Thứ năm, 28/03/2024 22:00 (GMT+7)

Nồi cháo Từ Tế

MTĐT -  Thứ hai, 04/11/2019 14:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều chủ nhật, các bệnh nhân của Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) líu ríu rủ nhau xuống lấy cháo. Chỉ trong khoảng 30 phút, 2 nồi cháo lớn đã hết trong nụ cười ấm áp của sự sẻ chia và đón nhận.

Lẫn trong những người chia cháo là đội trưởng Lê Huy, người luôn lặng lẽ, nép mình với tâm niệm làm việc thiện thì không cần khoa trương. Chính sự lặng lẽ ấy của anh trong suốt 7 năm hành trình cùng nồi cháo Từ Tế đã minh chứng một điều, lòng tốt tự thân sẽ có sức lan tỏa và cộng hưởng trong cộng đồng.

1. Theo chỉ dẫn của một thành viên trong đội cháo Từ Tế, tôi tìm đến đình Quan Nhân, ngôi đình làng thờ Trung Nghĩa đại vương, đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1989.

Nằm lọt giữa khu dân cư đông đúc của phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội), ngôi đình còn giữ nguyên vẻ cổ kính với mái đình cong cong, bóng cây đa cây đề cổ thụ tỏa xuống mặt hồ bán nguyệt.

Không phải ngày hội hè đình đám nên ngôi đình rất vắng vẻ, yên tĩnh, nhưng ở sân nhỏ phía sau, không biết từ lúc nào đã có hơn chục người đủ cả già, trẻ đang lúi húi với công việc. Trên bếp, 2 nồi cháo lớn bốc hơi nghi ngút, tỏa ra mùi thơm quyến rũ của gạo mới.

Đội trưởng Lê Huy (ngoài cùng bìa phải) đang chia cháo tại Bệnh viện K Tân Triều

Bác Lê Thị Hiếu (73 tuổi), người được giao nhiệm vụ phụ trách nồi cháo, hoàn tất nốt công việc, chuẩn bị lên xe đến Bệnh viện K Tân Triều. Bác Hiếu cho biết, để phù hợp với nhu cầu bệnh nhân, đội luôn nấu 2 nồi cháo: 1 nồi cháo thịt, rau củ quả và 1 nồi cháo đậu đen hoặc đậu xanh. Trong đó, nồi cháo thịt cần 6,5kg gạo, 3kg thịt, 3kg bí đỏ, 1,5kg cà rốt và gia vị các loại. Chi phí cho mỗi nồi cháo không nhiều, chỉ khoảng 600.000 - 800.000 đồng nhưng để có một nồi cháo ngon và sánh thì cần rất nhiều tâm huyết, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Khi nồi cháo nấu xong, sẽ có khoảng 20 - 30 người cùng vận chuyển, chia cháo cho người bệnh.

Vừa tranh thủ cắt đặt công việc cho các bạn trong đội, đội trưởng Lê Huy vừa kể, cái tên “Từ Tế” là do Đại đức Thích Bảo Sơn ở Học viện Phật giáo Việt Nam đặt cho đội khi mới thành lập vào năm 2012, với ý nghĩa mang tâm sức tấm lòng từ bi thiện nguyện của mình chia sẻ với những người còn khó khăn trong cuộc sống.

Năm 2013, đội cháo Từ Tế được Trung tâm Unesco Khoa học, Nhân văn và Cộng đồng cấp giấy chứng nhận “Địa chỉ nhân văn” do đóng góp và ý nghĩa tích cực với cộng đồng. Từ đó đến nay, đội cháo Từ Tế vẫn tiếp tục là một địa chỉ nhân văn được tin cậy.

Từ 4 thành viên ban đầu, đội đã thêm có hàng chục thành viên nòng cốt và hàng trăm thành viên thường xuyên tham gia. Ngoài 2 nồi cháo cho Bệnh viện K Tân Triều vào chủ nhật, đội cháo Từ Tế còn có 3 nồi cháo vào chiều thứ bảy hàng tuần tại Bệnh viện Da liễu (Bạch Mai), Bệnh viện Nội Tiết, Bệnh viện phục hồi chức năng quận Thanh Xuân.

2. Không muốn nói về mình, anh Lê Huy cứ kể mãi về những người đã đồng hành trong suốt hành trình 7 năm cùng nồi cháo. Anh kể, những ngày đầu thành lập, đội cháo Từ Tế rất long đong lận đận tìm địa điểm hoạt động. Sau đó, thật may mắn khi Ban quản lý đình Quan Nhân đồng ý tạo điều kiện cho đội có nơi tập kết để hoạt động ổn định.

Thời gian đầu nhiều khó khăn, các cụ còn miễn cả tiền điện, tiền nước cho đội. Rồi Huy kể về những bác, những cụ đã đều đặn chia sẻ những đồng lương hưu còm cõi và công sức của mình cho nồi cháo. Đó là những người như bác Hiếu, vốn là giáo viên Trường Tiểu học Văn Chương đã nghỉ hưu, theo đội cháo từ những ngày đầu thành lập; là bác Phạm Thị Trọng, Bí thư Chi bộ cụm dân cư xóm Thọ, người đã vận động các đảng viên, người dân trong khu dân cư của mình tùy tâm ủng hộ nồi cháo; là các cụ hưu trí ở cụm dân cư Đoàn Kết, mỗi tháng đều góp của, góp công. Hay như cụ Tố Tâm, 83 tuổi (phường Nhân Chính) và các thành viên đội thể dục, cố định dành 6 triệu đồng/tháng cho đội cháo Từ Tế... 

Chị Nguyễn Thị Tuyết, hiện đang là thủ quỹ của đội, cho biết, có lần chị cảm động rơi nước mắt khi một bệnh nhân nghèo nhất định góp 10.000 đồng vào nồi cháo. Nhiều người nhà bệnh nhân xuống lấy cháo cũng xin được đóng góp tấm lòng của mình.

Còn rất nhiều tấm lòng của những nhà hảo tâm đủ mọi thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp đã và đang đồng hành cùng đội cháo Từ Tế. Khi quỹ dư dả hơn, đội Từ Tế còn hỗ trợ mỗi tháng 10kg gạo, 150.000 đồng/hộ cho hơn chục hộ nghèo trên địa bàn và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa mỗi khi có dịp.

Theo đội trưởng Lê Huy, phải có những người đồng hành tuyệt vời đó mới có nồi cháo Từ Tế thơm thảo giữa cuộc đời này. Suốt 7 năm qua, đội cháo Từ Tế luôn có mặt đúng hẹn ở bệnh viện, kể cả những ngày mưa gió hay nắng như đổ lửa.

Cùng với người đội trưởng, các thành viên không bao giờ quên mang theo nụ cười khi làm thiện nguyện. Và điều đặc biệt nữa là, đội cháo Từ Tế luôn kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường bằng cách mang cặp lồng (cà men) đi lấy cháo để giảm thiểu rác thải nhựa.

3. Dù không muốn nói về mình, nhưng với những người đã biết anh Lê Huy, biết về nồi cháo Từ Tế, đều hiểu hoàn cảnh, tấm lòng của người đội trưởng lặng lẽ này. Đội trưởng Lê Huy sinh năm 1979, trong một gia đình khá giả, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội và có thêm một bằng Đại học Kinh tế Quốc dân.

Vợ con đề huề và từng làm giám đốc doanh nghiệp, cuộc đời tưởng chừng êm đẹp, tương lai đang “thuận buồm xuôi gió” đó bỗng chốc đổ sụp khi anh phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư máu. Anh đã trải qua những ngày tháng oán giận cuộc đời, những phút giây tuyệt vọng muốn buông xuôi tất cả.

Cho tới một ngày, anh tận mắt chứng kiến một em bé mới 7 tuổi cùng phòng điều trị với anh, mất vì bệnh ung thư máu. Nhìn cảnh bố mẹ em bé đau đớn cùng cực vì mất con, anh Lê Huy mới bừng tỉnh và nghĩ về bố mẹ, vợ con của mình, để rồi quyết tâm chiến đấu với “tử thần”. Chính những tháng ngày trong bệnh viện đó, anh Lê Huy đã hiểu rằng, đối với những bệnh nhân ung thư, điều quan trọng giúp họ kéo dài sự sống chính là tinh thần lạc quan.

Anh cũng hiểu rằng, những người đã mắc bệnh ung thư dễ kiệt quệ cả tinh thần, thể xác, và khi đó, tình cảm yêu thương của mọi người xung quanh sẽ là thứ thần dược giúp họ chống chọi với bệnh tật. Nồi cháo Từ Tế đã ra đời sau những tháng ngày như thế với mong muốn được chia sẻ với những con người đang đau đớn, tuyệt vọng vì căn bệnh quái ác.

Không chỉ mang đến cho người bệnh bát cháo ân tình, anh Lê Huy còn truyền sự lạc quan cho người bệnh khi kể cho họ nghe về câu chuyện bệnh tật của bản thân, những lúc bế tắc và cách mà anh đối diện với nó. Anh cũng luôn nhắn nhủ với những người đồng đội của mình rằng, đừng nghĩ nồi cháo là gì to tát, không có nồi cháo của mình thì bệnh nhân cũng không chết, điều quan trọng là mình chia sẻ những gì mình có bằng tấm lòng yêu thương chân thành.

Anh tâm sự, có lẽ việc làm của mình xuất phát từ cái tâm thiện lành nên mới được nhiều người tin tưởng, ủng hộ đến thế. Anh cũng không đặt mục tiêu đội cháo phải phát triển lớn mạnh thế nào mà quan trọng là có bao nhiêu cơ hội được chia sẻ với mọi người.

Cuộc sống luôn nhiều chuyện phức tạp, đau lòng, nhưng như đại thi hào Nguyễn Du đã nói “thiện căn ở tại lòng ta”, lòng tốt vốn ẩn chứa trong mỗi con người, khi có cơ hội, lòng tốt trong xã hội sẽ được thức tỉnh và nhân lên mãi. Anh tin rằng, nếu biết gom góp yêu thương từ những tấm lòng chân thành, cuộc đời hẳn sẽ bớt đi nhiều nhọc nhằn, cay đắng.

Theo SGGP

Bạn đang đọc bài viết Nồi cháo Từ Tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.