Thứ tư, 24/04/2024 11:17 (GMT+7)

Môi trường sông nước trong đời sống người Việt qua ca dao, tục ngữ

MTĐT -  Thứ năm, 08/10/2020 10:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người Việt Nam đã từng sinh ra và lớn lên, tụ cư ở một môi trường mà như nhiều nhà nghiên cứu đã từng chỉ ra môi trường nước chiếm chỗ đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Việt.

Theo quan niệm về văn hóa của người Việt thì“tính sông nước cần được xem là một đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Các di chỉ từ thời đại đá mới, các bản làng từ đầu thời đại kim khí về sau đều phần lớn phân bổ ở bờ nước: bờ sông, bờ đầm, hay bờ biển...”. Địa bàn sinh sống của người dân Việt cổ từ xa xưa vốn là lưu vực của các con sông lớn: sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã... cùng với hệ thống sông ngòi, đầm hồ dày đặc đã tác động không nhỏ đến lao động, sản xuất và cuộc sống hàng ngày của con người nơi đây. Chính vì vậy, những sáng tạo văn hóa của người Việt gắn với nước cũng rất phổ biến như: những làn điệu chèo, múa rối nước,…những câu ca dao tục ngữ nói về nước rất nhiều.

Theo quan niệm của triết học phương Đông thì “nước” là một trong những yếu tố cấu thành nên vạn vật. “Nước” được hiểu như một thực thể tự nhiên nuôi dưỡng sự sống. Thực tế đã chứng minh tầm quan trọng của “nước” đối với đời sống vạn vật. Với con người nói chung, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa của con người. Nước không chỉ khởi nguồn của cuộc sống, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn gắn liền với đời sống lao động sản xuất, lối sống, cách ứng xử, cảm quan triết lý, tâm linh, tín ngưỡng… đời sống văn hóa của mỗi dân tộc.

Vì vậy, nước được thể hiện qua các hình ảnh, biểu tượng trong văn học dân gian nói chung và trong ca dao, tục ngữ nói riêng khá đậm nét. Nghiên cứu môi trường nước qua kho tàng ca dao, tục ngữ còn cho ta thấy các giá trị tri thức dân gian tộc người chứa đựng trong đó. Những tri thức dân gian đó có thể giúp con người có được những ứng xử phù hợp 

với môi trường sống và biết tận dụng, kết hợp một cách linh hoạt giữa khoa học kỹ thuật hiện đại với các kinh nghiệm dân gian trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong sản xuất, chăn nuôi phục vụ cho sự phát triển bền vững của con người hiện nay có ý nghĩa thực tiễn.

Vì thế, chúng tôi chọn nội dung nghiên cứu này nhằm tìm hiểu xem môi trường sông nước có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.

(Ảnh: Đặng Hồng Long)

1.Tác động của môi trường tự nhiên và điều kiện địa lý

Trong muôn vàn những yếu tố địa lý tác động đến cuộc sống hàng ngày, môi trường sông  nước phải được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng, đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống văn hóa người Việt. Qua các tư liệu về địa lý và tư liệu khảo cổ học cho thấy địa bàn cư chú chủ yếu của tổ tiên chúng ta là một vùng đất mới được bồi đắp, nằm giữa một bên là núi cao, một bên là biển cả. Địa bàn đó là nơi giao tiếp giữa núi và biển, thông qua những hoạt động mưa, lũ của thiên nhiên. Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia có lượng mưa và độ ẩm cao vào loại nhất thế giới, có nhiều đảo và quần đảo, khắp miền chằng chịt những sông ngòi, lạch nước và đầm hồ. Ra xa hơn chút nữa về phía đông là biển nước mênh mông. Chính vì vậy, thiên nhiên nước ta mang đậm yếu tố sông nước và sông nước cũng chính là môi trường sinh sống của người Việt. Có thể thấy dọc theo dải đất hình chữ S nhỏ bé, cứ vài chục kilômét lại gặp một cửa sông. Với môi trường tự nhiên như thế, cư dân người Việt đồng bằng Bắc Bộ buộc phải có những ứng xử thích nghi và hài hòa với nó. Điều này được in dấu bằng các hình tượng về sông nước trong kho tàng ca dao tục ngữ - một di sản văn hóa của dân tộc, là những bài học tổng kết dân gian có tính khái quát cao được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Qua thống kê trong 4 tập ca dao, tục ngữ của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), chúng tôi đã thu nhận được 746 câu /đơn vị ca dao tục ngữ có liên quan đến môi trường sông nước (trong đó có 149 câu nói đến nước thật và 597 câu mượn hình tượng nước để ẩn dụ nói về các vấn đề khác trong đời sống xã hội).

2. Môi trường nước gắn với khái niệm quê hương đất nước

Từ xa xưa, mỗi người Việt Nam chúng ta đều gọi mảnh đất quê hương mình là Đất nước. Quả thật, “Đất và Nước là hai yếu tố cơ bản, từ khởi thủy, đã tác động đến sự hình thành và phát triển của cả tộc người Việt lẫn mỗi cá thể Việt”. Trong đó, môi trường sông nước là nhân tố quan trọng để định thành nên không gian sinh tồn của người Việt, dân tộc Việt từ xa xưa. Đó là không gian mà ở đó con người vừa là khách thể, vừa là chủ thể trong mối tương sinh, tương khắc với môi trường tự nhiên. Khái niệm về quê hương xứ  sở, tổ quốc của người Việt được thể hiện bằng tên của môi trường gắn chặt với cuộc sống của mình là “đất nước” có nghĩa là giang sơn: Nước (nước Việt Nam) “Việc nhà việc nước”,”yêu nước thương dân” hay ”Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”. Với người Việt, nước là một trong hai thể thức thiêng liêng làm nên “Đất nước”. Chính vì vậy người Việt có nhiều danh từ ghép trong đó có từ nước để chỉ về lãnh thổ quốc gia như: đất nước, sơn hà, giang sơn, non nước, non sông.

“Ai đi muôn dặm non sông

Để ai chất chứa sầu đông vơi đầy”.

Hay trong cách đặt tên sông như  là: sông Cái, sông Con, sông Cả...thể hiện mối quan hệ rất thân tình, rất gia đình của con người với tự nhiên.  Người Việt đã sống gắn bó, hòa với sông nước đến mức coi sông nước như người. Bởi môi trường sông nước chi phối rất mạnh đến đời sống của người Việt, cho nên yếu tố tương đương với “nước” là “đất” trong tỷ trọng hai thứ được coi là ngang nhau đất - nước, bởi vì tổ quốc đôi khi được gọi là “đất nước tôi” nhưng từ “đất” trong ca dao, tục ngữ chỉ xuất hiện 96 lần (câu/đơn vị) trong ca dao, tục ngữ, chiếm 11,4% tổng số câu ca dao, tục ngữ có nội dung về đất và nước. Chẳng hạn: “Tấc đất, tấc vàng”, Đất có bồi có lở”,”Đất lành chim đậu”,”…

Có thể thấy, bất cứ loại hình văn học nào đều có hình thức phản ánh hiện thực, có những câu phản ánh nước thật như: ”Nước sông cuồn cuộn chảy xuôi”; ”Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Nhưng cũng có rất nhiều câu nói về hình ảnh nước hoặc liên quan đến nước để khái quát cho những tình huống, trạng thái hoặc những ứng xử phổ biến nào đó của hiện thực để mô tả một chuyện khác. Chẳng hạn người Việt có thể khái quát cho tất cả những hiện tượng không biết lo xa, chuẩn bị trước, đến khi tình huống xảy ra thì phải xử lý một cách gấp gáp, vội vàng như “Nước đến chân mới nhảy”. Hoặc để diễn đạt mọi trường hợp cố gắng đến mức cao nhất nhằm làm cho được một việc gì đó mặc dù khả năng làm được rất mong manh, người ta có thể dùng “Còn nước còn tát”. Qua thống kê cho thấy có những câu nói về nước thật nhưng có những câu sử dụng hình tượng nước để nói về chuyện khác chiếm tỷ lệ áp đảo, gấp 7,8 lần so với “đất”. Điều đó cho thấy quá trình hình thành lãnh thổ và đặc trưng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ đã được sản sinh ra từ trong môi trường sông nước, bởi lẽ, văn hóa là tấm gương phản ánh đầy đủ mối quan hệ con người với tự nhiên và các mối quan hệ khác.

Người Việt thường gắn liền làng với nước, nước là đơn vị quan trọng thứ hai sau làng. Người Việt luôn hành xử theo quan niệm “Sống ở làng sang ở nước”. Người Việt thường gắn làng với nước thể hiện rõ tính chất cộng đồng trong văn hóa Việt. Hay nước còn được thể hiện trong tình cảm và sự xẻ chia, đồng cam cộng khổ của người lính với người dân ”Quân với dân như cá với nước”. Công sức vất vả của người lính trong lao động, chiến đấu ngày đêm cũng được mang ra so sánh với hình tượng nước như:”Nước sông công lính”...

Trong khí đó các nước trên thế giới, hầu hết tên gọi lại thường gắn với tên “đất” - “Homeland” như: Holland, England, Thailand, Poland,... Điều đó có thể hiểu, tên gọi của nước (country) thường dựa trên cơ sở định danh sự vật, cái gì được người ta cho là nguồn gốc quan trọng để hình thành nên đất nước thuở ban đầu và coi nó như là một đặc trưng cơ bản của môi trường sinh sống của cư dân thì người ta thường gắn liền với tên gọi.    

(Ảnh: Đặng Hồng Long)

3. Môi trường nước trong đời sống sinh hoạt của người Việt

Cách thức ứng xử của con người với môi trường sông nước được xem là một trong những thành tố quan trọng trong mỗi hệ thống văn hóa. Trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên thì có hai khả năng xảy ra: Thứ nhất, con người tận dụng những gì của tự nhiên có lợi cho mình để phục vụ cho cuộc sống (cái ăn uống của con người thường được xếp vào khả năng thứ nhất này); thứ hai, con người đối phó với những gì có hại từ tự nhiên để sinh tồn và phát triển (cái mặc, cái ở và cái đi lại của con người – chính là cách thức đối phó với thời tiết, khí hậu và khoảng cách thường được xếp vào khả năng thứ hai này). Sự phân chia trên dù chỉ mang tính chất tương đối nhưng sẽ là cơ sở tham chiếu quan trọng để chúng ta tìm về hệ giá trị văn hóa sông nước trong thế ứng xử với tự nhiên “Trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, người Việt phụ thuộc vào tự nhiên, nương nhờ vào tự nhiên hơn là chiếm lĩnh, làm chủ tự nhiên khuynh hướng đó trong ý thức thể hiện thành sự tôn trọng, sự sùng bái tự nhiên, trong hành động thể hiện thành những sự lựa chọn có tính chất thích nghi với tự nhiên, tận dụng sức tự nhiên hơn là chinh phục tự nhiên, dùng sức người thay thế tự nhiên, trong sinh hoạt thể hiện thành lối sống hòa hợp, hòa mình với tự nhiên, gắn bó với môi trường tự nhiên”.

Trước hết, phải thấy rằng, từ xưa đến nay, người Việt Nam luôn biết tận dụng môi trường sông nước để phục vụ cho cuộc sống của mình. Từ đồ ăn thức uống đến công cụ lao động được thu nhặt, chế tác từ sản phẩm của môi trường sông nước qua tài liệu khảo cổ đã cho thấy: Từ hàng ngàn năm trước, môi trường sông nước và biển cả là nơi các cộng đồng người tiền sử cư trú ở ven sông, ven biển Việt Nam tận dụng để duy trì sự sống của mình. Có thể thấy từ xưa đến nay, ăn uống luôn là biểu hiện sinh động nhất cho “văn hóa tận dụng môi trường tự nhiên” và ăn uống của cư dân người Việt cũng không là ngoại lệ. Các loại thủy, hải sản – những sản phẩm đặc thù của môi trường sông nước từ xưa đã được xếp thứ ba trong cơ cấu bữa ăn (cơm- rau- cá) và đứng đầu trong hàng thức ăn động vật của người Việt. Bởi thế mà chúng ta không lấy làm lạ khi mà dân gian ta thường nói: “Có cá đổ vạ cho cơm, Con cá đánh ngã bát cơm”. Hay nhiều nhà nghiên cứu cũng thường chỉ ra rằng: sau “cơm rau” thì người Việt phổ biến nhất là “cơm cá”. Quả thật, trong số các loại thủy sản thì trước hết và phổ biến hơn cả là cá. Tùy theo mùa mà khai thác được các loại cá khác nhau: Cá đối tháng bảy, cá gáy tháng mười, Nhất cá rô tháng giêng, nhì cá tràu tháng mười, Ếch tháng ba, gà tháng mười…. từ tháng 4 đến tháng 12 dương lịch phổ biển cá rô, cá chép, cá mòi;  từ tháng 9 đến tháng 3 dương lịch thì có cá cam, cá chép, cá đổng, cá mối, và các loại cá tạp…Ngoài ra, cư dân miền biển quanh năm còn được ăn tôm, cua, sò hến, ốc hương, sứa biển…

Từ các loại thủy sản ấy, người Việt Nam đã chế biến ra thành các loại nước chấm đặc biệt mang hương vị khó lẫn. Đó là các loại mắm trong đó đặc biệt phải nói đến là nước mắm. Nước mắm là “thành tựu” quan trọng mà người Việt đã phát minh được trong quá trình sống chung với môi trường sông nước. Trong mỗi bữa ăn của gia đình người Việt, chúng ta thấy không thể thiếu được bát nước mắm. Không chỉ phổ biến trong cơ cấu bữa ăn người Việt, nước mắm còn vượt biên giới quốc gia, đi vào ngôn ngữ loài người và trở thành danh từ phổ biến trong nhiều cuốn từ điển bách khoa Đông Tây. Cùng với nước mắm, chúng ta còn được biết đến các loại mắm như: mắm ruốc, mắm tôm, mắm cá, mắm tép, mắm nêm…làm cho bữa ăn thêm phần đậm đà, khó quên. Tất cả đều là những món ăn được cư dân người Việt chế biến từ các loại thủy sản đánh bắt được từ vùng sông nước, biển cả của quê hương. Những món ăn ấy không chỉ đơn thuần là thành phần quan trọng trong cơ cấu bữa ăn của người Việt nói chung và cư dân vùng sông nước nói riêng mà còn chứa đựng trong đó cả hồn Việt và cơ tầng văn hóa sông nước. Chúng thực sự đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc hữu của con người sống ở vùng sông nước, minh chứng cho năng lực tận dụng môi trường tự nhiên để phục vụ cuộc sống của cư dân nơi đây.

Từ chỗ tận dụng các sản phẩm, chất liệu tự nhiên từ môi trường sông nước để phục vụ cho cuộc sống, nhiều ngành nghề kinh tế mang sắc thái sông nước đã được định hình, như nghề đan lát các dụng cụ sinh hoạt gia đình, đánh bắt cá, tôm; nghề may vá lưới; nghề làm nước mắm… Cư dân vùng sông nước từ bao đời nay đã biết tận dụng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên để hành nghề mưu sinh. Những ngành nghề đó theo thời gian ngày một phổ biển và thực sự trở thành nét văn hóa của người Việt độc đáo.

Bên cạnh năng lực tận dụng môi trường tự nhiên, cư dân sống ở môi trường sông nước còn thể hiện rõ khả năngđối phó với chính môi trường ấy. Điều này không chỉ biểu hiện ở trang phục đi đánh bắt từ áo, quần cho đến khăn vấn tóc đều phải gọn nhẹ, bền, linh hoạt thích ứng với cái nắng nóng, lạnh giá cùng sóng to gió lớn của thời tiết, nơi sông nước, biển cả, mà còn thể hiện đậm nét trong nhà ở và các phương tiện đi lại.

Cũng như mỗi người dân Việt Nam ở các vùng, miền khác, đối với cư dân sinh sống ở vùng sông nước, nhà không chỉ là nơi con người trú ngụ an toàn, đối phó với nắng mưa, gió bão mà còn là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, là chốn đi - về của mỗi ngư dân, khiến họ yên tâm lao động, sản xuất. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình là vùng sông nước hay ven biển nên người dân nơi đây thường lấy thuyền, bè làm nhà, tạo nên dạng thức nhà ở độc đáo là nhà thuyền, nhà bè. So với nhà thuyền thì nhà bè to, rộng hơn nhiều. Bên cạnh chức năng nhà (phía trên) để ở thì nhà bè còn có thêm chức năng “lồng” ở phía dưới để nuôi cá lồng. Tính “định cư định canh” của nhà bè theo đó có phần rõ nét hơn so với nhà thuyền.

Khi nhiều gia đình (tức nhiều nhà thuyền, nhà bè) tụ họp lại sẽ tạo thành các làng chài, xóm chài. Làng chài hay còn gọi là làng “thủy sinh” (làng sống trên nước) hoặc vạn chài. Vạnchài tập hợp những ngư dân của một vùng, thường cùng một ngư trường. Vào những thời gian không đi đánh bắt thủy hải sản, người dân neo thuyền ở cửa sông kín gió trong vùng và tạo nên một cộng đồng như vậy. Tại đây cũng thiết dựng nên một tổ chức quản lý mang tính tự quản, đứng đầu là một ông trùm vạn và có cả những quy định chung giống như hương ước của làng vậy. Hàng năm, Vạn cũng có nhiều lễ hội cộng đồng, chủ yếu là lễ Cầu ngư tại các lăng thờ cá Ông, giống với lễ kỳ yên của làng nông nghiệp ở nhiều nơi trên cả nước. Thậm chí, một số Vạn còn chung nhau mua một khoảng đất để làm nghĩa địa của vạn...Có thể nói, Vạn chài là một dạng thức văn hóa tổ chức xã hội độc đáo mang đậm sắc màu sông nước, biển cả của ngư dân Việt.

Ngoài chức năng của một ngôi nhà, thuyền đối với ngư dân vùng sông nước còn được xem là phương tiện đi lại phổ biến, hữu dụng bậc nhất. Nó giúp cho người dân di chuyển được trên mặt nước, nhất là di chuyển nhanh để bủa vây những loại cá bơi với tốc độ cao…. Để đánh bắt, thuyền được cấu tạo thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng sông nước cụ thể. Điều này cũng chứng tỏ khả năng thích ứng, đối phó linh hoạt với môi trường tự nhiên của con người sống ở môi trường sông nước.

Từ xa xưa trong lịch sử, loại hình giao thông phổ biến của người Việt là thuyền bè. Đặc trưng này đã từng được một số nhà sử học, nhà văn hóa học đề cập đến trong ca dao, tục ngữ và được thể hiện rất rõ. Thống kê tập hợp ca dao, tục ngữ người Việt chúng tôi thu thập được 328 đơn vị có nội dung nói về đi lại. Xin xem bảng dưới đây :

Qua số liệu bảng 1, có thể thấy loại phương tiện giao thông trên mặt nước chiếm ưu thế, có tần số xuất hiện cao hơn hẳn 235/328 đơn vị (chiếm 71.6%), loại phương tiện giao thông bộ chỉ có 77/328 đơn vị (chiếm 23.4%) và có 16/328 đơn vị (chiếm 5.0% ) mặc dù đề cập đến nội dung đi lại nhưng với hàm ý ẩn dụ: khuyên răn, phê phán kẻ vô ơn bạc nghĩa,…

Từ xưa, dấu ấn giao thông đường thủy đã được biểu hiện hết sức sinh động trong các di sản lịch sử - văn hóa dân gian của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Người Việt Nam trước khi biết đến động cơ hơi nước đã biết lợi dụng sức gió, dòng chảy và sức kéo, sức chở của súc vật để vận chuyển. Với những sức kéo và sức đẩy thô sơ ấy, người ta chỉ giới hạn các tuyến đi lại trên hai loại giao thông chính là mặt nước và mặt đất (đường thủy và đường bộ).

Có thể thấy, từ những di sản văn hóa dân gian đến đời sống sinh hoạt hàng ngày đều mang đậm dấu ấn của sông nước. Việc đi lại bằng các phương tiện giao thông  trên mặt nước đã trở thành một phần không thể thiếu của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. “Đường thủy thì tiện thuyền bè // Đường bộ cứ bến Bồ Đề mà sang”. Từ xa xưa, người dân đã rất quen với việc di chuyển trên sông nước bằng nhiều phương tiện như thuyền (thuyền nan, thuyền độc mộc, thuyền thúng), đò (đò ngang, đò dọc, đò giang), buồm, phà, bè mảng, mái chèo,… Đây chính là những phương tiện giúp người dân di chuyển cũng như vận chuyển hàng hóa ngược xuôi tới những vùng lân cận hoặc các địa phương khác.

Trong số đó, chiếc thuyền là phương tiện quan trọng và phổ biến được nhắc đến nhiều nhất với 128/235 đơn vị (chiếm 58.7%) chuyên là vật dụng đã chi phối mạnh mẽ đến việc đi lại của người dân trước đây. Hình ảnh chiếc thuyền còn được thể hiện hết sức linh động trong các di sản lịch sử - văn hóa dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời Thục Phán An Dương Vương, đất Thăng Long xưa là một quân cảng với những vòng hào, "Hàng trăm thuyền bè có thể ra vào, thuyền có thể sắp hàng hàng ngang chạy trên các con hào... Xưa kia vua Thục dùng thuyền đi lại dưới hào, dạo khắp kinh đô”. Hình ảnh con thuyền, bến đò cũng in đậm trong những câu ca dao, tục ngữ miêu tả cảnh quan sinh hoạt ở chốn làng quê cổ truyền.

Dấu ấn của môi trường sông nước còn được thể hiện rất rõ trong cơ cấu bữa ăn của người Việt đồng bằng Bắc Bộ là cơm - rau - cá. Đó là cơ cấu thiên về thực vật và thủy, hải sản. Trong đó lúa gạo đứng đầu bảng, chiếm đến 2/3 thành tố là thực vật. ”Cơm tẻ là mẹ ruột”. Người Việt ăn thực vật- lúa gạo chính là sản phẩm của nghề nông nghiệp trồng lúa nước. Theo các nghiên cứu chỉ ra: Cư dân đồng bằng - bộ phận chủ yếu của cư dân nước ta - từ rất sớm đã có nguồn sống chính là nghề trồng lúa nước: Nghề trồng lúa đó đã tiến hành trên một địa bàn dày đặc sông ngòi, chi chít đầm hồ và có biển bao bọc. Lúa gạo là nguồn lương thực quan trọng, song không phải là thức ăn duy nhất. Ngay từ rất sớm, cư dân người Việt cổ đã biết tìm thức ăn trong môi trường nước xung quanh mình. Việc kiếm ăn trên sông nước là những hoạt động khá phổ biến và thường xuyên của cư dân Việt. Đứng thứ ba trong cơ cấu ăn và đứng hàng đầu về thức ăn từ động vật của người Việt đó là các thủy sản -sản phẩm của vùng sông nước ”Con cá đánh ngã bát cơm”.

Về văn hóa uống (uống rượu) của người Việt cũng còn có khá nhiều ý niệm được xây dựng dựa vào môi trường sông nước. Chẳng hạn: khi muốn thể hiện tình cảm gắn bó và hết lòng với nhau thông qua chén rượu người ta thường nói: ”Uống cạn chén”, ”Uống tới bến”, hay ”Ăn ở như bát nước đầy”... Ngược lại, khi tình cảm với nhau không còn nữa, cư xử với nhau tồi tệ, vô ơn bạc nghĩa thì họ cũng sử dụng hình tượng là sông nước: ”Cạn tàu ráo máng”, ”Sông có khúc, người có lúc”, ”Qua sông đấm b... vào sóng”...

Ngoài ra, cùng với quá trình trinh phục sông nước để nuôi trồng và đánh bắt thủy sản là quá trình rèn luyện tài bơi lặn và lòng quả cảm, kinh nghiệm tận dụng sông nước, quy luật của thủy triều và sở trường đi thuyền của người Việt đã tạo nên những tính cách, bản năng của những cộng đồng cư dân. Điều đó giúp cho người Việt ”rất thạo nghề sông nước” rất giỏi trong bơi lội, thông tỏ luồng lạch, thành thạo dùng thuyền. Vì vậy, trong ”nghệ thuật thủy chiến”, nhiều trận thắng lớn về quân sự trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm đều xảy ra trên nước.

Môi trường sông nước trong tri nhận của người Việt có một vai trò to lớn trong đời sống tinh thần và vật chất. Theo lối tư duy của người Việt, thực thể nào gần gũi nhất thì xuất hiện trước nhất, nhiều nhất và có tầm tác động lớn nhất. Chính vì vậy người Việt thường liên tưởng đến các hình tượng ẩn dụ sông nước theo phương thức tương đồng trải nghiệm như: sông nước là vật thể, sông nước là vật chứa” như: ”Thân em như hạt mưa sa //Hạt rơi giếng ngọc // Hạt ra ruộng cày”. Một khi vật chứa càng lớn, vật được chứa càng nhiều (thuyền càng lớn hẳn nhiên chở càng nhiều...) ”Lớn thuyền lớn sóng, nước lên thuyền lên”. Sông nước là con người. Vì vậy trong dân gian người Việt đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn lưu giữ tục vẽ mắt cho thuyền để chúng có thể đi trong đêm tối. Sông nước còn là xã hội, ứng xử của con người là hoạt động của nước... Chẳng hạn như: ”Lựa chiều bẻ lái, theo nước lượn thuyền”, ”Thuyền mạnh vì lái, gái mạnh vì chồng”. Hay so sánh với việc ăn = hưởng thụ, làm = lao động của con người ”Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi giăng”, ”Ăn như rồng cuốn, làm như cà cuống lội nước”...Có thể thấy dấu ấn văn hóa và đặc điểm môi trường vật chất khá rõ nét của người Việt đồng bằng Bắc Bộ còn đậm ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, việc cúng giỗ với việc đốt vàng mã khá phổ biến, thuyền chở mã nhẹ đi trên sông nước hẳn là di chuyển rất nhanh, trong khi hình ảnh đối lập được lựa chọn là một cô gái thơ thẩn ngắm trăng.

Trở lại các hình tượng liên quan đến phương tiện đi lại trên sông nước, chúng tôi còn thấy một hình tượng ẩn dụ rất phổ biến trong nhiều ngôn ngữ, trong đó tiếng Việt được sử dụng với một tần số khá dày, đặc biệt là trong ca dao, tục ngữ: Đó là hình tượng ”Tổ quốc là một con tàu” (con thuyền) với hàng loạt ẩn dụ bậc dưới, kiểu như: sóng gió, bão táp, thác ghềnh... là khó khăn trở ngại của đất nước; biển lặng, sóng êm, thuận buồm xuôi gió, xuôi chèo mát mái... là thuận lợi; người lãnh đạo quốc gia, hay một tổ chức lớn nào đó gọi là thuyền trưởng, chèo lái con tàu là chính sách của một quốc gia. Trong tiếng Việt con/chiếc, đều kết hợp được với tàu/thuyền (con tàu, con thuyền), con có phạm vi kết hợp và hoạt động rất rộng. Phải chăng, ngoài cái nghĩa phân lập theo từng đơn vị, hình ảnh của các vật thể di chuyển trên môi trường bao la sông nước khiến chúng trở nên nhỏ nhoi, bé nhỏ... đã góp phần hình thành nên nét nghĩa và sự kết hợp có phần hơi khác so với tiếng Việt toàn dân. Hơn thế nữa chúng không thể nói Tổ quốc là một chiếc thuyền, lại càng không thể là một chiếc tàu, chiếc bè, xuồng... Phải chăng ngoài tính chất tương hợp về tính chặt chẽ, trang trọng trong cấu trúc giữa các từ Hán Việt của tổ quốc, tàu, thuyền mà các từ ngữ thuần Việt cùng miền ý niệm không có được.

Bên cạnh năng lực tận dụng môi trường tự nhiên, cư dân người Việt còn thể hiện rõ khả năngđối phó với chính môi trường ấy. Điều này không chỉ biểu hiện ở trang phục từ áo, quần cho đến khăn vấn tóc đều phải gọn nhẹ, bền, linh hoạt thích ứng với cái nắng nóng, lạnh giá cùng sóng to gió lớn của thời tiết, sông nước mà còn thể hiện đậm nét trong nhà ở và các phương tiện đi lại.

Nhà ở của người Việt đồng bằng Bắc Bộ là một trong những sáng tạo văn hoá đặc biệt quan trọng, gắn liền với trình độ văn minh của một cộng đồng, vừa để ứng phó vừa khai thác những thuận lợi của thiên nhiên phục vụ nhu cầu tồn tại và phát triển của mình.

Ngôi nhà sàn, nhà thuyền, nhà bè... của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ là không gian trú ngụ để tránh nước. Ngôi nhà được làm với chiếc mái cong vút lên, mô phỏng hình mũi con thuyền. Ngày nay ở những vùng nông thôn chúng ta có thể gặp rất nhiều những ngôi nhà mái rạ, mái ngói với mái giống hình thù của chiếc thuyền úp ngược - được coi là dấu ấn của vùng văn hóa sông nước.

 Môi trường sông nước mà thiên nhiên ban tặng cho người nông dân Việt Nam như một điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít những thách thức khiến họ nảy sinh nhiều sáng kiến, nhiều kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt như họp chợ mua bán ngay trên sông (chợ nổi); đưa cô dâu qua sông trong lễ rước ngày cưới ....

Sinh sống và tụ cư trong môi trường sông nước cũng gặp không ít những khó khăn mà con người phải tìm cách ứng xử thích nghi với nó. Điều này đã được GS. Nguyễn Xuân Kính chỉ ra rằng dân gian đã thấy tác hại của nước và tìm cách ứng xử sao cho hạn chế những tác hại ấy. ”Lũ lụt thì lút cả làng”, buộc họ phải đắp đê, dùng sức lực và trí tuệ cộng đồng để chống lại tai họa đứng đầu trong những tai họa đáng sợ (Thủy - hỏa - đạo - tặc) là bốn thứ đại họa trong đời sống con người. Vì vậy để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, vùng đồng bằng Bắc Bộ có một hệ thống đê điều rất kiên cố ”Đê kia ai đắp lên cao // cái dải sông đào, ai xẻ làm khơi”. Kinh nghiệm cho thấy tháng 6, tháng 7 là dễ có mưa to, bão lớn nên phải đề phòng ”Tháng sáu heo may chẳng mưa thì bão”, ”Tháng bảy kiến bò chỉ lo lại lụt”

Ông cha ta cũng đã lưu truyền lại trong dân gian những trải nghiệm, ứng xử trong cuộc đời mình về sông nước.

"Con ơi, mẹ dặn câu này

Sông sâu, sóng cả, đò đầy chớ đi”

"Con ơi, nhớ lấy lời cha

Nước to sóng cả đừng qua sông Rừng”

Trong văn học dân gian Việt Nam, huyền thoại về Sơn Tinh Thủy Tinh càng tô đậm thêm ý thức và cách ứng xử với tác hại của nước của người Việt là một bằng chứng đầy thuyết phục về nội lực tự sinh của con người trong thái độ và cách thế ”đối thoại”với thiên nhiên. 

Lễ hội đua thuyền làng Quát, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ảnh TL

4. Môi trường nước trong đời sống sản xuất và sáng tạo nghệ thuật

Do đặc điểm về địa lý, nước Việt Nam nằm trong điều kiện sinh thái tự nhiên phát triển, có một nền sản xuất nông nghiệp lúa nước là chính với hơn 90% dân số là nông dân. Văn hóa sông nước là loại hình văn hóa gốc nông nghiệp với nghề chính là nghề trồng lúa nước. Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã đánh giá rất cao vai trò của nước trong đời sống lao động sản xuất nông nghiệp của mình, nước là thứ không thể thiếu đối với một cộng đồng nông nghiệp. Đó là yếu tố quan trọng hàng đầu ”Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Kinh nghiệm này đã được ông cha ta đúc rút qua hàng ngàn năm lao động sản xuất. Bởi lẽ đất đai canh tác của ta không phải là bằng phẳng, thuận lợi. Lại thêm vào đó mưa nắng thất thường, có nhiều khi mưa giông bão giật, lụt bão. ”Nước, có tháng thiếu tháng đủ, tháng thừa, mùa thiếu, mùa đủ, mùa thừa, vùng thiếu, vùng đủ, vùng thừa...”. Vì vậy công việc thủy lợi, xây dựng các hệ thống tưới, tiêu nước ”Ngăn đồng đổ nước ra sông” là biện pháp rất quan trọng để điều hòa nước cho cây lúa. Con người đã phải tiến hành những cuộc vận lộn, chinh phục với thiên nhiên để khống chế nước cho phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây lúa, để duy trì và phát triển sự sống. Bởi vậy, hạt gạo làm ra đã thấm đẫm biết bao mồ hôi vất vả ”hai sương một nắng” của người nông dân lao động. Điều đó đã được ca dao ghi lại hết sức chân thực”...Cày đồng đang buổi ban trưa //Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”.

Theo cách hiểu sơ khai Trời - Đất là thiên nhiên, là ”đấng tối cao” sinh thành, nuôi dưỡng và chở che cho con người. Vì vậy người Việt gọi Trời  là Ông (Ông Trời). Công việc nhà nông phụ thuộc rất nhiều vào nước, ”Trời” lại tích trữ một lượng nước rất lớn là nước mưa, nên hạnh phúc của họ phụ thuộc bởi sự ban phát của ông Trời: ”Lạy Trời mưa xuống // lấy nước tôi uống // Lấy ruộng tôi cày // lấy đầy bát cơm // Lấy rơm đun bếp...”. Trong tâm thức của người Việt luôn đề cao, lòng kính trọng và biết ơn Ông Trời đã mang  lại sự mưa thuận gió hòa ”Ơn trời mưa nắng phải thì”, ”Nhờ trời mưa gió thuận hòa // Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau”... để người nông dân làm ra hạt gạo nuôi sống mình. Người Việt sống và canh tác luôn hòa hợp với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên theo mùa nước.

Môi trường sông nước còn để lại dấu ấn rất lớn trong các nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ”Ao sâu tốt cá”..., ngư nghiệp, thương mại như : ”Hải Phòng là chốn hữu tình // Thuyền buôn thuyền bán rập rình bờ sông”,... của người Việt.

Không gian sông nước, ao hồ Bắc Bộ luôn gắn liền với mỗi người dân đất Việt và còn là chiếc nôi sản sinh ra các trò chơi dân gian truyền thống liên quan đến nước rất nhiều như: đua thuyền, chọi trâu, đua bò nước, múa tàu tượng và đặc biệt là Nghệ thuật Múa rối nước - một sáng tạo gắn với làng quê Việt Nam, là niềm tự hào của những cư dân trồng lúa nước, sống trên môi trường sông nước. Nghệ thuật múa rối nước là loại hình nghệ thuật lấy mặt nước (mặt ao) làm sân khấu biểu diễn, khán giả tụ xem quanh bờ ao, nhà Thủy đình nổi trên mặt nước, diễn viên ”ngụp lặn” dưới mặt nước – tất cả đã thể hiện bản sắc văn hóa Việt.Với biển cả, ca dao, tục ngữ cũng thấm đẫm một tình yêu bao la và đã trở thành đề tài muôn thuở cho các nghệ sĩ dân gian sáng tác nên những điệu hò, điệu ví. Đó là những điệu hò kéo thuyền của cư dân ven vùng sông Mã. Đó là điệu hò, điệu lý mang xúc cảm về sông nước, biển cả mênh mông của những ngư dân vùng ven biển. Ai đã từng đặt chân đến vùng biển cát trắng của Việt Nam và lắng nghe những điệu hò, điệu ví nơi đây sẽ cảm nhận rất rõ hương vị biển mặn mòi trong đó:                       

….. (Hò dô hò hụi)

                        Anh em ta gắng công mà kéo lưới

                        Kìa chú cá thu, cá bè, cá đuối…

                        (Hò dô hò, hò dô ta) 

Đặc biệt, điệu hát khoan chèo cạn gồm những điệu hò múa quạt, hát chèo cạn, hò đưa linh, hò mái nhị, hò là, hò hụi… khỏe khoắn, nhịp nhàng, mô phỏng hoạt động đẩy thuyền, thả lưới, kéo lưới của người dân biển... đã thực sự gieo vào lòng người một ấn tượng khó phai. Đây cũng là một loại hình diễn xướng bắt buộc, quan trọng không thể thiếu 

trong các lễ hội cầu ngư hằng năm ở nhiều miền biển của Việt Nam. Những điệu hò biển ấy vừa dung dị, trìu mến, vừa gắn với cuộc sống con người miền biển và thực sự đã góp phần giữ lửa cho văn hóa vùng ven biển Việt Nam.

5. Môi trường sông nước trong cảm quan triết lý, tâm linh của người Việt

Môi trường sông nước trong đời sống văn hóa của người Việt còn được nâng lên ở mức độ cao hơn đó là về cảm quan, triết lý: quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Chẳng hạn như ”Nước chảy đá mòn”, ”Tức nước vỡ bờ”... Trong đời sống thường nhật, người Việt gửi gắm tình cảm với tự nhiên bằng cách đem sông nước vào lối nói đa dạng, biểu cảm. Khi nói về tình yêu chung thủy họ đã lấy hình tượng sông nước để thề bồi : ”Yêu nhau tam tứ núi cũng chèo// Thất bát sống cũng lội // Vạn đèo cũng vượt qua”... Hay biểu tượng của tình yêu vợ chồng còn được ví như thuyền và bến: ”Thuyền đi để bến đợi chờ // Tình đi nghĩa ở bao giờ quên nhau // Chẳng nên tình trước nghĩa sau // Bến này dãi bóng trăng thâu đợi thuyền”...

Hành vi ứng xử, cách sống của con người:”Ăn ở như bát nước đầy”; ”Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”,...

Không chỉ lưu truyền trong kho tàng văn học dân gian ca dao, tục ngữ mà cả trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn thấy những hình ảnh, biểu tượng có liên quan đến nước cũng được sử dụng một cách phổ biến và rất tự nhiên. Chẳng hạn như: ngâm (hồ sơ bị ngâm); ngụp lặn (ngụp lặn trong thi cử); lầy, lội, ngập ngụa (trong bùn, trong học hành, giấy tờ...); vượt cạn (phụ nữ sinh nở); bơi, phao (thi cử); say, đắm đuối (tình cảm); chòng chành (giao thông, qua lại, uống rượu quá chén...); suối tóc (tóc phụ nữ dài và đẹp), cọc chèo (anh em đồng hao); trôi chảy (diễn đạt mạch lạc)...

Môi trường sông nước còn thể hiện những giá trị về tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Người Việt có tục thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng điển hình trong đời sống của người Việt. Trước hết là tục thờ các bà Trời, bà Đất, bà Nước – những nữ thần cai quản các hiện tượng tự nhiên đối với cuộc sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Hàng năm vào các dịp đầu xuân năm mới nhiều vùng quê ở đồng bằng Bắc Bộ thường tổ chức những nghi thức dân gian như: lễ hội cầu mùa, cầu mưa... để ”cầu trời mưa thuận, gió hòa” mang nguồn nước cho cây trồng và đồng ruộng không bị khô hạn: ”Lạy Trời mưa thuận gió hòa // Để cho chiêm tốt, mùa tươi em mừng // Ngô khoai chẳng được thì đừng // Có nếp có tẻ trông chừng có ăn”.... Những nghi thức đó đều tượng trưng cho sự phồn thực, cầu cho một mùa vụ bội thu.

Môi trường sông nước luôn gắn bó mật thiết với người Việt cho nên ngay cả khi mất đi, chiếc quan tài coi như cái áo (áo quan) bảo vệ phần xác của người chết để đưa họ hòa vào lòng đất cũng được mô phỏng theo hình con thuyền. Thế giới của người chết cũng được hình dung nằm ở một vùng sông nước (nơi chín suối) và đến đó người ta phải đi bằng thuyền (tục chèo đò) đưa linh hồn người đã mất về thế giới bên kia.”Em dầu có thác suối vàng // Hồn em cũng bận bịu chờ chàng sánh đôi”...

Với biển cả còn hiện diện trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân với những tín ngưỡng đặc trưng mang sắc màu của biển cả. Đó là những tín ngưỡng thờ các vị thần có gốc gác từ biển khơi mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ Cá Voi/ cá Ông  – một loại hình tín ngưỡng dân gian đặc thù của ngư dân ven biển nước ta .Trong tiềm thức của mỗi ngư dân, cá Voi là con vật thiêng liêng, phù trợ cho họ trong đời sống hàng ngày. Họ tin vào sự giúp đỡ của cá Voi với một niềm thành kính. Họ còn kiêng gọi cá Voi mà gọi là Cá Ông hoặc Ông Nam Hải, Ông Chuông, Ông Khơi, Ông Cậu, Ông Lớn… Dù cho gọi bằng tên gọi gì đi chăng nữa thì trong sâu thẳm tiềm thức của những ngư dân nơi đây, hình ảnh cá Ông luôn là điểm tựa tinh thần vô giá, giúp họ vượt qua mọi gian khổ và hiểm nguy trong công cuộc mưu sinh, để rồi hóa thành tín ngưỡng dân gian tự bao đời.

Ngoài cá Ông, chúng ta còn bắt gặp những tín ngưỡng tôn thờ các linh vật khác như: Kính Cô, Cậu (tước hiệu “Đệ Bát Thánh phi Nương nương” là con tráng - một loại rùa biển to lớn), ông Sứa (cá voi mình có bông hoa), ông Nược (cá nược), Rái cá (tương truyền được vua Gia Long sắc phong là “Lang Lại Nhị Đại tướng quân”), con Đẻn (loại rắn biển có nọc độc, được ngư dân gọi bằng các tên như Mộc Trụ Thần Xà, ông Hèo, bà Lạch, cô Hồng). Ở đây, trong hệ thống thần biển này, chúng ta thấy bao chứa trong đó cả ba dạng thần phổ biến của tín ngưỡng dân tộc là Nhân thần, Nhiên thần và Thiên thần. Rõ ràng, cảm thức về biển với sự ra đời của lớp tín ngưỡng thờ Thần biển nêu trên là một cảm thức phức hợp rất đặc trưng của văn hóa Việt. Những tín ngưỡng đó không chỉ phản ảnh sự chống đỡ của con người trước sự mênh mông và sức mạnh siêu nhiên của biển cả mà còn biểu thị thái độ mang ơn những vị Thần biển đã cứu vớt họ, bảo trợ họ, mang lại nguồn sống cho họ.

Bên cạnh những tín ngưỡng đặc thù ấy, cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam còn có cả hệ thống tập quán mang chất sông nước và biển cả đậm màu, khó lẫn với các vùng miền sinh thái khác. Ví dụ: Trước khi lên đường ra khơi, ngư dân tuân thủ rất nghiêm những điều cấm kỵ vốn đã truyền tụng từ lâu trong dân gian như: không gọi đích danh các vị Thần linh của sông nước, biển cả, thúng đựng lưới hay dây câu phải đặt ở chỗ không ai bước qua được, vì sợ bị mắc “phong long”, “đi không trở về không”. Hay, ngư dân không để người lạ rờ mó hai con mắt vẽ trước mũi thuyền vì sợ bị ếm đối…Thậm chí, trong lúc đi đánh bắt, nếu không thuận lợi may mắn thì những ngư dân thường cho là do sơ suất phạm phải các điều kiêng kỵ kể trên. Vì vậy, họ tiến hành nhuộm lại lưới, hoặc xông lưới, sắc thuốc Bắc rưới lên lưới, hay dọn rửa ghe và cúng kiếng để giải trừ…Và điều dễ thấy là, trong những gia đình đi đánh bắt, khi ăn cá, thông thường họ không lật con cá mà dùng đũa gỡ xương, rồi gắp tiếp phần còn lại. Tương tự như thế, họ cũng không úp thúng khi đi nghề, trên thuyền thì không úp chén bát và những dụng cụ khác… Bản thân trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, họ cũng tránh dùng những từ như: úp, lật, đổ, sa, rớt, rơi,… bởi họ tin rằng, nếu phạm phải thì sẽ gặp nhiều bất trắc rủi ro trên hành trình đi trên sông nước.

Niềm tin ấy và những dạng thức tín ngưỡng ấy khi đi vào đời sống cộng đồng cư dân sống ở vùng sông nước, ven biển đã được chuyển thể thành những dạng thức văn hóa tổ chức cộng đồng, mà trước hết là lễ hội.

- Trong văn hóa tổ chức cộng đồng

Theo suốt dặm dài đất nước, chúng ta sẽ bắt gặp vô vàn những lễ hội đặc sắc của người dân vùng sông nước. Lễ hội ở mỗi vùng, miền đều có những nét đặc thù riêng như một lẽ tất yếu, nhưng mẫu số chung của những lễ hội vùng sông nước, ven biển là đều nhằm tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị to lớn của sông nước và biển cả đối với đời sống con người, cầu thần thủy phù hộ độ trì cho sóng yên biển lặng và cho một mùa cá mới bội thu. Trong số đó, phải kể đến lễ hội Cầu ngư – một dạng thức lễ hội độc đáo, tiêu biểu bậc nhất và mang đậm nét nhất tính cộng đồng trong hệ thống lễ hội vùng sông nước của Việt Nam. Cứ đến mùa xuân hoặc mùa thu, cư dân nhiều nơi đã thực hành nghi thức cúng ông Nam Hải – còn gọi là Lễ hội Cầu ngư, lôi cuốn đông đảo người dân tham gia. Tại đây, lễ hội diễn ra như là ngày “Tết của vùng sông nước và ven biển”, thu hút hàng vạn người từ khắp các nơi về tham dự. Thậm chí, đối với ngư dân thì lễ hội này còn được xem là “Tết cả”, quan trọng hơn cả Tết Nguyên đán. Trong tiềm thức của những ngư dân vùng sông nước, ven biển, lễ hội càng được tổ chức chu đáo bao nhiêu thì ân đức của các vị Thần sông nước, biển cả ban cho ngư dân càng nhiều bấy nhiêu. Ngày nay, nhiều nơi còn tổ chức lễ hội Festival Biển, điển hình như lễ hội Festival biển Đồ Sơn, Hải Phòng, Hạ Long,..

Cùng với lễ và gắn liền với lễ là phần “hội”. Nhiều trò chơi dân gian gắn bó với nghề sông nước và biển cả, thể hiện sự khéo léo và cả sức mạnh cùng tinh thần đoàn kết của bao lớp ngư dân đã diễn ra trong dịp lễ hội. Những trò chơi như: đua cà kheo, leo cột mỡ, kéo dây, đẩy cây, đua thuyền, trói cua, bắt vịt…cùng những môn thể thao trên bờ sông, bãi biển, rồi những hoạt động nghệ thuật như ca hát…tất cả đều có sức hút mãnh liệt, lôi cuốn đông đảo cộng đồng dân cư. Quả thật, đây là những cơ hội quý báu để tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị to lớn của sông nước và biển cả đối với đời sống con người và xét trên phương diện văn hóa tổ chức cộng động thì nó cũng là dịp quy tụ đông đủ nhất bà con. Theo đó, những giá trị văn hóa vùng sông nước, ven biển cũng có dịp được trao truyền và thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ của nhiều thế hệ tiếp nối nhau.

KẾT LUẬN

Ca dao, tục ngữ không chỉ là tấm gương phản ánh cuộc sống mà còn là kho tàng tri thức, nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc.

Môi trường sông nước thể hiện đặc trưng văn hóa của người Việt khá đậm nét. Nghiên cứu tác động của môi trường sông nước đến đời sống văn hóa của người Việt sẽ góp phần vào việc lưu truyền những giá trị đa dạng của văn hóa tộc người và làm cơ sở để nghiên cứu tri thức dân gian bản địa của cư dân có truyền thống làm nông nghiệp lúa nước.

Từ bao đời nay với người Việt, sông nước là một môi trường sống không bao giờ thiếu được trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và cả trong đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Vì vậy việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống trên sông nước, biển cả luôn là một việc làm cần thiết để góp phần bảo tồn và phát triển bền vững những đặc trưng văn hóa của người Việt. Cùng với đó là việc giáo dục các thế hệ sau hiểu rõ được nguồn gốc và giá trị của môi trường sông nước trong đời sống văn hóa người Việt nói chung, người Việt, đồng bằng Bắc Bộ nói riêng để các thế hệ con cháu nối tiếp cha ông có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của đất nước trong thời đại ngày nay.

Trải qua bao biến thiên của thời gian và bao thăng trầm của lịch sử, môi trường sông nước và biển cả đã trở thành một phần quan trọng trong cấu trúc văn hóa Việt Nam. Những giá trị vốn là đặc trưng từ bao đời nay của dân tộc Việt vẫn không ngừng được bảo tồn và phát huy. Có như vậy thì mỗi người dân Việt Nam nói chung và cư dân đồng bằng Bắc Bộ nói riêng mới có chỗ dựa tinh thần vững chãi để thấu thị một tâm thế an nhiên tự tại trước môi trường sông nước và biển cả.

Môi trường sông nước không phải là vĩnh viễn, bất biến mà luôn vận động, đổi thay. Nhất là ngày nay trong quá trình đô thị hóa khiến diện tích mặt nước tự nhiên hầu như đều bị thu hẹp lại. Nguy cơ mất cân bằng trong môi trường sinh thái cũng như sự mai một, khô cạn của một nền văn hóa sông nước đã có từ nghìn năm không phải chỉ là lời cảnh báo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Duy Anh (1992), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb TPHCM và khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh.
  2. Toan Ánh (1992), Phong tục Việt Nam- Nếp cũ gia đình, Nxb Thanh niên.
  3. Trần Thúy Anh (2009), Ứng xử cổ truyền với tự nhiên và xã hội của người Việt châu thổ Bắc Bộ qua ca dao, tục ngữ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội
  4. Nguyễn Đức Dân (1987),Đạo Khắc Phi, (1999), Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội, (lần 3), tr.16.
  5. Chu Xuân Diên (2002), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr. 256-257.
  6. Vũ Dung, Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1997), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, 7. Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1997), Ca dao trữ tình Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  7. Vũ Minh Giang (2009), Lịch sử Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Giáo dục Việt Nam
  8. Vũ Minh Giang (2005), Tập bài giảng Khu vực học và liên cứu liên ngành dùng cho học viên Cao học và Nghiên cứu sinh (Chưa xuất bản thành sách).
  9. Diệp Đình Hoa (2000), Người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  10. Đinh Gia Khánh, Văn học dân gian, tập II, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  11. Nguyễn Xuân Kính (2003), Con người, môi trường và văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 41-45.
  12. Phan Huy Lê và Vũ Minh Giang chủ biên, (1996), Các giá trị truyền thống và con người
  13. Nguyễn Thành Lợi: Thờ cá voi ở thành phố Hồ Chí Minh, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6/2003, tr.54
  14. Bùi Mạnh Nhị (2000), Văn học dân gianViệt Nam, những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  15. Vũ Ngọc Phan (1978), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
  16. Trịnh Sâm (2013), Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, (Kỷ yếu Hội thảo Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập).
  17. Lê Bá Thảo (1990), Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
  18. Lê Bá Thảo (2002), Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế giới, Hà Nội
  19. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. Nxb TP. HCM.
  20. Nguyễn Duy Thiệu: Cộng động ngư dân thủy cư ở vùng biển Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6/2003, tr.7-8.
  21. Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá, Nxb Trẻ.
  22. Đặng Thị Diệu Trang (2003), Thiên nhiên trong ca dao dân ca trữ tình đồng bằng Bắc Bộ, Đề tài cấp cơ sở, Viện Văn hóa dân gian.

Phạm Ngọc Trung, Sông, biển với văn hóa Việt Nam. Tạp chí Văn học Nghệ thuật, số 333, 3/2012

  1. Trần Quốc Vượng (2005), Môi trường con người và văn hoá. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
  2. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

 Nguyễn Thị Phương Anh

Khoa Việt Nam học và tiếng Việt

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Bạn đang đọc bài viết Môi trường sông nước trong đời sống người Việt qua ca dao, tục ngữ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới