Thứ sáu, 29/03/2024 13:59 (GMT+7)

Ngộp thở vì bụi, mùi sơn của “phố gỗ” Đê La Thành

Thảo Phương -  Thứ hai, 15/10/2018 14:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều xưởng mộc mọc lên ngang nhiên xả bụi, mùn cưa và phun sơn đồ gỗ gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp triệt để

Thời gian qua, vấn đề ô nhiễm môi trường ở thủ đô đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Tình trạng khói bụi, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội đã ở mức báo động.

Trên địa bàn Hà Nội, một trong những tuyến phố có lưu lượng, mật độ phương tiện giao thông cao nhất thủ đô là đường Đê La Thành. Không chỉ giờ cao điểm, nhiều thời điểm khác trong ngày, đường Đê La Thành thường xuyên xảy ra ùn tắc. Nhiều người dân sinh sống dọc hai bên đường thường xuyên phải sống chung với tình trạng ô nhiễm không khí do khói bụi từ các loại phương tiện ô tô, xe máy, xe chở vật liệu xây dựng, sắt thép… di chuyển qua.

Tình trạng khói bụi từ các xưởng mộc diễn thường xuyên. 

Không chỉ khói bụi từ các phương tiện lưu thông trên đường, khu vực đoạn từ Hào Nam đến Đại học Văn hóa, đoạn gần ngã tư Giảng Võ – Láng Hạ, đoạn từ dốc Thành Công đến ngã tư Nguyễn Chí Thành hay đoạn gần ngã tư Voi Phục – Cầu Giấy, nhiều xưởng mộc mọc lên công nhiên xả bụi. Mùn cưa và phun sơn đồ gỗ, sắt thép gây ô nhiễm môi trường. Đáng nói, tình hình này diễn ra trong nhiều năm qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này.

Anh Nguyễn Văn Duy, một người dân sinh sống trên đường Đê La Thành bức xúc: “Bụi bay mù mịt khi các máy cắt, máy bào hoạt động ở các xưởng mộc. Rồi họ phun sơn, mùi sơn nồng nặc khiến ai đi qua đây cũng phải che miệng, dụi mắt. Đáng ngại là người già, trẻ nhỏ thường xuyên hít phải bụi từ mùn cưa, mùi sơn độc hại. Chúng tôi nhiều lần khiếu nại tới cơ quan chức năng nhưng đâu vẫn hoàn đấy”.

Tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng khi nhiều xưởng mộc, cơ sở gia công sắt thép vẫn mọc lên tự phát, dù không được cơ quan chức năng cấp phép. Trong khi nhiều xưởng mộc đã ý thức được tình trạng ô nhiễm không khí do mình gây ra và có những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, dù là thô sơ, như sử dụng quạt thông gió, hút bụi vào bao tải qua ống dẫn, phun sương hay căng bạt… nhiều xưởng mộc vẫn tự ý xả bụi, phun sơn, xả thải ra đường. Thậm chí, xưởng sản xuất không đảm bảo an toàn lao động cho người lao động, nguy cơ cháy, nổ đối với những mặt hàng này là rất cao trong khi biện pháp phòng cháy chữa cháy lại khá thô sơ và ý thức kém của chủ xưởng sản xuất.

Các xưởng gỗ mọc lên san sát xen kẽ khu dân cư.

Cách một đoạn người ta sẽ nhìn thấy ven đường là đống gỗ thừa không sử dụng được các chủ xưởng mang ra đây tập kết gây mất cảnh quan đô thị. Tình trạng hàng chục xưởng gỗ lớn nhỏ mọc lên, xen kẽ với nhà dân gây tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Cùng với đó là các vật liệu rất dễ gây cháy, và khi cháy có thể lan rộng, nhất là khi mật độ dân cư dọc tuyến đường vành đai 1 của Thủ đô cũng rất đông đúc.

Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ các cơ sở sản xuất phải có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động…

Riêng đối với cơ sở sản xuất có chất dễ cháy, dễ gây nổ; phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người; gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước, gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép…thì không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư. Đối với các xưởng mộc phải cách xa khu dân cư 100m tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất...

Bạn đang đọc bài viết Ngộp thở vì bụi, mùi sơn của “phố gỗ” Đê La Thành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới