Thứ tư, 24/04/2024 02:05 (GMT+7)

Nghi vấn shop Trandy kinh doanh hàng nhái: QLTT vào cuộc kiểm tra

Nhóm PV -  Thứ năm, 24/10/2019 09:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 24/10, trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 cho biết đã vào cuộc xác minh thông tin shop Trandy kinh doanh hàng nhái.

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đăng tải bài viết Đống Đa, Hà Nội: Nghi vấn shop Trandy bán hàng nhái thương hiệu lớn?. Bài viết phản ánh shop Trandy, 54 Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) bán những mặt hàng mang thương hiệu lớn trên thế giới như Burberry, Gucci, Chanel… với giá chỉ…300-500.000 đồng. Nhiều người cho rằng cửa hàng này đang bán hàng nhái các thương hiệu lớn.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với cơ quan chức năng. Sáng 21/10, ông Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 khẳng định: “Sau khi nhận được thông tin từ báo chí, Đội quản lý thị trường số 4 đã vào cuộc xác minh. Ngày 23/10, chúng tôi đã đến làm việc tuy nhiên chủ của cửa hàng này về quê, không có mặt tại shop”.

Shop Trandy bị nghi vấn kinh doanh hàng nhái. Ảnh: Internet.

Ông Hùng cho biết sau khi làm việc với chủ shop sẽ trả lời báo chí.

Trước đó, cũng trao đổi với PV qua điện thoại, ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) lại nói rằng: “Anh đang đi làm em nhé. Em về Cục mà hẹn, còn anh ở đây anh không dám hẹn ai cả. Anh không đủ thẩm quyền”.

Trước tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang trở nên phức tạp, người dân đang chờ câu trả lời của Đội quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Hà Nội về việc kinh doanh quần áo của Shop Trandy (54 Phạm Ngọc Thạch).

Thời gian qua, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam liên tục nhận được thông tin phản ánh về shop Trandy (số 54 Phạm Ngọc Thạch, Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) kinh doanh hàng nhái. Việc kinh doanh này đã diễn ra thời gian khá lâu tại đây nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.

Thậm chí, việc kinh doanh hàng hóa được cho hàng nhái các thương hiệu lớn công khai đến nỗi, nhân viên của shop này còn thường xuyên livetream trên trang page facebook có tên Trandy có hơn 400.000 người theo dõi.

Điều đáng chú ý ở đây không phải mẫu mã quần áo, mà đó chính là những chiếc tem mác trên mỗi sản phẩm đều của các hãng thời trang nổi tiếng như Burberry, Adidas, Gucci, Chanel… Đây là những thương hiệu thời gian lớn trên thế giới có giá bán tương đối đắt đỏ nhưng tại shop Trandy, khi được hỏi, nhân viên tại đây cho biết chỉ giao động từ 300 – 500 ngàn đồng. Thậm chí, có lúc chủ cửa hàng còn khuyến mại chỉ còn hơn 150.000 đồng một sản phẩm mang thương hiệu...Dior.

Sản phẩm của thương hiệu lớn trên thế giới như Dior được bán với giá 150.000 đồng. Nhiều người cho rằng đây là hàng nhái. Ảnh chụp từ fanpage của shop.

Theo quan sát của phóng viên, trên mỗi sản phẩm, cửa hàng này dán đè nhãn mác phụ mang tên Trandy lên trên mác chính và ghi số tiền.

Khi được nhân viên đưa ra một chiếc áo thương hiệu Burberry đã được cửa hàng đính thêm mác phụ (tên của shop) và ghi với giá 350.000 đồng, nhân viên cho biết thêm hiện tại chiếc áo đang giảm giá chỉ còn 280.000 đồng. Cạnh đó là chiếc áo phông hiệu Chanel có giá 200.000 đồng.

Trao đổi với PV, nhân viên cửa hàng cho biết: “Mỗi ngày nhà em livetream (phát trực tiếp trên Facebook – PV) khách đặt và đi đơn rất nhiều, cứ live xong khéo chị đến đây đã hết hàng rồi, vậy nên bình thường mọi người hay đặt trực tiếp qua live”.

Sau lời giới thiệu, nhân viên nhanh chân dẫn PV sang dãy treo áo với các hãng khác như Adidas, Gucci, Moschino... Những sản phẩm mang thương hiệu lớn này chỉ có giá vài trăm ngàn đồng.

Về sự việc này, Môi trường và Đô thị Việt Nam đang liên hệ với Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả ở những bài viết tiếp theo.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội rất phức tạp

Theo Ban Chỉ đạo 389, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng vi phạm SHTT được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn giả các thương hiệu và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Còn theo Cục Quản lý thị trường, tình hình kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa cả nước nói chung và tại địa bàn Hà Nội nói riêng có chiều hướng ngày càng phức tạp. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa vẫn được bày bán tại các cửa hàng, cửa hiệu và các chợ,... tập trung chủ yếu là nhóm các mặt hàng may mặc, giày dép, mũ nón, túi xách, kính đeo mắt, hàng điện tử,...

Bạn đang đọc bài viết Nghi vấn shop Trandy kinh doanh hàng nhái: QLTT vào cuộc kiểm tra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới