Thứ tư, 24/04/2024 03:57 (GMT+7)

Lạp xưởng gác bếp - Món ăn đặc sản Tây Bắc ngày Tết

TRANG TRIỆU -  Thứ năm, 10/01/2019 08:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lạp xưởng gác bếp là một trong những món ngon nổi tiếng của Tây Bắc, nó có thể chinh phục được cả những thực khách khó tính và sành ăn nhất, đã ăn một lần là nhớ mãi.

Theo tục lệ cứ gần đến ngày 30 Tết là người dân ở các bản làng vùng cao Tây Bắc lại nô nức mổ lợn để làm các món ăn phục vụ những ngày Tết như làm nhân bánh chưng, làm món thịt kho, nướng, quay, luộc và không thể thiếu trong ẩm thực ngày Tết đó là món lạp xưởng.

Lạp xưởng gác bếp là món ăn không thể thiếu trong ẩm thực ngày Tết ở vùng cao Tây Bắc.

Cách làm lạp xưởng không có gì phức tạp nhưng cái khó là ở chỗ làm sao cho đúng chuẩn hương vị của vùng núi, thứ hương vị mà chỉ có hạt mắc khén, lợn bản thả đồi và các gia vị bí truyền của người dân tộc mới có thể tạo ra được.

Lợn bản thả đồi là một trong những bí quyết để tạo nên món lạp xưởng gác bếp riêng của vùng Tây Bắc.

Để làm món lạp xưởng, đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc sẽ mổ lợn, lấy lòng và phần thịt ngon nhất. Lòng để làm lạp xưởng là lòng non, được rửa thật sạch bằng rượu trắng.

Loại thịt được chọn phải là loại nửa nạc nửa mỡ để khiến cho lạp xưởng không quá khô hay quá béo. Thịt được lọc bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt. Và không thể thiếu một ít rượu trắng, một ít nước gừng và một ít hạt mắc khén khô xay nhỏ ướp cùng.

Hạt mắc khén, thứ gia vị không thể thiếu trong món lạp xưởng gác bếp.

Theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây thì ướp thịt với rượu trắng và nước gừng như vậy khiến cho lạp xưởng sẽ có mùi thơm rất đặc trưng, để được lâu mà không bị hỏng.

Công đoạn phức tạp nhất là nhồi lạp xưởng. Với một chiếc phễu và một chiếc đũa, từ từ dồn thịt vào cho đầy phần lòng non đã chuẩn bị. Để dễ làm, cứ nhồi được chừng hai ba mươi phân thì buộc lại thành khúc. Thỉnh thoảng lại lấy kim châm vài chỗ cho khí thoát ra để lạp xưởng khỏi nứt.

Khi nhồi xong người ta đem lạp xưởng đi phơi nắng cho khô dần hoặc đem hong trên bếp làm cho thịt săn hơn và ngon hơn. Lạp xưởng sau chế biến có thể để được quanh năm mà chất lượng không bị ảnh hưởng.

Đem lạp xưởng phơi nắng khoảng 3 ngày.

Sau đó đem hong trên bếp làm cho thịt săn hơn và ngon hơn.

Hương vị lạp xưởng Tây Bắc có những điểm khác biệt không nơi nào có được. Đó là lạp xưởng tươi, khi ăn có mùi thơm của thịt, có độ dai của lòng, vị chua chua, thơm ngậy của thịt hun khói và hạt mắc khén, thêm một chút vị thơm của củ gừng núi, dai dai của vỏ lòng non bào mỏng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau khiến ai một lần thưởng thức chẳng bao giờ quên được cái hương cái vị đó.

Đĩa lạp xưởng thơm phức, hấp dẫn chỉ cần nhìn thôi là thèm bởi vậy vào những ngày Tết ở vùng cao Tây Bắc dù có nhiều món đặc sản hấp dẫn ngon nhưng vẫn không thể thiếu đĩa lạp xưởng. Nếu có cơ hội đặt chân đến vùng Tây Bắc thì bạn đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này.

Bạn đang đọc bài viết Lạp xưởng gác bếp - Món ăn đặc sản Tây Bắc ngày Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới