Thứ sáu, 29/03/2024 21:11 (GMT+7)

Người nghèo Ấn Độ 'thoi thóp' trong lệnh phong tỏa

MTĐT -  Thứ ba, 21/04/2020 15:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mina Jakhawadiya - người bán hàng rong ở Mumbai, biết nCoV đã xuất hiện ở một nơi nào đó có vẻ rất xa. Nhưng lệnh phong tỏa toàn Ấn Độ cho thấy chuyện không phải vậy.

Ngày 24/3, Jakhawadiya cùng 4 thành viên trong gia đình ngồi trước chiếc TV cũ nghe bài phát biểu của Thủ tướng Narendra Modi. Ngôi nhà là chỗ ở của từng ấy người nhưng chỉ có một phòng, không có nhà vệ sinh và cũng không có nước máy. Nó lọt thỏm trong một khu ổ chuột ở Mumbai do một băng đảng kiểm soát.

Ramesh Jakhawadiya, đứng giữa, cùng các thành viên gia đình, con trai Ritik Ramesh, hai con gái Vaijayanti Ramesh, Guddi Ramesh và chồng cô Ramesh Kars bên ngoài căn nhà của họ trại khu ổ chuột ở Mumbai ngày 3/4. Ảnh: AP

"Mọi tiểu bang, mọi quận, mọi ngõ, mọi làng sẽ bị phong tỏa chặt trong ba tuần. Nếu các bạn không thể vượt qua 21 ngày này, đất nước và gia đình các bạn sẽ quay trở lại 21 năm trước", ông Modi thông báo.

Dù các nước trên thế giới cũng có nhiều cách thức mạnh để làm chậm sự lây lan của nCoV, Ấn Độ thực hiện một trong biện pháp xã hội hà khắc nhất trong lịch sử loài người, phong tỏa chặt toàn bộ 1,3 tỷ dân - bao gồm khoảng 176 triệu người đang chật vật sống với thu nhập dưới 2 USD mỗi ngày.

Những người giàu có nghỉ ngơi trong các khu chung cư sang trọng, xem các bộ phim Bollywood trên Netflix và đặt giao đồ ăn trực tuyến. Cảnh đó giống như viễn tưởng với Jakhawadiya, người kiếm sống bằng bán đồ nhựa giá rẻ với chồng trên đường phố Mumbai.

Đối với cô, lệnh phong tỏa này có nghĩa là trong 21 ngày, 5 người họ sẽ chỉ được ở trong căn phòng rộng chưa đến 5 mét vuông, không có việc làm, lương thực chỉ còn đủ vài ngày và khoảng 13 USD tiền mặt.

"Tôi rất sợ", Jakhawadiya vừa nói vừa nhìn vào ông Modi đang phát biểu trên chiếc tivi nhỏ chằng chịt những hình dán của bọn trẻ.

16 ngày qua đi, mọi thứ trở nên căng thẳng trong ngôi nhà của Jakhawadiya. Nhiều ngày phải ở trong một không gian nhỏ. Chẳng biết làm gì. Họ xem tivi. Truyền hình nhà nước đang phát sóng lại The Ramayana, một bộ phim dài 78 tập mang tính biểu tượng dựa trên sử thi Ấn Độ rất nổi tiếng vào những năm 1980 - nhưng chỉ là cách để giết thời gian.

Những tên côn đồ điều hành khu ổ chuột đã đến vài lần để đòi tiền thuê 65 USD mỗi tháng. Hạn nộp là ngày 1/4, nhưng gia đình không có tiền. Mina Jakhawadiya lo lắng. Gia đình cô bị đói. Các nhóm cứu trợ phân phát lương thực vài ngày một lần nhưng không đủ.

Cô từ chối xem tin tức. "Chẳng có tin gì tốt. Tất cả những gì họ nói trên truyền hình là những người sắp chết".

Nhiều người hiểu lý do của lệnh phong tỏa. Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, một quốc gia nơi hàng triệu người không thể thực hiện cách biệt xã hội. Sau đó là hệ thống y tế của họ. Ngoại trừ dịch vụ y tế tư nhân mà những người có đủ khả năng chi trả sử dụng, hệ thống y tế công cộng ở nhiều vùng của đất nước đều rất đáng lo. Bệnh viện công, đặc biệt là ở các vùng ngoại ô, thường có nguồn cung thiết bị y tế hạn chế, điều kiện vệ sinh và trình độ của bác sĩ được cho là không cao.

Nếu hệ thống bệnh viện của Ấn Độ tràn ngập các ca nCoV, nó có thể sụp đổ sau vài ngày. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng ông Modi phải hành động như vậy để có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, những điều đó có ý nghĩa rất ít đối với người Ấn Độ ở dưới cùng của nấc thang kinh tế. Đối với những người này – giống như Jakhawadiya ở Mumbai - ba tuần này dài đằng đẵng.

Gia đình Rajesh Dhaikar đang ăn tối hôm 5/4. Ảnh: AP

"Nếu họ ngừng phong tỏa chỉ vài ngày tôi có thể vào thành phố và kiếm ít tiền. Một hoặc hai ngày phong tỏa thì được, nhưng 21 ngày thì quá lâu", Paresh Talukdar, một người ăn xin để nuôi gia đình 5 người ở bang Assam, Đông Bắc Ấn Độ, nói. Gia đình ông đã gần như chẳng còn gì để ăn.

Talukdar, người đàn ông 6 tuổi bị mất chân trái và bàn tay hơn 30 năm trước. Bình thường, ông đi xe buýt đến thành phố gần nhất, nơi có nhiều người để xin ăn. Ông kiếm được khoảng 2,5 USD mỗi ngày.

Nhưng bây giờ không có xe buýt, và cũng không còn ai ra đường. Cơn đói réo rắt, lo lắng không còn gì để ăn khiến ông khó ngủ. "Những suy nghĩ luôn xuất hiện trong đầu tôi, như: Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai?", ông nói.

Năm ngày sau lệnh phong tỏa, tại một thành phố ở vùng đồng bằng phía Bắc Ấn Độ, Ramshri Vermam, một người giúp việc tự hỏi cô nên làm gì.

Verma sống trong một khu ổ chuột bên rìa Lucknow, một thành phố ồn ào, náo nhiệt với gần 4 triệu dân. Sáng 24/3, sau bài phát biểu của ông Modi, cô vẫn đến nơi đã làm việc trong hai năm qua.

"Tôi không biết 'phong tỏa’ là gì", cô nói. Cô gõ cửa. Chủ nhà không mở cửa, chỉ nói vọng ra bảo cô quay lại sau 21 ngày. Họ cũng nói cô sẽ không được trả tiền cho những ngày đó.

Verma đi bộ về nhà, dừng lại ở một vài cửa hàng nhỏ. Cô mua gạo, dầu ăn, gia vị và đậu lăng, những mặt hàng chủ lực đối với nhiều người Ấn Độ. Giờ cô chỉ còn khoảng 300 rupee (4 USD) cho cả nhà chi tiêu từng đấy ngày.

Rồi cả gia đình chờ đợi. Họ không có tivi, vì vậy những đứa trẻ tranh nhau xem chiếc điện thoại duy nhất của họ.

Đến ngày 29/3, gia đình Verma hết lương thực và chỉ còn một nơi để trở về. Đó là ngôi làng cô và chồng cùng lớn lên. Sáng hôm đó, vì xe buýt và tàu ngừng hoạt động, họ hòa vào đoàn người đổ ra khỏi thành phố. Họ đi bộ, đôi khi hàng trăm dặm, về quê.

"Có hàng ngàn người đang đi bộ. Trên đường đi, tôi gặp những người khác đến từ làng tôi và chúng tôi bắt đầu đi bộ cùng nhau. Bọn trẻ mệt mỏi. Chúng đau chân. Chúng khóc", cô nói.

Đêm muộn ngày 3/3, họ đã về tới Sanjrabad và nghĩ sắp được ăn tối. Nhưng trưởng làng ngăn họ lại. "Các bạn có thể bị nhiễm virus", ông nói và yêu cầu mọi người cách ly trong trường làng. Vài phút sau, tất cả bị nhốt bên trong.

Trong ba ngày, Ramshri Verma và những người khác vẫn bị nhốt trong trường làng. Cuối cùng, một nhóm các bác sĩ được cảnh sát hộ tống đã mở cửa trường. Các bác sĩ đứng lại, nói chuyện với cả nhóm từ xa.

"Các bác sĩ không kiểm tra nhiệt độ của bất kỳ ai và cũng không làm xét nghiệm. Họ chỉ nói chúng tôi nên rửa tay và sau đó cho về nhà", Verma kể lại.

Cả gia đình tới nhà bố chồng Verma. Lúc đầu, cô thấy như được thoát khỏi tù, nhưng nhanh chóng nhận ra mọi thứ vẫn rất khó khăn. Vì không có đăng kí hộ khẩu trong làng, họ không đủ điều kiện để được cấp suất ăn mà các quan chức địa phương thỉnh thoảng phân phát cho người nghèo. Họ đang sống nhờ sự giúp đỡ của gia đình về bột mì và gạo, và một vài đồng chồng cô kiếm được khi làm công việc tạm thời.

Những người hàng xóm tránh họ, đặc biệt là khi họ đến vòi nước công cộng, vì sợ nhiễm nCoV. 

Rajesh Dhaikar, một người bán bóng, cho biết khu phố của anh chưa bao giờ yên tĩnh đến vậy. Anh có một quầy hàng nhỏ bán bóng ở một khu chợ gần đó và hiếm khi kiếm được nhiều hơn 2,50 USD mỗi ngày. Vợ anh, Suneeta, kiếm khoảng 20 USD mỗi tháng với công việc lau dọn.

Căn nhà của họ có hai phòng, mái tranh được phủ thêm một tấm bạt màu xanh. Họ có một tài khoản ngân hàng với số dư 6,5 USD.

Gần một nửa thu nhập của gia đình đến từ cậu con trai 17 tuổi Deepak. Cậu bé gầy gò, tóc xù được chải cẩn thận và mang dáng vẻ buồn chán. Deepak bỏ học sau năm lớp 7, hiện kiếm được khoảng 40 USD mỗi tháng khi làm việc trong một quán trà ở khu phố. Cậu mong một ngày nào đó sẽ có quán trà của riêng mình.

Paresh Talukdar, bên phải, người bị mất chân và một bàn tay, đang ngồi trong túp lều của mình khi vợ đang nhặt gạo, ở làng Jayantipur, bang Assam phía Đông Ấn Độ, hôm 3/4. Ảnh: AP

Mohammed Arif, người đàn ông 30 tuổi gầy gò, bộ râu được cắt tỉa cẩn thận, đang làm bảo vệ tại một tòa nhà chung cư ở Mumbai thì nhận được một cuộc gọi. Cha của anh, 60 tuổi, bị xuất huyết não, và đang nguy kịch tại một bệnh viện ở Rajouri, thị trấn nhỏ dưới chân dãy Himalaya ở Kashmir.

Không có xe buýt và tàu. Các chuyến bay bị hủy, dù không thế thì anh cũng chẳng tiền mua vé.  Arif đã mua một chiếc xe đạp Hero Ranger từ một đồng nghiệp với giá khoảng 8 USD và sáng hôm sau đạp xe về nhà với số tiền tương đương 12 USD trong túi và một chiếc ba lô nhỏ có quần áo, một ổ bánh mì và chai nước.

Quãng đường anh sẽ phải đi là 2.100 km.

"Tôi có sự lựa chọn nào khác chứ? Cha chẳng còn ai ngoài tôi", Arif cho biết qua điện thoại vào cuối ngày đầu tiên, khi anh vẫn còn hơn 2.000 km mới về đến nhà.

"Những người nghèo khổ luôn phải chịu đựng và phải đối mặt với khổ nạn. Không có lối thoát. Nhưng ít nhất tôi luôn là người có lương tâm", anh nói.

Trên quãng đường đi, Arif tình cờ gặp được nhiều người giúp đỡ. Một chủ cửa hàng sửa chữa xe đã mời anh ăn gà và cơm. Vài ngày sau, một tài xế xe tải chia sẻ bữa trưa của mình cho Arif.

Anh nhiều khi phải ngủ gần trạm xăng, hoặc các nhà hàng ven đường. Nhiều lúc, anh dừng lại chỉ đơn giản là vì không thể đi nổi nữa. Vài ngày sau, Arif gặp may. Sau khi đạp được 450 km, cảnh sát bán quân sự của Ấn Độ đã sắp xếp xe tải để đưa anh đến bệnh viện nơi cha anh đang điều trị.

Ba tuần đã trôi qua kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu và nCoV vẫn lây lan theo cấp số nhân ở Ấn Độ, từ 536 ca lên đến 11.487 ca. Số người tử vong đã nhảy từ 10 đến 339. Cả hai con số này được cho là tiếp tục tăng. 

"Các bạn đã chịu đựng nỗi thống khổ để cứu đất nước", ông Modi phát biểu. Sau đó, ông tuyên bố lệnh phong tỏa tiếp tục hai tuần nữa, chỉ một số lĩnh vực có thể được mở lại vào ngày 20/4.

Mina Jakhawadiya và gia đình cô sững sờ. Hôm đó, người thu tiền thuê đã hét vào mặt cô và yêu cầu thanh toán. Họ vẫn chưa nhận được thực phẩm của chính phủ.

"Chúng tôi sẽ chết nếu mọi người ngừng cho chúng tôi thức ăn", cô nói.

Ánh Dương (Theo AP)

Bạn đang đọc bài viết Người nghèo Ấn Độ 'thoi thóp' trong lệnh phong tỏa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới