Thứ bảy, 20/04/2024 21:36 (GMT+7)

Những mảnh đời không có Tết ở xóm chạy thận

Phan Kiều -  Thứ bảy, 02/02/2019 08:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đối lập với không khí nhộn nhịp khi thủ đô đang bước vào những ngày cận Tết, xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị vẫn bao trùm sự ảm đạm, vì không ai ở đây mong chờ Tết.

Ảm đạm, u tối là những từ dùng để miêu tả xóm chạy thận tại con ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Đống Đa, Hà Nội). Giữa không khí nhà nhà đang háo hức đón Tết thì những con người nơi đây vẫn lầm lũi thực hiện một hành động quen thuộc: một tuần 3 lần, mỗi lần 4 tiếng đến Bệnh viện Bạch Mai chạy thận.

Với họ, Tết cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác, vì “bệnh tật đâu có ngày nghỉ phép”. Và những lúc không phải đến bệnh viện, họ lại tất bật với công việc mưu sinh vụn vặt như rửa bát thuê, đánh giày, bán nước, xe ôm,…

Bốn cái Tết không được về sum họp với con cháu vì sức khoẻ yếu, bà Đinh Thị Bắc (70 tuổi, Quảng Ninh) đã chạy thận suốt 14 năm. Bà nói rằng từ ngày lên đây chạy thận thì sức khoẻ đã giảm sút nhiều. Những năm đầu còn khoẻ nên Tết cũng về được đôi ngày. Còn bây giờ, đi lại cũng không vững thì đâu dám mơ tưởng đến việc về quê ăn Tết cùng con cháu được nữa.

Bà Đinh Thị Bắc trong căn phòng trọ ọp ẹp khắc khoải với nỗi đau bệnh tật.

Cũng như bà Bắc, ông Nguyễn Văn Lễ (60 tuổi, Bắc Giang) chán nản: "Tết này ông phải ở lại chạy thận nên phải mùng 3 mới được về nhà".

Những người chạy thận như ông bà hầu hết đều ở một mình, tự chăm lo mọi việc. Bà Bắc bông đùa: “Các con đều còn công việc cả, mình còn cựa được thì không phải nhờ vả đến ai, yếu đau quá thì chúng nó lại lên với mình dăm bữa nửa hôm thôi”.

Trong lời nói của họ, khao khát được quây quần bên con cháu ngày Tết không còn nữa, thay vào đó là nỗi lo về sức khoẻ ngày một yếu đi, nỗi lo về những ca chạy thận đau đớn hơn sẽ theo họ đến tận cuối đời.

“Khổ lắm chứ, có quê mà không được về, phải lên đây lang thang xứ người, chỉ mong mình chết đi mà không được thì Tết nhất cũng chẳng buồn nghĩ, về quê con cháu cũng lại chỉ lo thêm”, ông Lễ khắc khoải nói.

18 năm chạy thận cũng là 18 cái Tết mà anh Nguyễn Văn Thưa (40 tuổi, Thái Bình) chưa bao giờ mong mỏi lấy một lần. Năm nào cũng vậy, cứ vào 29 Tết, sau khi chạy thận xong xuôi thì anh lại tranh thủ bắt xe để về quê, rồi sáng mùng 2 Tết lại tất tả trở lại xóm trọ. Nhưng cũng có những năm tối mùng 1 Tết anh đã phải lên đường trở lại viện.

Anh buồn rầu kể để mẹ bớt lo lắng, cũng là để gia đình có không khí xôm tụ, đầm ấm hơn, năm nào anh cũng về nhà đón tết dẫu cho anh luôn cảm thấy mặc cảm về bệnh tật. Với anh, Tết là dịp anh làm an lòng người thân, còn trong suy nghĩ của anh vốn đã chẳng còn Tết.

Các bệnh nhân trò chuyện rôm rả bên đống lửa sưởi ấm nhưng không một ai nhắc đến Tết.

Chị Nguyễn Thị Hương (30 tuổi, Nam Định) được xem là một trong những người có hồ sơ “khá giả” nhất ở đây vì đã từng là một giáo viên tiểu học. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu khi chị phải gác lại hoài bão của mình với một câu kết luận đầy chua xót trong sổ bệnh án: thận hỏng, phải chạy thận nhân tạo.

Rời xa bục giảng, chị lảng tránh cả bạn bè đồng nghiệp mỗi khi mọi người hỏi và ngỏ ý lên thăm chị. Cũng từ đó, Tết không còn là dịp chị mong chờ được gặp lại đồng nghiệp, được nhận những lời chúc ngây thơ từ học trò nữa.

Khi được hỏi đã chuẩn bị Tết hay chưa, chị cười nhưng đôi mắt đượm buồn: “Bệnh nhân thì chuẩn bị được gì hả em, có chăng chỉ mong sắm được đủ thuốc để dùng mấy hôm Tết là may rồi”.

Với khuôn mặt khắc khổ, không ai nghĩ chị Vũ Thị Thảo năm nay mới 25 tuổi nhưng đã có tới 5 năm chạy thận ở đây. Vốn ở Thạch Thất nên trong 3 năm đầu, chị thường xuyên đi về giữa hai địa điểm. Sau đó, do di chứng của mỗi đợt chạy thận, cơ thể yếu dần nên chị đành chấp nhận ở lại, hàng ngày đi bán nước để trang trải tiền ăn ở, thuốc men.

Vết ven còn chưa kịp tháo băng sau ca chạy thận buổi chiều của chị Thảo.

“Chẳng ai về quê ăn Tết quá 3 ngày đâu, một hai ngày là lại khăn gói lên rồi, âu cũng là do bệnh, nhưng cũng vì chẳng ai muốn ở nhà lủi thủi một mình. Ở đây nhiều người đồng cảnh ngộ nên mình có người tâm sự, gặp nhau nói chuyện còn vui hơn được về quê ăn tết dăm ba bữa”, chị Thảo vừa cười vừa nói.

Ông Lễ, bà Bắc, anh Thưa, chị Thảo… chỉ là số ít trong 127 bệnh nhân tại xóm chạy thận Lê Thanh Nghị với cùng một mong muốn: muốn Tết qua thật nhanh để trở lại xóm trọ, vì đây đã là nơi chốn thứ hai, và có lẽ với một số người, nó sẽ trở thành nơi họ gắn bó đến cuối đời.

Tết đối với họ đã không còn vẹn nguyên ý nghĩa vui vầy, sum họp kể từ ngày họ nhận được “bản án” phải chạy thận vĩnh viễn. Và mỗi dịp Tết đến là lúc họ nhận ra trên cánh tay mình đã có thêm những vết ven mới, minh chứng cho một năm đầy đau đớn bên chiếc máy chạy thận vô tri. 

Bạn đang đọc bài viết Những mảnh đời không có Tết ở xóm chạy thận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất