Thứ sáu, 29/03/2024 22:12 (GMT+7)

Quay quắt bởi hạn mặn

MTĐT -  Thứ ba, 07/04/2020 11:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lại thêm một mùa hạn mặn, nhưng lần này khốc liệt và dai dẳng hơn những năm trước. Hình ảnh ám ảnh trên các trang báo tuần qua là những dòng kênh trơ đáy, những chiếc xuồng nằm im trên nền bùn khô.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng đất trù phú và giàu tài nguyên thiên nhiên - vùng sinh thái đặc biệt của Việt Nam. Thế nhưng, nơi đây đang diễn ra những biến đổi môi trường bất lợi, đồng thời là cảnh báo về nhiều nguy cơ trong tương lai không xa...

Một trong những biểu hiện đó là tình trạng hạn mặn ngày càng khốc liệt.

Với hơn 4 triệu ha, ĐBSCL là nơi sinh sống của gần 20 triệu đồng bào, là vựa lúa lớn nhất của cả nước và thuộc loại lớn trên thế giới, vùng phát triển quan trọng về thủy sản và cây ăn trái. Nhưng hôm nay, vùng đất này đang phải đối mặt với một cơn khát lịch sử...

Không phải đến bây giờ, mà thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia đã lên tiếng về những hiện tượng và nguy cơ đe dọa cuộc sống và sự phát triển của ĐBSCL như lũ lụt, hạn mặn, sụt lún, sạt lở bờ, ô nhiễm, úng ngập… Song dường như, những cảnh báo đó chưa mấy được lắng nghe và được xử lý thấu đáo. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thay đổi địa mạo dòng chảy, sụt lún, sạt lở bất thường… ngày càng diễn ra trầm trọng. Rất nhiều lý giải đã được đưa ra, trong đó, các tác động của con người và biến đổi khí hậu được chỉ rõ với những bằng chứng cụ thể.

                                                                            Ảnh minh hoạ

Chẳng hạn, tình trạng sạt lở, bên cạnh những tác động tự nhiên về dòng chảy, đặc tính địa chất tại bờ… thì việc những tác động nhân tạo như làm các công trình hạ tầng, khu dân cư lấn sông, phương tiện vận tải sông quá lớn và tốc độ quá nhanh, các công trình hộ bờ làm sai… và nhất là khai thác cát tùy tiện đã khiến vùng đất này ngày một chìm sâu vào những khó khăn.

Mùa hạn mặn năm nay đến sớm và kéo dài quá. Hạn kéo dài đến nỗi nhiều người dân quen với cảm giác lâu lắm rồi chưa biết tắm nước ngọt là gì. Với người dân miền Tây, thời gian qua, nước ngọt xin hoặc mua về chủ yếu dùng để nấu nướng. Nhà nào “ít người” thì dành một chút để “tắm tráng” sau khi tắm bằng nước máy nhiễm mặn. Phần nước “tắm tráng ấy còn được tận dụng để tưới cây hoặc lau nhà.

Hạn mặn kéo suốt miền Tây, hàng ngàn héc ta lúa ngậm đòng cháy khô, nông dân phải cắt bỏ làm thức ăn cho bò. Nghịch cảnh hơn là có nơi, đối mặt với những cánh đồng khô nứt nẻ, những con mương nước vẫn đầy, nhưng không thể dùng được bởi đã nhiễm mặn.

Đã có thời kỳ chúng ta đặt yêu cầu “ngọt hóa” bán đảo Cà Mau, đưa nước sông Hậu về Cà Mau theo kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Nhưng nước sông Hậu không đủ để về đến Cà Mau. Thế là phải khai thác nước ngầm và khai thác quá mức gây sụt lún đang diễn ra ngày càng nguy hiểm.

Rồi chúng ta tập trung cho các công trình ngăn mặn, song khi dòng chảy từ thượng nguồn bị vét cạn, và nước biển cứ dần xâm nhập sâu, hệ thống đê và cống ngăn mặn không thể đáp ứng được yêu cầu đa dạng của sản xuất. Cuối cùng, phần thiệt hại người nông dân lãnh đủ. Bằng chứng là hàng ngàn hec ta lúa đông xuân của Sóc Trăng đang rơi vào tình cảnh hấp hối. Các vựa trái cây ở Tiền Giang cũng lay lắt bởi thiếu nước tưới.

Rất nhiều yếu tố tác động đến ĐBSCL và chúng ta phải nỗ lực hạn chế, phòng tránh và khắc phục những yếu tố bất lợi, cần có giải pháp chủ động trong tình huống xấu nhất. Nhưng ngay những ngày này, chỉ riêng câu chuyện hạn mặn, vẫn thấy cảnh cũ: Bao năm rồi người dân vẫn đau đáu và ngày càng quay quắt sống trong nỗi bất lực đợi nước về, chờ mưa xuống để đẩy mặn lùi xa!

Theo báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Quay quắt bởi hạn mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới