Thứ ba, 16/04/2024 23:49 (GMT+7)

Nghịch lý thi cử!

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ hai, 02/04/2018 15:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên dưới 10 năm trở lại đây, cùng với nhu cầu của bằng cấp và áp lực của việc làm, đã khiến việc học hành, thi cử trở thành vấn đề nóng, được toàn xã hội quan tâm sâu sắc.

Nóng”… ảo

Vì thế, cứ đến giáp hạt mùa thi thì không chỉ có sĩ tử, mà người người vào cuộc, nhà nhà cùng chung sức. Nhiều cơ quan báo đài tham gia tư vấn mùa thi, như Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ… Các nhà chuyên môn, các chuyên gia cũng tham gia tư vấn. Nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia tiếp sức mùa thi. Nhiều hộ gia đình sẵn sàng chia sẻ chỗ ở miễn phí cho thí sinh nhà xa, khó khăn. Chúng ta đã từng chứng kiến cảnh các bậc phụ huynh chầu chực ngồi chờ con dự thi trước cổng trường mặc cho trời mưa, trời nắng. Cũng có những phụ huynh dù nhà ở rất xa nhưng vẫn theo con suốt cả hành trình thi cử. Họ bỏ cả công ăn việc làm vì cái học của con em…


Có thể thấy, tất cả các biểu hiện trên đều chung một mục đích là hỗ trợ hết sức cho người học, tạo mọi thuận lợi cho thí sinh. Đó là một tín hiệu tích cực, đáng mừng cho ngành giáo dục nước nhà hiện nay. Thế nhưng, chỉ tiếc một điều là, sự nhiệt tình ấy của xã hội chưa được đền bù xứng đáng. Bởi vì nó không duy trì bền lâu với người học, mà ngọn lửa ấy cứ lụi tắt dần dần khi thí sinh vào học đường đại học. Nhiều sinh viên “rơi rụng” dần theo các năm học đại học. Và đến khi ra trường thì ít người giữ được nguyên vẹn nhiệt huyết ban đầu. Trong khi đó nạn thất nghiệp thì cứ tràn lan. Thế nhưng suy cho cùng, tất cả những sự chung sức của xã hội trên cho giáo dục đều hướng đến một mục đích là đào tạo một công dân cho tương lai. Quả thật, đây là nghịch lý rất đáng suy ngẫm - Nghịch lý của sự “nóng”… ảo!
Hơn nữa, từ sự quan tâm quá sâu ấy của xã hội đã tạo ra cho giáo dục một sức ép, làm nên một “sức nóng”, vừa mừng mà vừa lo. Mừng vì “sức nóng” ấy cho thấy vai trò, vị trí đặc biệt của giáo dục trong xã hội. Lo vì, sẽ dễ tạo ra cho người học những áp lực từ nhiều phía, như từ phụ huynh, giáo viên, từ nhà trường, xã hội. Nếu người trong cuộc đua này không biết cách điều tiết, không làm chủ bản thân, sẽ dễ ảnh hưởng tiêu cực, sẽ dễ có ứng xử thái quá. Rồi hệ lụy từ việc dạy học thêm tràn lan, mà một phần học sinh bị “ép học”; những lò luyện thi có cơ hội thu lợi. Người học vốn đã bị áp lực tinh thần, lại vừa thêm gánh nặng tài chính. “Sức nóng” ấy còn đè lên vai những người làm giáo dục, họ phải chịu cảnh “làm dâu trăm họ” từ dư luận. Bất cứ hoạt động gì, từ đề thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển..., nếu có gì trục trặc, bất ổn, thì họ là “đầu tằm” để “trăm dâu” đổ vào đấy! Nếu không điềm tĩnh, làm giáo dục theo kiểu nóng vội, “đẽo cày giữa đường” thì khó có được sự chắc chắn vững bền.

Chưa lấy “tảng đá” trên vai người học
Có nghịch lý không trong lúc nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau khi đã học xong nội dung chương trình THPT mà không cần kỳ thi THPT quốc gia nữa. Thì đằng này thí sinh dự thi năm nay phải gánh thêm gánh nặng vì nội dung đề thi có thêm kiến thức lớp 11?
Có nghịch lý không khi phương án tuyển sinh đang có xu hướng chuyển giao về cho các trường đại học tự chủ; rồi việc bỏ điểm sàn (chỉ giữ lại cho khối ngành sư phạm); việc các trường xét tuyển bằng học bạ, bằng các bài khảo sát năng lực riêng…, thì tính chất của kỳ thi THPT quốc gia còn tối ưu quan trọng?
Có nghịch lí không khi chủ trương hiện nay của ngành giáo dục là giảm tải kiến thức, giảm áp lực thi cử để tránh những hệ lụy không đáng có. Thế thì việc quá nặng nề về kiến thức có phải là cách làm “ngược”, có phải đang làm cho “tảng đá” trên vai người học đã không được trút bỏ, mà ngược lại ngày càng nặng nề hơn?
Đến năm sau, đề thi lại gồm thêm cả chương trình lớp 10. Thế thì ai dám chắc là học sinh chúng ta không thể không lo xa bằng cách phải vùi đầu vào sách vở, nghẹt thở trong việc học thi, và li bì trong các trung tâm ôn luyện?
Chủ trương hiện nay là học trò phải có những mùa hè trọn vẹn, hạn chế tối đa tệ nạn dạy và học thêm tràn lan, giảm tăng tiết ở nhà trường phổ thông. Thế thì với áp lực của việc học như hiện nay, liệu các chủ trương trên chỉ là lý thuyết?

Bạn đang đọc bài viết Nghịch lý thi cử!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.