Thứ sáu, 29/03/2024 12:08 (GMT+7)

Kiên Giang: Phú Quốc cần lập bản đồ ngập

Trương Anh Sáng -  Thứ sáu, 23/08/2019 10:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đợt ngập lụt lịch sử vừa qua tại Phú Quốc gây thiệt hại hơn 107 tỷ đồng chính là lời cảnh tỉnh đối với người dân và cơ quan chức năng địa phương trong việc chủ động phòng chống ngập lụt.

Phú Quốc cần lập bản đồ ngập để chủ động chống ngập lụt.

Ông Phan Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc cho biết, diện tích rừng chiếm hơn 2/3 diện tích tự nhiên của toàn huyện đảo Phú Quốc. Diện tích thực hiện các dự án thuộc chức năng quản lý của Ban Quản lý khu kinh tế khoảng 14.000 ha trong tổng số 58.900 ha. Các cơ quan chức năng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 304 dự án với diện tích trên 10.300 ha; có 14 dự án với diện tích 1.202 ha đã hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 13.300 tỷ đồng; có 41 dự án đang trong giai đoạn triển khai xây dựng, trong đó có 10 dự án sắp hoàn thành với diện tích 3.580 ha, tổng vốn đầu tư 126.380 tỷ đồng. Ở khu vực Bãi Trường đã được Trung ương chấp thuận đầu tư 69 dự án, trong đó có 35 dự án đang hoàn thành để đi vào hoạt động.

Do đó, vấn đề ngập lụt vừa qua ở Phú Quốc là do một số dự án chưa hoàn thành toàn bộ theo đúng kế hoạch phê duyệt. Nếu các dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch thì thoát nước được thuận lợi khi mưa lớn, đồng thời, nước thải sẽ theo hệ thống cống đưa về xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh nhận định, để chủ động phòng chống ngập lụt ở huyện đảo, trước mắt các cơ quan chức năng của huyện cần nắm chắc các nguồn suối, kênh rạch tự nhiên. Dưới góc độ chuyên môn, Sở sẽ hỗ trợ, tham mưu, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện nhằm xử lý tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn; đồng thời sẽ phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, đặc biệt là với các nhà đầu tư thuộc khu vực Bãi Trường, yêu cầu họ phải có kế hoạch thực hiện việc đấu nối hệ thống thoát nước cơ sở hạ tầng, bởi trong quá trình xây dựng, nhiều nhà đầu tư lựa chọn xây dựng công trình trước, cơ sở hạ tầng xây dựng sau, cho nên việc đấu nối cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước chậm được triển khai đã dẫn đến ngập lụt cục bộ ở Phú Quốc trong thời gian qua.

Sở Xây dựng cũng đề xuất với UBND huyện Phú Quốc trong thời gian tới cần phải lập bản đồ ngập trên địa bàn huyện, việc này là hết sức quan trọng, bởi khi mưa to, lượng nước lớn sẽ biết mức độ ngập của từng khu vực để có kịch bản đánh giá, từ đó đưa ra đề xuất, biện pháp chủ động ứng phó. Đồng thời, cần lập bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 phủ kín các khu vực trên địa bàn huyện, đặc biệt là ở các đô thị như Dương Đông, An Thới, Cửa Cạn…; làm các kênh hở bằng bê tông vừa tạo cảnh quan vừa tạo dòng chảy thoát nước có thể chống ngập lụt hiệu quả mà giảm được chi phí đầu tư xây dựng. Nếu không lập bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 thì sẽ không xác định rõ được hệ thống hạ tầng thoát nước đường cống, đường ống, mương, kênh… Bản đồ này sẽ giúp các đô thị chủ động hơn trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, mưa lũ.

Như vậy, việc lập bản đồ ngập, tăng cường quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng Phú Quốc là công việc hết sức cấp thiết nhằm đáp ứng với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay. Đảo ngọc là cấp hành chính tương đương một huyện. Mô hình chính quyền nông thôn (huyện) hiện nay không còn khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới; có nhiều khó khăn, bất cập trong việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái... Vì thế, UBND tỉnh Kiên Giang xin ý kiến Bộ Chính trị về việc thành lập thành phố Phú Quốc để thiết lập mô hình quản lý theo chính quyền đô thị cho phù hợp. Mặt khác, việc thành lập thành phố sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế… 

Được biết, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ hướng dẫn tỉnh xây dựng báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trong quý III năm 2019. Nếu đề xuất này được chấp thuận thì Phú Quốc sẽ là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. 

Bạn đang đọc bài viết Kiên Giang: Phú Quốc cần lập bản đồ ngập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới