Thứ sáu, 19/04/2024 14:54 (GMT+7)

Phạt tiền Giáo viên và Học sinh là không nên!

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ tư, 03/10/2018 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bất cứ một chủ trương nào trong giáo dục ở nhà trường dùng hình thức xử phạt bằng tài chính đều không nên.

Đây không phải là giải pháp sâu xa, căn cơ của một nền giáo dục nhân bản.

Tôi nhớ có lần trước đây, khi trò chuyện với giáo viên (GV), cố GS NGND Hoàng Như Mai nói: Khi xử phạt học sinh (HS) thầy cô phải làm sao cho các em “khẩu phục, tâm phục”. Ý của thầy Mai hiểu rộng ra là, phải làm sao cho các em khâm phục GV trước mặt bằng cử chỉ, điệu bộ, lời nói của GV, song phải có tác động sâu bền đến nhận thức, tình cảm của các em. Thực tế thì ngày nay có nhiều cách xử phạt của GV, nhà trường với HS còn chưa “đẹp” cho lắm và thiếu “tâm phục”, trong đó có hình thức xử phạt bằng tài chính.

Vừa qua, Chính phủ đang lấy ý kiến xã hội về bản Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có điều 29 và điều 32, thuộc mục 8 của nghị định, có một chi tiết rất đáng lưu ý. Đó là quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục”, (điều 29). Và điều 32 quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học”. Đây là mức phạt tăng gấp đôi  so với Nghị định số 138/2013/NĐ-CP lưu hành trước đó. Nguyên nhân sự thay đổi này dễ dàng nhận ra, bởi nhiều vụ việc tiêu cực trong nhà trường thời gian qua.

Khảo sát ý kiến HS và GV, chúng tôi có mấy băn khoăn sau đây:

Thứ nhất, không chối bỏ tác dụng răn đe của việc phạt tiền nặng, bởi vì ai cũng sợ mất tiền. Tuy nhiên, những mức phạt lớn như thế là khó áp dụng vào thực tế, người xử phạt khó có khả năng thực thi, người bị phạt khó khả năng đáp ứng. Và nguy cơ điều khoản này trở thành “lý thuyết suông” trên giấy là điều tất yếu.

Chỉ đơn cử mấy thực tế sau đây để thấy việc phạt tiền là không nên: Một cô giáo vì muốn khuyến khích việc học của HS đã quy đổi điểm bài kiểm tra ra số tiền để thưởng. Ở trường tiểu học, HS chăm ngoan thì được cô khuyến khích cho kẹo. Để khích lệ con tiến bộ, nhiều cha mẹ “treo giá” phần thưởng cho con. Chúng tôi không cho các việc làm ấy là sai. Nhưng chúng tôi nghĩ đó chỉ là những giải pháp ngắn hạn, tạm thời, vì nếu áp dụng lâu dài sẽ kéo theo những hệ lụy không tốt;  Hơn nữa, chưa khích lệ được động cơ và mục đích học tập sâu xa của các em.

Nhiều GV tự ý đưa ra cách xử phạt học sinh bằng tiền: hễ mắc lỗi là đóng phạt. Mặc dù số tiền nộp phạt dùng vào những việc có ý nghĩa đi nữa thì cách xử phạt như thế là không nên, chỉ có hiệu quả nhãn tiền, chưa làm cho các em thật sự nể phục. Trong lúc nhiều cha mẹ chủ trương giáo dục con cái việc tiêu tiền, thì việc làm của GV đi đang đi ngược lại. Vả lại, nếu HS quen với việc chấp nhận nộp phạt để phạm lỗi thì càng nguy hiểm hơn. Các em sẽ ra sao khi ra sống ngoài xã hội sau này? Tôi thấy có nội quy nhà trường ghi thế này: “HS làm hư hỏng cơ sở vật chất của nhà trường thì phải bồi thường”. Ghi như thế là không đúng. Phải thêm là “phụ huynh phải bồi thường” thì mới đủ. Vì HS đi học làm gì có tiền. Nhưng chính việc thêm từ “phụ huynh” vào hiệu quả giáo dục sẽ khác nữa. Ở chỗ các em sợ liên lụy đến cha mẹ, xấu hổ với bạn bè, danh dự bản thân hơn là việc bỏ tiền ra nộp phạt. Bất cứ một chủ trương nào trong giáo dục ở nhà trường dùng hình thức xử phạt bằng tài chính đều không nên. Nó không phải là giải pháp sâu xa, căn cơ của một nền giáo dục nhân bản. Cho nên, theo chúng tôi, việc phạt tiền không phải là một giải pháp tối ưu.

Thứ hai, hầu hết các em HS và GV đều không hay biết và chẳng quan tâm về nghị định xử phạt là gì, phạt bao nhiêu cả. Trong suy nghĩ, tình cảm và nhận thức của họ, quan hệ thầy trò là mối quan hệ vô cùng trong sáng dựa trên nền tảng đạo đức truyền thống. Thầy và trò soi vào đó mà giao tiếp, ứng xử hợp lẽ hợp tình. Nếu “dân sự hóa” mối quan hệ ấy bằng luật pháp, bằng tài chính, liệu có làm rạn nứt tình cảm tốt đẹp kia chăng? Không nên lấy những ngoại lệ cá nhân để cào bằng chung cho mọi đối tượng.

Thứ ba, nhiều GV cho rằng quy định xử phạt trên là “vòng kim cô” kìm hãm, trói buộc nhiệt tâm của họ với nghề, bởi lẽ, việc dạy học luôn rình rập, tiềm ẩn những “tai nạn nghề nghiệp”. Ranh giới giữa việc xử sự sáng suốt và nông nổi; đúng và sai mong manh như sợi tóc, mà GV cũng là “người trần, mắt thịt”. Nếu cứ thấp thỏm tâm trạng sợ “sập bẫy”, sợ bị phạt e rằng sẽ làm mất sự đột phá, sáng tạo, phát huy cá tính nơi người dạy học.

Nhà văn Nga Sê-khốp có truyện ngắn Người trong bao nói về cái chết thảm hại của nhân vật thầy giáo Bê-li-cốp. Anh ta chết vì nguyên tắc, cứng nhắc, vì khuôn mẫu. Đừng để GV và HS chúng ta ngày nay phải bị những cái “chết” như Bê-li-cốp!                                                                                          

Bạn đang đọc bài viết Phạt tiền Giáo viên và Học sinh là không nên!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.