Thứ năm, 18/04/2024 14:45 (GMT+7)

Mất việc làm, giảm thu nhập - nỗi lo mùa dịch

MTĐT -  Thứ sáu, 09/07/2021 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện cả nước có gần 10 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực như mất việc làm, giảm thu nhập bởi dịch bệnh

Ảnh | NGUYỄN VIỆT THANH

Tác động tiêu cực do Covid-19 vẫn tiếp diễn

Theo Tổng cục Thống kê, trước đợt dịch bùng phát lần thứ tư, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý I năm 2021, “cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19”, trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm hai phần ba. Con số này cho đến nay, khi dịch bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 chắc chắn còn gia tăng mạnh trước những diễn biến mới phức tạp với số ca nhiễm bệnh tăng cao và dịch rộng khắp tại nhiều địa phương trong cả nước.

Ảnh trong trang: Các ngành dệt may, da giày... đều chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.

Nằm trong ổ dịch ở Bắc Ninh, anh Nguyễn Mạnh Hào, là công nhân làm việc trong khu công nghiệp Thuận Thành đã được nghỉ việc từ cuối tháng 4 vừa qua không khỏi lo lắng cho tình hình gia đình, người thân là F2 bị cách ly, bản thân thì mất việc làm. Nỗi lo chồng chất về sự an toàn, rồi kiếm kế sinh nhai khiến anh không khỏi hoang mang. “Tôi rất lo lắng về sức khỏe và kinh tế gia đình tới đây”, anh chia sẻ qua điện thoại. Đây cũng là hoàn cảnh chung của hàng nghìn công nhân làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, nơi đang là những ổ dịch lớn trong đợt dịch bùng phát lần này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 trước cuộc bùng phát dịch lần này, có 540 nghìn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt bỏ giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn. Còn trong một khảo sát độc lập của Viện nghiên cứu phát triển Mekong MDRI, với hơn một nghìn mẫu khảo sát, tình trạng mất việc có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành và nghề nghiệp khác nhau.

Theo đó, những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất với 33% bị mất việc, đặc biệt ngành vận tải và du lịch; trong khi những người làm việc trong khu vực công ít bị ảnh hưởng. Chị Minh Nguyệt, một tiếp viên hàng không hãng VietnamAirlines nghỉ việc không lương mấy tháng nay đã phải xoay qua công việc bán hàng trên mạng để có thêm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Đây cũng là tình hình khá phổ biến trong ngành hàng không khi không ít lao động đã bị cho nghỉ việc tạm thời hoặc chủ động xin nghỉ do thu nhập bị cắt giảm mạnh.Anh Tuấn Linh, lái xe Grab ở Hội An chia sẻ, từ khi dịch xảy ra, khách đến Hội An vắng quá nên không có việc làm. Cũng theo khảo sát của MDRI, “nhóm thu nhập thấp có nhiều khả năng bị mất việc hơn những người thuộc nhóm thu nhập cao”.

Những người cận nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất khi 31% số người được hỏi trong nhóm này bị mất việc làm. Đây là nhóm bao gồm tỷ lệ lớn lao động phổ thông, lao động không lành nghề là một trong những đối tượng được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Họ là những nhóm lao động “bị loại” sớm nhất trong môi trường lao động khi bản thân các doanh nghiệp phải tính toán đến lợi ích và sự tồn tại của chính họ. Anh Đinh Trọng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Phát chuyên về nhôm kính cho biết, trong năm vừa qua, công ty anh cũng phải cắt giảm hàng trăm lao động, chủ yếu là công nhân, thợ làm việc theo dự án. “Chúng tôi phải cố gắng lắm mới giữ lại những lao động chính có trình độ, cầm cự qua mùa dịch” - anh tâm sự.

Đây cũng là một khía cạnh khá “đau đầu” trong bài toán nhân sự của các doanh nghiệp sử dụng lao động. Chị Trịnh Hoàng Linh, Giám đốc văn phòng đại diện một ngân hàng Mỹ tại Việt Nam cho biết, gần một năm nay toàn bộ nhân viên văn phòng chị phải làm việc tại nhà theo yêu cầu của ngân hàng mẹ. Việc duy trì đội ngũ nhân viên có nghiệp vụ đối với chị khá khó khăn do những xáo động làm việc ở nhà, chưa kể những thông tin đóng cửa, sáp nhập các thị trường trong khu vực tác động không ít đến tâm lý của người lao động. Chị cho rằng đối với các tổ chức sẽ là một mất mát lớn nếu không giữ chân được những lao động có trình độ.

Theo chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng, người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, hoặc phải xoay xở sang công việc tạm thời, làm việc bán thời gian, duy trì vị trí tạm thời khi không có việc... tựu chung kết quả là thu nhập của họ bị sụt giảm, đời sống bị xáo trộn, ảnh hưởng, nghiêm trọng hơn nữa là nhiều người rơi vào trầm cảm, sang chấn tâm lý mặc dù hiện chưa có nghiên cứu rõ về vấn đề này. Theo các báo cáo của các tổ chức nghiên cứu, con số khá trùng nhau là mức giảm thu nhập do Covid-19 là khoảng 65% người được hỏi, với mức giảm thu nhập trung bình là 31%.

Một cuộc khảo sát mới đây do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện cũng cho thấy 70% hộ gia đình đã trải qua một đợt giảm thu nhập kể từ tháng 2, chủ yếu do mất việc làm. Cũng theo Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ UN Women, mức giảm thu nhập của hộ gia đình do Covid-19 được ghi nhận mạnh nhất vào tháng 4 năm 2020.

Cụ thể, so với tháng 12-2019, thu nhập hộ gia đình giảm hơn 70% vào tháng 4-2020 và 49% vào tháng 5-2020. Các gia đình cho biết họ đã phải cắt giảm chi tiêu những thứ không thiết thực, thay đổi thói quen sinh hoạt và tiêu dùng sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, căn cơ hơn. Tuy nhiên, đối với những người mất việc làm, hộ nghèo nếu không có sự trợ cấp họ sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn thật sự, chưa kể đã có những hộ phải bán cả tài sản của gia đình để trang trải qua đợt dịch.

Tổ chức lao động quốc tế ILO nhận định thị trường lao động việc làm đã bắt đầu xuất hiện sau những gián đoạn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020. Tuy nhiên, sự tác động tiêu cực của đại dịch vẫn còn đang tiếp diễn. Báo cáo tác động Covid-19 của tổ chức này đưa ra số liệu mới nhất cho thấy số giờ làm việc toàn cầu năm 2020 đã sụt giảm 8,8% so với quý IV năm 2019.

Mức độ sụt giảm này bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người vẫn có việc làm và những người bị mất việc. Đáng lưu ý, khoảng 71% số người mất việc, tương đương 81 triệu người quyết định rời bỏ thị trường lao động thay vì đi tìm kiếm công việc khác và trở thành người thất nghiệp. Những thiệt hại vô cùng lớn này khiến thu nhập từ lao động trên toàn cầu giảm 8,3%, tương đương 3,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ hay 4,4% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
(Nguồn: Tổ chức lao động quốc tế ILO tại Việt Nam)

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch Covid-19 có tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới ba năm và các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp ở một số ngành là đặc biệt lớn. Điều này xảy ra với doanh nghiệp tư nhân trong các ngành may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thủy sản (95%).

Về mặt địa lý, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, suy giảm nhiều hơn với doanh nghiệp tư nhân ở các khu vực duyên hải miền trung (91% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực) và các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại khu vực Tây Nguyên (94% ). Những tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực cao nhất là Đà Nẵng, Kon Tum và Khánh Hòa, đều trên 95 % Covid-19 tác động đến doanh nghiệp tại Việt Nam trên nhiều phương diện.

Phần lớn doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp cho biết còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện.

Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Một số đáng kể các doanh nghiệp cũng không thể ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch. Nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.

Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng lên là vấn đề đáng lưu ý

Bên cạnh những câu chuyện về mất việc làm và giảm thu nhập, một trong những vấn đề mà dịch Covid-19 tác động đến lao động, việc làm nổi lên đáng quan tâm đó còn là xu thế tăng về số lượng lao động của năm sau so cùng kỳ các năm trước đã không còn như thường lệ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2021 là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

So sánh với quý trước, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch do tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” của nhiều lao động sau khi nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước. “Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lực lượng lao động quý I năm 2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (2019) khoảng 600 nghìn người”. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là gần 1,1 triệu người.

Số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm các quý, giai đoạn 2019-2021(Nguồn: Viện Khoa học Lao động - xã hội - Bộ Lao động TB &XH)

Điều đáng nói là tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo trong quý I năm 2021 là 16,3%, tương đương với hai triệu thanh niên, tăng 0,9 điểm phần trăm tương đương với 51,6 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị, nông thôn, nam, nữ đều tăng so cùng kỳ năm trước. Như vậy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc tìm kiếm việc làm cũng như lao động học tập của thanh niên. Theo bà Trịnh Thị Nga, Viện phó Viện Khoa học Lao động - xã hội, những con số này cho thấy tiềm ẩn tình trạng bất ổn, chưa kể đến việc gia tăng tội phạm trong xã hội. Những con số là vô hồn nhưng đằng sau chúng là nghèo đói, bệnh tật, thất học, trầm cảm... những vấn đề xã hội khó lường.

Những khó khăn, biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch. Trước tình hình đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường.

Cụ thể như tích cực triển khai việc cấp hộ chiếu vắc-xin, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế giúp ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển. Các ngành này phát triển sẽ thu hút nhiều lao động tham gia, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng sẵn có của lao động.

Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch bùng phát lần thứ tư, một vấn đề thời sự đặt ra với lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cần được ưu tiên tiêm vắc-xin. Đây là những khu vực sử dụng số lượng lao động lớn, môi trường khép kín dễ bị lây nhiễm, do đó để bảo đảm cho việc chủ động phòng, chống dịch, cũng như giữ nguồn lao động ổn định cho các doanh nghiệp, việc ưu tiên tiêm vắc-xin cho nhóm đối tượng này là hết sức cần thiết.

Về lâu dài, hiện nước ta vẫn còn 3,5 triệu lao động sản xuất nông nghiệp với khoảng 93,5% lao động tự sản, tự tiêu không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và hơn một nửa trong số họ đang trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn nhân lực tiềm năng vô cùng phong phú có thể tận dụng để phát triển. Vì vậy, Nhà nước cần triển khai những chính sách dành riêng để đào tạo, thu hút đối tượng này tham gia thị trường lao động, một mặt góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung và mặt khác giúp cải thiện đời sống của người dân.

Khuyến nghị chính sách dựa trên kinh nghiệm của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF

Nhiều khách sạn ở Hà Nội vắng khách do đại dịch.

Ông Giovanni Ganelli đại diện nhóm IMF phụ trách Việt Nam cho biết những chính sách được Chính phủ Việt Nam thực hiện cho đến nay để ứng phó dịch Covid-19 là phù hợp và được thực thi kịp thời. Các biện pháp hiện tại đáng được hoan nghênh, nhưng nên được tăng cường để bảo đảm hỗ trợ được nhiều người lao động hơn, kể cả những lao động phi chính thức, những người không phải là lao động nghèo nhưng không tham gia các chương trình bảo hiểm hiện tại, có thể mất thu nhập, có nguy cơ trở thành nghèo và lượng tiền mặt được trợ cấp theo các chương trình hỗ trợ khác nhau đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong cuộc khủng hoảng (thực phẩm, chỗ ở, tiền điện nước và thuốc men).

Chính phủ cũng có thể cân nhắc sử dụng thặng dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chi trả cho phần tăng thêm hỗ trợ này. Cần có biện pháp tiếp theo để giúp người lao động và các hộ gia đình thoát khỏi cú sốc bất lợi về thu nhập nếu nhu cầu về lao động không tăng sau khi dịch bệnh kết thúc.

Về vấn đề này, các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu và có thời hạn cần nhắm tới sử dụng thặng dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tăng thêm quyền lợi bảo hiểm và nới lỏng các điều kiện được trả bảo hiểm; tăng cường các chương trình trợ cấp bằng tiền mặt hiện có; và hỗ trợ mới bằng tiền mặt cho người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Ngoài sự cần thiết hỗ trợ cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, những biện pháp này có thể có tác động lớn đối với tăng trưởng trong ngắn hạn.

Trong trường hợp của Việt Nam, Chính phủ có thể cân nhắc tạm thời tăng trợ cấp tiền mặt hằng tháng hoặc bằng hiện vật (thí dụ hỗ trợ gạo) đối với sáu nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được quy định trong Nghị định 136/CP-2013, cao so với mức đang đề xuất hiện nay để bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương nhất. Cũng có thể tăng mức trợ cấp tiền mặt các hộ nghèo và cận nghèo (ước tính khoảng 2,2 triệu hộ tại Việt Nam) so với mức đang cân nhắc là một triệu đồng mỗi người một tháng.

Một số quốc gia đã đưa ra các sáng kiến mới khi đối phó với dịch Covid-19 để hỗ trợ người lao động tự do (Ireland, Bồ Đào Nha, New Zealand), những lao động phi chính thức (Ấn Độ, Philippines) và các ngành liên quan đến du lịch (Malaysia). Như tại Thái Lan, ba triệu người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được hỗ trợ một khoản tiền mặt trị giá 5.000 baht (tương đương 153 USD) trong ba tháng. Việc chính phủ cân nhắc đưa ra khoản hỗ trợ mới bằng tiền mặt cho người lao động tự do tại Việt Nam là bước đi đúng hướng.

Cần cân nhắc kỹ sự đánh đổi và lợi thế của các chương trình trợ cấp cho tất cả mọi người so với tăng cường nhanh các chương trình an sinh xã hội và trợ cấp thất nghiệp hiện có. Mặc dù trợ cấp cho mọi đối tượng có thể hiệu quả trong việc hạn chế giảm thu nhập của phần lớn người dân nhưng biện pháp này đòi hòi chi phí tài khóa cao hơn rất nhiều so với hỗ trợ có mục tiêu.

Một cách để duy trì một số trợ cấp có mục tiêu là khoản trợ cấp sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế nhằm lấy lại khoản này từ người có thu nhập cao, giúp chính phủ trợ cấp nhiều hơn cho người có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, thực hiện được hay không tùy thuộc vào việc đăng ký thuế và khai thuế có đầy đủ, chính xác hay không. Cần tăng cường đào tạo nghề. Dạy nghề là một phần trong chương trình bảo hiểm thất nghiệp song tỷ lệ sử dụng quyền lợi này còn thấp. Tăng cường đào tạo nghề sẽ tạo điều kiện cho người lao động bị sa thải quay trở lại thị trường lao động khi dịch lắng xuống.

Theo THÙY VÂN, ANH ĐẠI, THU NGA/ nhandan.vn

Bạn đang đọc bài viết Mất việc làm, giảm thu nhập - nỗi lo mùa dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.