Thứ bảy, 20/04/2024 08:42 (GMT+7)

Ngày 21/6, nhớ ngày chập chững 'bén duyên'.... phóng viên môi trường

Phan Ngân -  Thứ năm, 21/06/2018 10:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghề báo là thế, nguy hiểm, gian truân và vất vả, mọi trái đắng trên đường đời có lẽ phóng viên nào cũng sẽ phải nếm trải. Làm nghề không phải chỉ có trái đắng mà sẽ cho ta nhiều quả ngọt.

Bén duyên

Ngày trước, khi còn là một sinh viên non nớt trên giảng đường, tôi đã được nghe kể về nghề báo và ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Lúc ấy, ấn tượng về nghề trong tôi là một điều gì đó lộng lẫy và đầy hào quang. Phóng viên, nhà báo giống như những "chiến binh" trên mặt trận tư tưởng, họ gai góc, gan lỳ và nhiệt huyết. Còn ngòi bút thì chính là "vũ khí". 

Ra trường, tôi hăm hở cầm tấm bằng đẹp đi khắp các tòa soạn báo. Những tưởng chỉ cần học tốt là có thể dễ dàng vào nghề, nhưng không! Viết báo không đơn giản là học thuộc tính Đảng, tính định hướng xã hội, tính chiến đấu, tính chân thật khách quan, tính đại chúng của báo chí, mà viết báo đòi hỏi ở phóng viên nhiều hơn thế nữa. Sau khi thất bại ở mảng xã hội, tôi đúc rút cho bản thân rằng: Muốn viết hay phải chọn mảng mình thích, bởi đã thích thì sẽ có lửa nhiệt huyết. Và tôi làm y như thế!

Mạnh dạn xin vào một tòa soạn chuyên làm về môi trường, tôi hào hứng như tìm được "chân lý". Ơn giời! Tôi được thử việc và từ đó tôi bắt đầu chuỗi ngày gian nan trở thành một... phóng viên môi trường.

Vỡ mộng

Có người nói với tôi: “Phóng viên sướng thế, được đi khắp nơi”. Cũng đúng, phóng viên được đi khắp nơi thật nhưng lại như… đi bụi. Phóng viên mới làm quen với mảng môi trường có lẽ sẽ dần quen với hai từ: Vỡ mộng! 

Những người làm nghề như chúng tôi đi khắp nơi, chẳng còn thiếu một ngóc ngách nào mỗi khi nhận được tin bạn đọc phản ánh tới Tòa soạn.

Cứ nghĩ nghề báo là một nghề cao quý của xã hội thì phóng viên sẽ được mặc đẹp, ăn sang, ngồi tòa soạn báo đầy máy lạnh, nhưng với phóng viên môi trường thì hở ra là thấy ngồi... canh rác. Làm môi trường mà chẳng làm về chất thải thì coi như chưa làm môi trường.

Đồng nghiệp của tôi, có lần tìm hiểu về hàng trăm bao tải xương thối tại Hà Nội kể lại: “Nếu không ghi hình cận cảnh thì độc giả không tin tưởng bài viết của mình. Bình thường ngửi thấy con chuột chết còn phải gọi người tìm rồi vứt hộ vì ghê rợn. Thế mà hôm ấy, đứng giữa cả trăm bao tải xương trâu bò thối, ròi bọ thì bò lổm ngổm mà tớ vẫn chụp ảnh, ghi hình bình thường. Chụp xong, hai đứa chạy đi nôn ọe mất nửa tiếng, tối về có ăn được cơm đâu. Nhưng phải cái về viết bài thấy đã lắm!”

Đấy! làm mảng môi trường phải là như thế, trước nhất phải chịu được những thứ gọi là rác thải, thối tha, cặn bẩn nhất, muốn phản ánh sự thật thì chẳng còn cách nào khác là tiến lại gần nó. Vỡ mộng!

"Rình" xả thải là công việc mà phóng viên mảng môi trường ngán ngẩm, chui bờ rúc bụi nhưng khi phát hiện được vi phạm thì mừng hơn tới kì lương.

Cứ nghĩ hành trình tác nghiệp của phóng viên luôn được thuận lợi như trong kịch bản có sẵn, đến điểm A là làm việc với ông quản lý điểm A, đến điểm B là tiếp cận được quy trình sản xuất ở điểm B, nhưng nhầm.

Trước, anh bạn cùng cơ quan tôi bây giờ đi điều tra hút cát lậu của bọn “thổ phỉ” trên sông. Hôm trước khi đi, ảnh bảo: “Mai anh đi “rình” hút cát lậu, mà khu vực đó người dân phản ánh đủ cả rồi, anh nắm được hết tình hình, giờ giấc, khả năng quay gọn gàng nội một ngày là xong”.

Hôm sau mới thấy mặt ổng về, kể: “Bãi sông này đặc biệt không có chỗ trú. Anh đứng lâu lâu giữa bãi ngô thì có bọn đứng canh dòm ngó, anh bí quá không quay hình được. May quá, buổi trưa vào làng mượn được cái nón rách với cái áo đi làm đồng, ra rẫy cỏ ngoài bãi ngô mất nửa tiếng cho chúng không nghi ngờ, xong xuôi ngồi nghỉ ngơi, thế là quay được, anh hoàn thành nhiệm vụ”.

Sau cái ngày cải trang thành nông dân đó, bài của anh đã đánh bật mấy cái tàu hút cát lậu trên sông Kinh Thầy, buộc “thổ phỉ” phải đưa tàu lên bờ ngay lập tức. Thế mới thấy cái kịch bản mà phóng viên đưa ra trước khi tác nghiệp chẳng mấy khả quan cho lắm, tình thế trước mắt buộc phóng viên phải nhanh nhạy ứng phó nếu không muốn hỏng việc. Vỡ mộng!

Kỷ niệm

Mặc dù vỡ mộng rồi đấy, nhưng chính khó khăn lại tôi luyện bản thân những phóng viên trẻ như chúng tôi ngày một cứng rắn và gan lỳ hơn. Làm nghề này hẳn ai cũng phải nhiều kỷ niệm, có vui, có buồn và có cả hài hước.

Mới đây thôi, anh phóng viên chuyên mảng môi trường như tôi được “biệt phái” đi công tác bằng xe máy tới một vài điểm nghi là xả thải vượt quy chuẩn. Trên đường về, anh phát hiện một cột khói đen cao ngút, từ xa trông y như đốt rác thải nhựa. Chắc mẩm có vụ việc rồi, anh phóng ngay đến chỗ đám khói. Tới nơi, thấy đám khói xuất phát từ một khu vực có tường bao, anh loanh quanh tìm chỗ trèo vào nhưng lại chỉ tìm thấy một đoạn tường vỡ cỡ đầu người. Thôi không trèo được thì ta đành chui! Quyết định thò đầu qua dòm xem sao, vừa thò đầu vào, một cảnh tượng “kinh hoàng” khiến anh không biết nên cười hay nên mếu: người ta đang đốt vòng hoa.

Lại nữa, có dịp tôi được lên mạn Phú Bình, Thái Nguyên để tìm hiểu về việc “xẻ thịt” đất đồi trái phép. Theo người dân phản ánh thì hành vi ăn cắp tài nguyên sẽ diễn ra vào ban đêm, thông thường từ 23h đêm trở ra. Tôi và một phóng viên nữa lên tận quả đồi sâu nhất của thị xã Hương Sơn để chờ xe chở đất. Buổi sáng vừa đánh dấu vị trí đứng để ghi hình xong, thế mà tối quay lại chúng tôi đã bị mất phương hướng. Đồi nào cũng giống đồi nào, tối om om, không một ánh điện, tôi hơi rợn rợn khi nghĩ đến luồng gió thổi sau gáy, nửa đêm rồi! Hai phóng viên mon men lên xe đi tiếp, và thấy một xóm độ chục nhà dân, tôi chắc bụng là nếu có bị “đất tặc” phát hiện thì có chỗ trú rồi. Tìm được chỗ đứng hợp lý xong, tôi tắt máy xe, đèn pha vừa phụt tắt thì tự nhiên cả chục con chó từ đâu chạy ra, mắt xanh lè, cắn inh ỏi mấy quả đồi. Quay xe không kịp, cả chục con lao ra đuổi chúng tôi chạy thục mạng, phải chạy phần vì sợ, phần vì lo người dân thức giấc tưởng phóng viên là trộm thì… chết toi. Cả đêm đó chúng tôi không được ngủ, cứ lượn hết đồi này qua đồi khác.

Sau loạt bài ở Phú Bình, các ngành chức năng cũng đã vào cuộc xử lý quyết liệt thật sự. Người dân cứ gọi điện cho tôi suốt, bảo: “Dạo này im lắm rồi cô ạ, giờ yên tâm rồi!”.

Đó! niềm vui của người phóng viên trẻ như chúng tôi đơn giản như vậy.

Còn kỷ niệm mà nhóm phóng viên môi trường của cơ quan tôi không thể quên được, đấy là ngày mà cô phóng viên chuyên lĩnh vực môi trường y tế bị cơ sở sản xuất bông bẩn phát hiện.

Phát hiện đề tài, được giao đi tìm hiểu, chị phóng viên này phải nhập vai người đang thất nghiệp để xin một chân trong xưởng sản xuất bông y tế và thuốc sát trùng. Sau khi được làm việc tại xưởng, chị mới lân la hỏi chuyện công nhân về địa điểm tiêu thụ và hóa chất sản xuất, khi ít người để ý thì tranh thủ quay lại quy trình sản xuất bằng điện thoại. Không ngờ, chị PV chẳng may bị chủ cơ sở phát hiện, ông ta bèn đóng chặt cửa xưởng lại và giữ phóng viên bên trong để tra hỏi. Giời xui đất khiến thế nào mà điện thoại của chị lại sập nguồn ngay lúc đó khiến chủ cơ sở không kiểm tra được phần ghi âm, ghi hình.

Với bản lĩnh của một phóng viên, chị đã đấu tranh để thoát khỏi “hang ổ” của bông băng bẩn và làm được một loại bài thâm nhập rất hay. Đúng là “không vào hang cọp sao bắt được cọp”.

Phóng viên phải tự làm luật sư cho mình

Những mẩu chuyện của đồng nghiệp mà tôi vừa mới kể ra đây thực sự là những viên gạch kinh nghiệm xây lên ngôi nhà vững chãi cho những người làm báo. Càng đi nhiều thì càng tích lũy nhiều, càng va chạm nhiều thì càng trưởng thành nhanh, không ai có thể thu nạp kiến thức thay bạn cả.

“Tre già măng mọc”, “sóng sau xô sóng trước” – cuộc sống đang vận động, và nghề báo cũng đang vận động. Những phóng viên 9X trẻ, đầy nhiệt huyết và lòng đam mê đang cần nhiều yếu tố để có thể kế thừa và phát triển nền báo chí Việt Nam.

Trước nhất, phóng viên trẻ cần tri thức. Tại sao vậy? Vì tri thức tạo ra tư tưởng và cách làm việc. Đặc biệt đối với những phóng viên môi trường như chúng tôi, phải có một hệ quy chiếu rõ ràng, mạch lạc và vững chãi về pháp luật môi trường thì phóng viên mới có thể phân tích được hành vi nào là đúng và hành vi nào là sai. Phóng viên phải tự làm luật sư cho mình.

Thứ hai, phóng viên trẻ cần tinh thần cống hiến. Rõ ràng, khi bạn cống hiến thì nghề không phụ bạn. Nghề báo là nghề nghèo vật chất nhưng giàu trí tuệ. Người làm báo nghĩ mình đang chọn nghề, nhưng sai, nghề đang chọn lọc người, vậy nên mỗi phóng viên hãy cứ cống hiến cho nghề, làm đúng và làm đủ.

Thứ ba, phóng viên trẻ cần nghiêm khắc với bản thân. Tôi nghe đâu đó câu nói này: Trong khi những người khác đang ngủ, nếu bạn dậy sớm thì cả thế giới sẽ thuộc về bạn. Bạn hiểu câu này chứ? Nó nói về sự chăm chỉ, tự giác của con người. Vâng, vào nghề báo cần lắm sự chăm chỉ, thậm chí ở mức tuyệt đối. Nhất là báo điện tử về môi trường, nửa đêm xả thải, 3h sáng khai thác tài nguyên trộm hay giữa giờ nghỉ trưa sếp yêu cầu nhập tin bài cảnh báo thiên tai thì phóng viên đều phải có mặt hoàn thành nhiệm vụ gần như là lập tức.

Và cuối cùng, phóng viên trẻ cần có ý thức tập thể và tinh thần đồng đội. Sếp tôi thường nói rằng: “Không ai làm báo một mình cả”. Chúng ta cần những người đồng nghiệp, đồng đội, tòa soạn báo là một tập thể cũng là một gia đình, vì vậy mỗi phóng viên phải có tinh thần làm việc tập thể.

Lời kết

Nghề báo là thế, nguy hiểm, gian truân và vất vả, mọi trái đắng trên đường đời có lẽ phóng viên nào cũng sẽ phải nếm trải. Nhưng không phải chỉ có trái đắng, mà nghề sẽ cho ta nhiều quả ngọt, bởi làm báo là giúp ích cho đời. Hành trình đi tìm chân lý của hàng trăm, hàng nghìn phóng viên trên cả nước sẽ còn nối dài mãi mãi.

Ngòi bút của phóng viên môi trường đã, vẫn và mãi là vũ khí chiến đấu mạnh mẽ trong mặt trận bảo vệ môi trường nói riêng và mặt trận tư tưởng nói chung.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 – một ngày mà người làm báo nào cũng sẽ thấy bồi hồi, rạo rực – tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp và sâu sắc tới toàn thể đồng nghiệp trên cả nước. Chúc anh/chị bút sắc lòng trong, chân cứng đá mềm, vững tâm trên con đường sự nghiệp. 

Bạn đang đọc bài viết Ngày 21/6, nhớ ngày chập chững 'bén duyên'.... phóng viên môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...