Thứ sáu, 29/03/2024 22:23 (GMT+7)

Lao động oằn mình trong nắng nóng vì kế sinh nhai

MTĐT -  Thứ hai, 22/06/2020 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày nắng gắt, mặc cho nhiệt độ mặt đường lúc nào cũng cao hơn 40 độ C, nhiều người lao động vẫn chấp nhận mưu sinh ngoài đường vì bát cơm, manh áo.

Nắng nóng lại là “cơ hội” kiếm cơm của chị Lan. Ảnh: Hoài Trang.

“Ngâm mình” trong nắng gắt

Hà Nội những ngày này đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng khiến ai cũng mệt và oải, chẳng muốn ra đường đi chơi nữa chứ đừng nói là đi làm. Ai cũng muốn được làm công việc nhàn hạ, công tác ở những nơi mát mẻ có điều hoà, nhưng không phải người nào cũng được may mắn như vậy.

Giữa trưa nắng gắt ngày 20/6, phóng viên Báo NNVN quyết định ra đường viết về những người lao động vất vả mưu sinh dưới trời nắng gắt. Có thể thấy không ít những người lao công hay bán hàng rong lề đường vẫn đang miệt mài đẩy xe hàng của mình kiếm từng nghìn một.

Người phụ nữ đạp xe bán hoa rong ruổi khắp mặt phố Hà Nội lúc 1 giờ chiều. Ảnh: Hoài Trang.

Đối với chị Đỗ Bích Lan (30 tuổi, quê Hải Dương) thì đây là thời điểm tốt để chị kiếm cơm. Theo chị, do nhu cầu giải khát của người dân tăng cao, nên cứ giữa trưa nắng gắt chị lại bán được rất nhiều nước dừa.

Trong khi đó, bác Nguyễn Mai Nhung (50 tuổi,Hà Nội) hiện đang làm lao công cho một công viên tại Hà Nội chia sẻ: “Ngày thường thì không sao, nhưng hôm nay nắng gắt quá, làm vừa mệt mà vừa đuối sức. Nhưng biết sao bây giờ, không làm thì không có cơm nuôi cả nhà nên lại phải cố một chút rồi về nghỉ sau”.

Bác Nhung đổ mồ hôi dưới nắng gắt để tưới mát cho cây. Ảnh: Phương Chi.

Dù sao, được làm việc ở những nơi có “mái che đầu” đã là may mắn lắm so với những người vẫn đang “oằn mình” trên mặt đường như đổ lửa.

Giấc ngủ trưa vội vã vừa để tránh cái nắng gay gắt, vừa dưỡng sức cho chặng đường dài mưu sinh vất vả phía trước. Ảnh: Hoài Trang.

Người phụ nữ tranh thủ chợp mắt bên gánh hoa. Ảnh: Phương Chi.

Sợ thiếu cái ăn hơn sợ nắng nóng như đổ lửa

Thời điểm vừa qua, dịch Covid-19 đã lấy đi “miếng ăn” của rất nhiều người lao động. Nên từ khi hết giãn cách xã hội, họ phải gồng mình, cố gắng kiếm lại từng đồng nhỏ nuôi gia đình cũng như bản thân. Tuy nhiên, thời tiết càng ngày càng nắng nóng gay gắt, người lao động đã khổ nay còn khổ hơn.

Bác Lê Thị Bùi (53 tuổi, quê Bình Định), lưng áo đẫm mồ hôi như tắm, vẫn cùng xe hàng đi lang thang khắp con phố Hà Nội kiếm ăn. Bác Bùi rất sợ đi bán hàng rong mỗi khi trời nắng nóng, do sẽ mất sức rất nhanh. Tuy nhiên, dù trời có nóng như đổ lửa cũng không đáng sợ bằng gánh nặng áo cơm phải chạy ăn từng bữa.

"Từ lúc dịch, công việc bị tạm dừng, tôi không đi bán được nên thiếu cái ăn và phải đi xin gạo từ thiện. Chờ đợi mãi mới đến lúc được đi bán hàng trở lại, vừa mừng vừa lo.

Mừng vì nay không còn phải chạy vạy lo nghĩ mai vay tiền ở đâu để ăn qua bữa, lo vì sợ trời nắng gắt sức khoẻ không cầm cự nổi.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cái đói đè nặng lên vai nên dù thời tiết nắng nóng đến mấy tôi cũng không sợ bằng việc nằm nhà như mấy tháng qua. Giờ được đi bán lại là vui rồi, cố gắng bán được thật nhiều thì nắng nóng mấy cũng cam chịu", bác Bùi tâm sự.

Vật lộn giữa nắng nóng nhưng Bác Bùi vẫn vui vì có tiền trang trải cho cuộc sống. Ảnh: Phương Chi.

Không chỉ người lớn tuổi phải mưu sinh, nhiều thanh niên đang là sinh viên tại các trường Đại học cũng phải vừa học vừa làm để đóng tiền học và tiền nhà vì bố mẹ dưới quê không thể lo đầy đủ.

Phạm Gia Huy (21 tuổi, quê Hưng Yên), hiện đang là sinh viên của trường Đại học Hà Nội, mới học năm 3 nhưng đã có thâm niên “lăn lộn” cùng nghề tài xế công nghệ 2 năm rưỡi. Dù nắng hay mưa, Huy vẫn nhận chở khách chỉ để kiếm đủ hai bữa ăn một ngày.

Huy đang chờ khách trong con hẻm nhỏ lúc 12 giờ trưa. Ảnh: Phương Chi.

Huy chia sẻ: “Sáng em đi học đến trưa là về thay đồng phục rồi nhận chở khách đến tối muộn, ngày nào cũng vậy. Dạo này nắng gắt em cũng không thể vì vậy mà bỏ làm, vì không đi làm là không có cơm ăn. Làm nghề này thì phải chấp nhận bươn chải dưới nắng mưa thôi. Nắng nóng đến cháy da cháy thịt thì cũng phải chịu”.

Có thể nói, những công việc mà tất cả những người lao động đang phải làm ngoài đường thực sự không bao giờ là dễ dàng. Có thể đối với người khác, 10-20 nghìn là nhỏ, nhưng với họ, từng đó đã đủ cho một bữa ăn. Tuy lời lãi không cao nhưng công sức họ bỏ ra còn hơn cả số tiền kiếm được. Những đồng tiền ấy là sự đánh đổi bằng mồ hôi, sức khoẻ, thậm chí cả máu.

Mài mặt trên đường dưới cái nắng thiêu đốt để bán từng củ hành. Ảnh: Phương Chi.

Giữa trưa nắng nóng thế này, thanh niên còn may ra chịu được chứ với những người lớn tuổi thì khó khăn họ phải chịu đựng có khi gấp cả chục lần.

Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Nắng nóng gay gắt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm sức khỏe

Theo bác sĩ Lưu Xuân Kỳ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), vào mùa nắng nóng, người lao động có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như: Say nắng, say nóng, ung thư da…

Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể.

Mức độ nhẹ: mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.

Mức độ nặng: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt,…) và có thể tử vong.

Cũng theo bác sĩ, để tránh những trường hợp trên xảy ra, những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày, chẳng hạn sáng sớm hay chiều muộn.

Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm thì không nên làm quá lâu, sau khoảng 45 phút đến 1 giờ cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.

Nắng gần 40 độ, anh công nhân vẫn phải cố thực hiện nốt công việc của mình. Ảnh: Hoài Trang.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên: Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi.


Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Đặc biệt, không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.

Nếu có những biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi quá nhiều,… phải lập tức ngừng làm việc, tìm ngay nơi mát mẻ, thoáng gió, uống nước mát và nghỉ ngơi. Các trường hợp nặng phải lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất.  

Theo Phương Chi - Hoài Trang/Báo Nông nghiệp

Bạn đang đọc bài viết Lao động oằn mình trong nắng nóng vì kế sinh nhai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới