Điều này cũng có lý", TS Phạm Sỹ Liêm cho biết. 

Dẫn trường hợp TP Kualalumpur làm ví dụ, TS Liêm cho hay, thủ đô của Malaysia cũng rơi vào tình trạng ngập úng cục bộ nhiều dù không phải là vùng đồng bằng.

Để giải quyết tình trạng này, Kualalumpur làm một đường hầm hai tầng qua núi, tầng trên ô tô chạy, tầng dưới để thoát nước. Đến mùa mưa, nhu cầu thoát nước mạnh, họ biến hầm đó thành nơi dự trữ nước, điều hòa nước, thu gom nước lại. Bởi hầm đó dài mấy km nên chứa được rất nhiều nước, khi hết mưa họ bơm cho nước thoát dần ra.

"Ở đây nguyên lý cũng thế, biến khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da thành khu vực trữ nước để điều hòa lượng nước lúc mưa to. Có 2 cách làm: theo chiều ngang hoặc làm theo chiều sâu, nhưng làm theo chiều sâu thì máy bơm phải hút mạnh.

Dĩ nhiên, như đã nói, biện pháp này chỉ có giá trị chống úng ngập cục bộ, lượng nước nhỏ, ở khu vực nhỏ, còn lâu dài vẫn phải cải tạo hệ thống thoát nước của Hà Nội", ông Liêm nói.

Ngày 6/5, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng, cho biết, việc xây dựng hồ điều hòa điều tiết chứa nước thải chống úng ngập là tất yếu.

“Tại các điểm úng ngập cố hữu chúng tôi nghiên cứu giải quyết bằng đào hồ ngầm nhân tạo khi mưa đưa nước vào các bể chứa nhân tạo điều tiết thải nước bằng bơm tự động, sau đó lượng này sẽ dùng tưới cây hoặc cứu hỏa.

Việc đặt hầm nhân tạo khẳng định rất khả thi, sử dụng công nghệ hiện đại chắc chắn sẽ hiệu quả mà không có biện pháp nào khác giải quyết được vì quanh các điểm này vướng nhiều công trình.

Chúng tôi hiện đang đề xuất thành phố, với việc khí hậu, thời tiết có xu hướng cực đoan mưa lớn trong thời gian ngắn việc xây dựng hồ điều hòa là tất yếu”, ông Hùng nói.

Theo Đất Việt

Bạn đang đọc bài viết Hồ ngầm chống ngập cho Hà Nội: Chỉ chống ngập cục bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...