Thứ tư, 24/04/2024 01:08 (GMT+7)

Kon Tum thay đổi nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

MTĐT -  Thứ hai, 31/08/2020 16:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai nhiều năm qua tại Kon Tum đã trở thành chính sách thiết thực đối với người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Tỉnh Kon Tum sở hữu một diện tích rừng lớn so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây là nơi nuôi dưỡng nguồn nước cho các dòng sông, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sống cho người dân trong vùng và tạo nên nhiều vùng sinh thái cảnh quan đa dạng, phong phú. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được xem là quyết sách giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng tại địa phương.

Chính sách chi trả DVMTR được Chính phủ quy định trong Nghị định 99/2010/NĐ-CP. Theo đó, Nhà nước giao rừng giao đất cho người dân địa phương trực tiếp quản lý. Qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh sẽ chi trả phí cho người trồng rừng đồng thời thu phí từ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ, hưởng lợi từ rừng để phục vụ chi trả.

Nhờ chính sách chi trả DVMTR, rừng đã có chủ thật sự, đẩy mạnh công tác xã hội hoá nghề rừng, huy động các nguồn lực là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn làng tham gia bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát huy tối đa lợi thế của rừng.

Trước đây, do tư duy, nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên đã có hơn 16 ha rừng tại tỉnh Kon Tum bị người dân khai thác, lấn chiếm làm nương rẫy. Bằng việc giao đất giao rừng, người dân đã quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra trên diện tích rừng và đất rừng được giao; phát hiện, ngăn chặn và phản ánh kịp thời các tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng.

Chính sách này trước hết mang lại lợi ích cho tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên rừng. Bà Y Phin, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã làm giảm đáng kể tình trạng phá rừng trái phép, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên diện tích rừng và đất rừng đã giao cho cộng đồng bảo vệ được hạn chế. Hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng của người dân trên diện tích rừng được giao ngày càng tốt hơn, tài nguyên rừng đã được bảo vệ, phát triển tốt.

Đặc biệt hơn, chính sách này giúp nâng cao đời sống của người dân. Chính sách chi trả DVMTR sử dụng tiềm năng lao động ở địa phương để bảo vệ rừng, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Các hộ gia đình và cộng đồng đã được hưởng lợi từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR. Bình quân mỗi hộ được Nhà nước giao đất, giao rừng được nhận hơn 8,2 triệu đồng/năm; mỗi hộ nhận khoán thu nhập hơn 11,2 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập ổn định, đã thay đổi rất nhiều cuộc sống của bà con so với trước đây. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương của tỉnh Kon Tum.

Người dân xã Đăk Tơ Lung tham gia tìm hiểu về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (Ảnh: Báo TN&MT)

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, năm 2019, Quỹ đã chi trả hơn 255 tỷ đồng tiền DVMTR cho các chủ rừng là tổ chức; UBND các xã; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao đất, giao rừng. Trong đó, hơn 32,1 tỷ đồng chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao đất, giao rừng, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Ngoài số tiền các hộ dân trực tiếp nhận, chính sách chi trả DVMTR còn giúp các cộng đồng dân cư tại tỉnh Kon Tum có nguồn tiền dự trữ để làm quỹ sinh hoạt chung của làng. Từ nguồn tiền này, bà con sử dụng để cho vay nhằm phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tăng tình đoàn kết thôn làng. Có làng còn xây dựng được sân chơi tập thể, đường liên thôn, khiến bộ mặt thôn làng đẹp hơn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phấn đấu để về đích nông thôn mới của toàn xã.

Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR được triển khai đã mang lại những kết quả tích cực, tạo nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, như: tình trạng chây ì, trì hoãn không kê khai, chậm nộp tiền của một số đơn vị sử dụng dịch vụ, chủ yếu là các nhà máy thủy điện nhỏ; việc quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR trong những năm đầu còn lúng túng; chủ rừng chưa kịp thời chi trả tiền DVMTR cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nhận khoán quản lý bảo vệ rừng…

Để triển khai tốt chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả chính sách trên địa bàn tỉnh bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, cộng động dân cư thôn về tầm quan trọng của tài nguyên rừng và chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời, các đơn vị sử dụng DVMTR cần chấp hành, thực hiện đầy đủ trong việc thực thi chính sách chi trả DVMTR; Tăng cường công tác giao đất, rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, giảm dần diện tích do UBND xã, thị trấn trực tiếp quản lý; Lồng ghép thực hiện chính sách DVMTR gắn với kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng; Khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia bảo vệ rừng; Tăng cường giám sát việc chi trả tiền DVMTR cho người dân./.

PV(T/H)

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum thay đổi nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới