Thứ ba, 23/04/2024 15:18 (GMT+7)

Mùa na ở Huyền Sơn

Nhóm PV -  Thứ ba, 13/08/2019 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Huyền Sơn là một xã miền núi bán sơn địa, nằm ở phía Đông Nam huyện Lục Nam, cách trung tâm huyện 7 km và cách Hà Nội hơn 80km, giao thông khá thuận tiện.

Dân số xã gần 6000 người tương đương 1300 hộ. Trên địa bàn xã có 7 dân tộc  cùng chung sống, gồm Kinh, Hoa, Sán Dìu, Tày, Nùng, Thái. Xã Huyền Sơn chia ra 15 thôn, trong đó có 13 thôn ở ven chân núi, 02 thôn ở ven sông Lục Nam.

Huyền Sơn có 2.061 ha đất tự nhiên (trong đó 65% diện tích là đất lâm nghiệp) với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thế mạnh là phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt có cây Na dai được phát triển mạnh trong 15 năm gần đây ngoài ra còn các cây ăn quả khác như Nhãn, Mít và các cây làm thuốc.

Na Huyền Sơn quả to, vỏ mỏng, sáng mầu, cùi thơm và ít hạt, đã đạt giải nhất trong cuộc thi chất lượng cây ăn quả do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang và Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội tổ chức.

Na Huyền Sơn thu hoạch rải vụ hơn 4 tháng từ trung tuần từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch.

Cựu Chiến binh Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Na, Chi hội trưởng Hội nông dân xã Huyền Sơn, cho biết, Cây Na được trồng ở Huyền Sơn từ lâu, ban đầu mới chỉ là một số gia đình trồng để ăn chơi, không ăn hết thì mang ra chợ bán để mua thực phẩm. Từ đầu những năm 90, thấy Cây na phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cây lên nhanh ra nhiều quả, chất lượng quả tốt, nên đã thu hút thương lái lặn lội lên tận Huyền Sơn đặt mua ngay tại vườn và liên tục nhiều năm sau các gia đình đã nhân rộng các vườn Na, đến nay, Huyền Sơn có 15 thôn thì 100% đều trồng Na dai với khoảng 120 ha trồng na.

Mỗi năm toàn xã Huyền Sơn thu nhập đạt khoảng 30 tỷ VND. Na đã giúp các gia đình xóa đói, giàm nghèo ổn định đời sống có tích lũy để mở rộng sản xuất.

Ông Bùi Văn Quang cho biết, nhờ áp dụng biện pháp chăm sóc cho quả na hình thành ngay từ thân cành chiết để quả Na trực tiếp nhận dinh dưỡng từ thân cây làm cho Na ngọt hơn, nhiều nước, căng mọng. Việc điều khiển cây na chín sớm, chín muộn hay chín đúng vụ bằng kỹ thuật cắt cành tạo ra kỹ thuật trồng na độc đáo, hiệu quả kinh tế cao, đang được phổ biến rộng khắp xã Huyền Sơn.

Vườn na của ông Bùi Văn Quang ở xóm Khuyên ,xã Huyền Sơn hái đúng kỳ thu hoạch. Hiện nay tuy diện tích trồng na bị thu hẹp do chia sẻ đất vườn cho các thành viên trong gia đình với 10 ha nhưng doanh thu từ vườn na của ông Bùi Văn Quang đạt khoảng 100 triệu VND.

Mỗi khi khách đến vào mùa này, sau bữa ăn chủ nhà đều mời khách thưởng thức món đặc sản quí của quê hương Na dai Huyền Sơn.

Huyền Sơn còn có một lợi thế khác là nằm bên các địa danh nổi tiếng như Tây Yên Tử, chùa cổ Vĩnh Nghiêm, khu bảo  tồn di tích Khởi nghĩa Yên Thế hay cây Dã Hương ngàn tuổi  và cũng gần các khu sinh thái và cây ăn quả của Bắc Giang đã thu hút giới truyền thông và khách du lịch khi đến thăm các địa danh này sẽ biết và quan tâm đến một vùng cây ăn quả và hướng đến hình thành một khu du lịch sinh thái đa dạng trong tương lai.

Trong vườn Na Huyền Sơn, các cháng trai, cô gái được thả mình vào thiên nhiên, khoác lên mình những bộ váy áo dân tộc đầy mầu sắc, được chọn, hái và thưởng thức ngay tại vườn những trái Na chín thơm, tận hưởng những khoảnh khắc quí giá trong những ngày nghỉ. để quên đi sự ồn ào, bụi bậm của đô thị hay những ngày làm việc căng thẳng để mưu sinh.

Có thể chưa nổi tiếng bằng Vải Lục Ngạn, nhưng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vùng Na Huyền Sơn cũng đã ghi lại một dấu ấn của thời kỳ đổi mới. Để xóa đói, giảm nghèo, ngày một ấm no hạnh phúc trước hết hãy yêu lấy mảnh đất của quê hương mình, hãy tìm tòi, khai thác ở đó những tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng. Đất đai không bao giờ phụ công người. Sự cần cù, trí thông minh kết hợp với khoa học kỹ thuật tiên tiến sẽ cho chúng ta những thành quả để một ngày không xa, hoa quả của Việt Nam sẽ là niềm tự hào của đất nước, sánh ngang với các loại hoa thơm, trái ngọt của Thế giới.

Bạn đang đọc bài viết Mùa na ở Huyền Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới