Thứ sáu, 29/03/2024 22:38 (GMT+7)

Nhọc nhằn nghề ‘ăn mót’ trên vịnh Cam Ranh

MTĐT -  Thứ ba, 26/09/2017 10:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bì bõm trên bãi biển, đen xạm với nắng trời, vội vã theo con nước để đánh đổi từng bữa cơm thường nhật là cuộc sống của những người đi xăm sò, gỡ hào trên vịnh Cam Ranh – Khánh Hòa.

"Cơm” bám trên đá, nằm sâu dưới nước

Mười hai giờ trưa, nắng rọi thẳng đỉnh đầu, cái nắng khét người của vùng nhiệt đới dễ làm người ta say sẩm khi phải làm việc giữa thời tiết này. Trước mặt chúng tôi là bãi biển khi sáng còn xanh thẳm lăn tăn gợn sóng, giờ đã cạn khô lộ bãi sình đen xì, loang lổ những vũng trũng còn động nước, từ bờ tính ra hẳn phải hơn một cây số. Trên bãi biển lúc này đã có hàng chục người lui cui bới móc một góc biển.

Để có thể kiếm hơn một trăm nghìn, người xăm sò phải lội dưới nước và phơi nắng nhiều giờ đồng hồ. Ảnh: Khải An

Theo người dân vùng vịnh, mỗi tháng có hai đợt nước cạn trơ đáy, mỗi đợt kéo dài khoảng 10 ngày, đây là thời điểm vàng để “mót”, mò từng con sò và gỡ từng con hào ra khỏi đá để đổi miếng cơm qua ngày, đa số họ là dân nghèo và người dân tộc thiểu số.

“Tôi xăm cây sắt xuống cát làm động để con sò khép miệng lại rồi xịt bọt nước. Sau đó, tôi đào nơi vừa có tia nước bắn lên để bắt nó. Một số người không phân biệt được bọt nước của sò hay bọt nước của biển thường dùng bồ cào để tìm, cực nhưng vẫn hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Chưa, có hơn 30 năm xăm sò trên vịnh Cam Ranh nói về công việc của mình.

Để xăm được sò, họ dùng thanh sắt chọt xuống cát để tìm sò. Ảnh: Khải An

Ngoài số đông xăm sò còn có những người phụ nữ dân tộc Jaglai đi gỡ hào. Để gỡ những con hào bám chắc trên những ghè đá họ dùng một cái búa dẹp hai đầu gõ vào những con hào bám trên đá để lấy chút thịt cỏn con. Một ký hào còn vỏ được những người nuôi tôm hùm mua với giá 4.000 – 5.000 đồng/kg.

Chị Mấu Thị Thanh đưa tay áo đã sờn màu lau mồ hôi bám hột lớn trên trán cho biết: “Tôi làm cật lực trong 7 – 8 giờ nước rút may ra gỡ được hơn 20 - 25kg. Hào bây giờ rất hiếm và cũng chẳng còn con lớn để gỡ, hàng chục năm nay chúng gần như cạn kiệt”.

Theo những người gỡ hào “chuyên nghiệp” có thâm niên hàng chục năm, ngày trước một buổi đi gỡ hào ít là 30kg, nhiều có khi ngoài 40kg. Giờ người ta nuôi hào, hào thiên nhiên khan hiếm nên những người sống bằng nghề này mỗi ngày một khó khăn hơn.

Thời gian làm việc của người mò sò ngắn hơn gỡ hào vì họ phải đợi nước rút cạn đáy và ra thật xa bờ mới mong có sò, thường chỉ gói gọn trong 4 - 5 giờ. Nhiều người, chịu khó dùng tay mò may rủi khi nước lấp sấp ngang đầu nhưng “may mắn” hiếm khi mỉm cười với họ.

Nghề xăm sò hay gỡ hào chỉ đủ sống, không thể làm giàu. Ảnh: Khải An

Đa số người dân tộc thiểu số mới sử dụng “độc chiêu” này vì họ có nền tảng thể lực khỏe và có khả năng lặn rất tốt. Ông Mang Dần, người dân tộc Raglai, nói: “Nước cao thì con sò mới nhiều, nước rút con sò cũng rút sâu xuống cát, với lại nước rút người Kinh ra đông lắm nên phải bắt trước mới nhiều”.

Sò mò được trên vùng biển này chủ yếu là sò mía, sò mòng, sò đá, sò dĩa... có giá giao động từ 15 cho đến 30 ngàn đồng, được giá nhất là sò mòng có giá trên 25.000 đồng. Trung bình một buổi mò sò họ bán được khoảng 30.000 đồng.

Chân khô là bụng đói

Những người “ăn mót” trên vịnh Cam Ranh tuy dựa vào kinh nghiệm để kiếm sống nhưng lại phụ thuộc nhiều vào vận may, nếu gặp ngày “đỏ” có thể kiếm được khoảng trăm ngàn, gặp vận “đen” coi như về tay trắng.

Đó là chưa kể những ngày nước rút về đêm công việc của họ cực thêm gấp nhiều lần vì phải thức đêm và chong đèn “nhặt nhạnh” trên biển.

Nhiều trong số họ là những người dân tộc Raglai bỏ buôn làng tìm về xứ vịnh gỡ hào, cào sò. Ảnh: Khải An

Riêng những ngày mưa bão, nhiều gia đình phải mượn gạo của hàng xóm để thổi cơm vì không thể bắt sò đổi gạo. Chị Thanh tâm sự: “Những người như tụi tui một ngày “chân khô” hôm sau bụng đói vì thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào những con sò, con hào mót được trên biển”.

Góp thêm vào câu chuyện, bà Nguyễn Thị Tâm tâm sự: “Chúng tôi cũng muốn đi làm công hoặc lao động phổ thông để có thu nhập ổn định nhưng ở đây rất ít việc, nhiều người đã lên thành phố xin việc nhưng cũng không thể trụ lại để rồi trở về quê với những tháng ngày đi mót”.

Cuộc mưu sinh trong khoảng thời gian nước rút trên biển như một cuộc chạy đua giữa con người với thời gian và giữa người với người. Chỉ trễ một phút bãi cát nhiều sò sẽ bị chiếm mất, hay hóc đá nhiều hào sẽ về tay một người khác.

Đôi khi vì mải mê ngụp lặn với con sò để rồi nước lên, sóng đánh ngập đầu, hoặc những đêm đi “mót” bị trượt chân vào vũng sâu hoặc vấp té, bị hào cắt nát cả da thịt.

Tuy cuộc mưu sinh khắc nghiệp nhưng từng thành viên trong gia đình phải cùng nhau “lội nước” mới mong đủ sống. Đến cả những đứa trẻ may mắn được đến trường vẫn phải tranh thủ hôm nước rút trái giờ học để đi mót sò phụ cha mẹ.

Chị Trần Thị Thu, hơn mười năm mót sò ven biển tâm sự: “Cũng chẳng biết có nghề nào khổ bằng nghề này không, trời lạnh tím cả môi hay lúc nóng róc cả người vẫn phải bì bõm dưới nước chỉ mong đủ tiền mua gạo và cho sắp nhỏ đi học để mong đổi đời”.

Suốt nhiều năm trôi qua, những mảnh đời lam lũ trên vịnh Cam Ranh vẫn chưa thể khá lên từ những con hào, con sò. Cái họ được chỉ là những bữa cơm thường nhật và chút tiền học phí cho con cái.

Theo Đời sống & Pháp lý

Bạn đang đọc bài viết Nhọc nhằn nghề ‘ăn mót’ trên vịnh Cam Ranh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới