Thứ tư, 17/04/2024 04:22 (GMT+7)

Người miền lụt

Nhung San -  Thứ bảy, 27/06/2020 09:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày đó, dù còn rất bé, mình cũng biết, bão về quê mình thường là bão số 9, số 10; Mưa bão và lụt thường là tháng 8, tháng 9, và hầu hết là “thảm họa kép” mang tên bão - lũ.

Quê ngoại mình ở xã Tùng Ảnh, một xã đầu nguồn của dòng sông La. Vì điều kiện công tác của bố mẹ, mình không sinh ra ở đây, nhưng từ lúc 5 tuổi, đến hết cả thời tuổi thơ, mình lớn lên với dòng sông La, với nhiều cung bậc, từ hiền hòa xanh mát, đến cuồn cuộn dữ dằn mùa lũ.

Mẹ mình là con cháu dòng họ Trần Bãi Soi - một cái cồn nhỏ nổi lên giữa dòng La, ngay gần đầu nguồn, sau khi con sông Ngàn Sâu hợp với con sông Ngàn Phố thành dòng La xanh mát. Bãi Soi có tên chữ là Ngưu Chử (牛渚), nghĩa là “vũng trâu đằm”.

Wikipedia tiếng Việt viết: Sông La là một phụ lưu của sông Lam, dài 12,5 km chảy qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sông La là hợp lưu của hai sông Ngàn Phố (từ Hương Sơn đồ về) và sông Ngàn Sâu (từ Hương Khê và Vũ Quang) tại bến Tam Soa (Linh Cảm, Đức Thọ). Đến lượt nó lại hợp lưu với sông Cả (từ Nghệ An chảy sang) tạo thành dòng sông Lam nằm giữa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sông La là một dòng sông rất đẹp, có phong cảnh nên thơ và là nguồn cảm ứng sáng tạo cho nhiều nhạc sĩ.

Sông Ngàn Phố có chiều dài khoảng 71-72 km, diện tích lưu vực 1.060 km², độ cao trung bình 331 m, độ dốc trung bình 25,2%, mật độ sông suối 0,91 km/km², tổng lượng nước 1,40 km³ tương ứng với lưu lượng trung bình 45,6 m³/s. Sông Ngàn Sâu có chiều dài khoảng 131 km, diện tích lưu vực 3.214 km2, độ cao trung bình 360 m, độ dốc trung bình 28,2%, mật độ sông suối 0,87 km/km2. Tổng lượng nước trung bình 6,15 km3 tương ứng với lưu lượng trung bình năm 195 m3/s, lượng dòng chảy mùa lũ chiếm khoảng 56 - 57% lượng dòng chảy năm.

Với đặc tính đó, Ngàn Sâu và Ngàn Phố, vào mùa mưa tháng 9, tháng 10 hàng năm, chính là hai cái túi nước đổ ầm ầm vào dòng sông La, tạo nên những “Mùa - Lũ bất hủ” của dòng sông La - huyện Đức Thọ nói riêng, cũng như của tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Để mà, cái lũ lụt, cũng như cái gió Lào và đất đai khô cằn, đã tạo nên một đặc trưng và minh chứng cho nguyên nhân sự nghèo đói của người Hà Tĩnh - trong con mắt bạn bè cả nước.

Sông La chảy trọn trong huyện Đức Thọ trước khi nhập về dòng Lam, và huyện Đức Thọ ôm trọn sông La trong lòng. Cả huyện Đức Thọ có 27 xã (tính đến thời điểm giữa năm 2019) thì có những xã sau nằm ở ngoài đê, trực tiếp chịu sự ảnh hưởng của lũ dòng La: xã Trường Sơn, Đức Tân, Liên Minh, Đức Châu, Đức Tùng, Đức La, Đức Quang, Đức Vịnh và một thôn ngoài đê của xã Tùng Ảnh - là Bãi Soi (hay là thôn Hà Châu) như mình nói ở trên. 

Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú nhìn từ trên cao

 18 tuổi, mình rời quê ra Hà Nội học, và sau đó là ở lại lập nghiệp cho đến tận bây giờ. Với cái “kiến văn” của cô bé thiếu niên thời đó, mình không được biết và không được chứng kiến người dân vùng lũ của 8 xã ngoài đê Đức Thọ trải qua những ngày lũ như thế nào. Nhưng, với tư cách là một người con của Bãi Soi Tùng Ảnh, mình đã trải qua hàng chục năm mùa lũ bão với những ấn tượng không bao giờ phai.

Ngày đó, dù còn rất bé, mình cũng biết, bão về quê mình thường là bão số 9, số 10; Mưa bão và lụt thường là tháng 8, tháng 9, và hầu hết là “thảm họa kép” mang tên bão - lũ.

Đầu tiên là bão! Gió rất to kèm theo mưa lớn. Thường là bão giật cấp 9, cấp 10, và nhiều khi giật cấp 12. Bé không hề biết giật cấp 12 thì tốc độ gió đi bao nhiêu, chỉ biết rằng đó là gió rất to, rất nguy hiểm. Rồi sau đó là lũ, lụt. Nước ầm ập chảy từ đầu nguồn về sông La, đục ngầu, chảy xiết.

Nhà mình ngày đó rất nhỏ, một gian hai chái đơn sơ, hai đầu hồi trống, gió tạt mưa vào ướt cả nhà là chuyện thường. Có năm, đang đêm khuya, sau khi bão quật đợt một, chạy ra vườn thấy cây ổi đổ rạp về đằng Tây. Một lúc sau bão quật đợt hai, ngồi trong nhà chờ gió lặng, lại chạy ra vườn, thấy cây ổi lại bị quật đổ rạp về đằng Đông. Đúng là quay ngoắt 180 độ luôn!

Nhà mình ở thôn Châu Trinh, là thôn trong đê, tuy có bị ảnh hưởng từ mưa bão, nhưng không bị ngập lụt từ nước sông La. Nhưng, nhà bà ngoại và các bác ruột của mình thì ở Bãi Soi, lại là dân lụt chính hiệu. Mà mình thì, lại thường xuyên sống ở nhà bà và bác, nên mình cũng chính là “Học trò miền lũ”!

Ảnh minh họa

Bãi Soi là một xóm nhỏ, nằm chính giữa đầu nguồn dòng La xanh ngăn ngắt, với chỉ mấy chục hộ dân và mấy chục nóc nhà. Người trong xóm sống bằng nghề nông nghiệp: cấy lúa theo ruộng ở “bên làng” và trồng màu, chăn nuôi theo nương, bãi ở “bên Soi”. Mọi sinh hoạt của người “bên Soi” đều theo “bên làng”: Chính quyền xã, trường học, chợ búa, bách hóa… Nghĩa là “bên Soi” không có gì cả, tất cả mọi thứ từ học hành, mua bán, trao đổi… đều phải sang “bên làng” mới có. Trong trí nhớ của mình, bên Soi có một nhà trẻ cho các cháu thiếu nhi, ngoài ra, không hề có một hàng quán hay trụ sở nào. Bên Soi cũng là nơi có điện sau cùng của toàn xã Tùng Ảnh. Và, mình nghĩ, để bắt được đường dây điện “vượt sông La” là cả một nỗ lực của xã Tùng Ảnh và ngành điện lực huyện Đức Thọ ngày đó.

Bọn trẻ con Bãi Soi, từ lúc đi học tiểu học cho đến khi tốt nghiệp THPT (3 cấp học với 12 năm) đều hàng ngày phải vượt sông từ bên Soi sang bên làng để học. Người trong xóm bãi mỗi nhà có hai con đò: Đò bé đi ngày thường, đò to đi ngày lụt. Ngày xưa, lũ trẻ con đi học về, đứng trên đê gọi váng cả mặt sông. Cộng hưởng hay sao ấy, mà dù ở trong nhà, ngoài bãi sau, bọ mẹ đều nghe hết, để ra bến sông chống đò cho con về.

Mình dân vùng lũ chính hiệu, từ bé chẳng sợ nước. Ngày gió to, ngày lụt ngập... cũng chẳng sợ, cứ ngồi lên đò mà qua sông về nhà ngoại! Dân bãi Soi cực thạo về lụt. Qua Tết, trong mưa xuân nhìn ngọn cỏ là biết năm nay lụt to cỡ nào (tài thật). Người bãi Soi không nói "nước dâng cấp mấy" như “nhà đài” bây giờ, mà chỉ nói nước lên đến "bậc thềm", "xà nhà"... để tính độ “to” của lụt. Sống với lũ bao đời, người bãi Soi cực chủ động với lụt. Suốt bao năm, mình chưa từng thấy một "sự cố" nào về lụt của người bãi Soi: Không bị đói, không bị rét, không bị sập nhà, lửa vẫn đỏ đều hàng bữa, lợn gà trâu bò vẫn đủ rơm khô, trẻ con vẫn sang làng đi học đều hàng ngày... Nước dâng cao mặt đê và chảy xiết cũng chẳng sợ, cứ lên đò và chèo về thôi. Chỉ cần bằng linh cảm đặc biệt của người dân vùng lũ, những đứa trẻ chỉ lên 10, hoặc hơn một chút, đều vẫn có thể điều khiển con thuyền giữa dòng nước đục ngầu, mênh mang, chảy xiết để đi từ bên này đê về bên kia sông. Không biết tính toán vận tốc nước, nhưng biết dự liệu kéo kéo thuyền lên cao, chếch so với điểm cần đến bên kia bờ bao nhiêu mét đê, để khi sang bên kia, là thuyền dừng đúng điểm, không chệch một nhịp nào! Thật là ngưỡng mộ và thật là gan góc!

Nước lụt về dâng rất cao, đục ngầu, có năm mép nước chỉ cách mặt đê La Giang có khoảng 1m, rất kinh khủng! Ngày lụt có nhiều "hoạt động" rất vui: Đi bắt dế khi nước mới lên ngập bãi phi lao (quê mình gọi là xi lau) và "vêếch rều" khi nước dâng cao hơn là hai hoạt động cưc kỳ sôi nổi của người bãi Soi mùa lụt. Rều vêếch rồi có khi đun đủ cả năm, không lo cái củi. Mùa lụt còn đem lại cho người bãi Soi nguồn lợi trực tiếp là củi rều, và nguồn lợi gián tiếp là phù sa!

Ngoài việc đi bắt dế, vêếch rều (củi mục, cành khô dạt về), ngồi chạn, chèo thuyền đi giữa lùm cây và đi giữ dòng nước xiết (việc này mấy anh chị họ nhà mình, ngày đó dù còn bé, cũng làm siêu đẳng luôn), còn có một "nội dung” vô cùng thú vị mà không phải năm nào cũng có "diễm phúc": Đi xem máy bay trực thăng! Bây giờ mới hiểu, máy bay trực thăng chính là để chở mấy “bác” Trung ương về chỉ đạo và thị sát tình hình, chớ ngày đó chỉ thấy máy bay về là vui, cả làng đi xem! 

Nhớ hồi năm 1978, năm có trận lụt lịch sử, chuẩn bị vào học lớp 1, mình với một cô bạn học chạy bộ từ Khu tập thể Bệnh viện huyện lên tận Linh Cảm, với quãng đường khoảng 1km, để xem máy bay. 1 km với những đứa bé chỉ mới 6 tuổi đúng là cả vấn đề, thế mà chúng mình, vì háo hức, vì lạ lẫm, vẫn liều mạng chạy đi xem. Nhớ khoảng năm mình học lớp 8 (khoảng 1985), máy bay đỗ ở sân vận động trước Trường THPT Minh Khai (chợ Hạ xưa), cả làng ra xem, trong đó có cả mẹ mình. Lần đó được nhìn máy bay sát sàn sạt, khoái lắm! Đến lúc máy bay cất cánh, gió xoáy thế nào, mà bao nhiêu bà con nhân dân bị "nó" hút hết vào trong, ai cũng chao đảo, dúi dụi! Lũ lụt, đối với người dân làng mình, đôi khi hóa ra lại có chút niềm vui!

Nhà vùng lụt phải làm nhà cột. Để, nếu tường đổ nhà vẫn không đổ. Tốt hơn hết xung quanh vườn trồng nhiều cây, chặn dòng xoáy, dòng chảy của nước, làm cho cả túi nước trong làng vẫn luôn tĩnh lặng, lúc nào cũng đảm bảo an toàn cho ngôi nhà. Vậy nên mà nhà bác ruột mình đang ở bây giờ, lịch sử được dựng từ thời ông ngoại, dựng khoảng trước năm 1950, mà lịch sử chưa bao giờ hề hấn gì qua bao mùa lũ lụt! Nhà vùng lụt cũng phải chắc chắn phải có “chạn” và có cửa tò vò. Chạn là cái gác, được lát bằng những tấm gỗ phẳng, ngang với hạ nhà, trên đó để đủ thứ đồ cất trữ của nhà nông và đồ dùng cho ngày lụt. Cửa tò vò là một cái cửa nhỏ, được trổ ở đầu hồi nhà, cao hơn chạn, dùng để làm chỗ ra - vô từ chạn nhà ra con thuyền đi lụt được buộc chắc chắn ở bên ngoài. Chính vì có chạn và có cửa tò vò này, nên ti vi hiện nay sẽ không bao giờ chụp được cảnh người dân Bãi Soi tốc mái ngói, ngoi đầu ra ngoài vẫy tay chờ cứu hộ. Vì, người dân Bãi Soi đã có kỹ năng “sống chung với lũ” tự ngàn đời nay rồi.

Để chủ động với lũ, sống vui khỏe trong những ngày lũ, mình nhớ bác ruột mình và những người dân Bãi Soi đã thực hiện như thế này:

Đầu tiên, nhà nhà đều tôn cao một cái ụ đất ở trong vườn. Ụ đất này là để cho lợn, gà trú trên đó khi nước lên không quá cao. Mùa tháng 7 tháng 8, khi đã thu hoạch xong toàn bộ lúa, màu, các bác đi mua rất nhiều vác nứa. Nứa là để làm bè để cho lợn, gà ở trên đó khi nước lên cao ngập ụ đất. Nhà nhà đều gia cố chạn nhà, dặm lại các bụi cây (đặc biệt là bụi tre) xung quanh vườn. Trước mùa tháng 9, tất cả hoa màu trên bãi Soi đều đã thu hoạch xong, và sẽ không trồng cấy thêm bất kỳ loại cây nào nữa. Khi bão về mưa xuống, tất cả nông sản, đồ dùng đã được chủ động dời lên chạn.

Những ngày mưa lũ, người dân Bãi Soi vẫn có thể đỏ bếp nấu cơm như thường. Nhưng, để đề phòng trường hợp không thể nấu mà không bị đói, người dân Bãi Soi lúc nào cũng có khoai khô và khoai gieo trong chum trên chạn. Hai món khoai này đảm bảo cho mọi người có thể bốc ăn ngay, không cần nấu, mà vẫn đủ cung cấp dinh dưỡng như thường. Cũng vì vậy, người dân Bãi Soi chưa bao giờ phải nhịn đói vào ngày lũ, không cần chờ vào sự cứu trợ, như người dân ở một số nơi “thụ động lũ” như báo đài vẫn đưa tin mà chúng ta thấy trong những năm qua.

***

Trừ phi mấy ngày mưa lũ, còn thì, nước dòng La xanh ngát, ngọt lừ! Con gái gội đầu dòng La tóc xanh mươn mướt. Vậy nên con gái Đức Thọ cực xinh, tóc dài da trắng! (Không tin cứ về Đức Thọ mà xem).

Bạn đang đọc bài viết Người miền lụt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.