Thứ tư, 24/04/2024 13:45 (GMT+7)

Rạng sáng mai (17/7), nguyệt thực 1 phần sẽ xuất hiện ở Việt Nam

MTĐT -  Thứ ba, 16/07/2019 15:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nguyệt thực vào rạng sáng mai sẽ kéo dài từ 1h43 đến 7h17. Tại Việt Nam có thể quan sát từ 1h43 cho đến 5h28 khi Mặt Trăng lặn.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phối hợp với Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội tổ chức quan sát nguyệt thực một phần vào đêm nay, rạng sáng ngày mai (17/7) tại Đài Thiên văn Hòa Lạc. Đây là sự kiện thiên văn đáng chú ý nhất năm nay có thể quan sát được tại Việt Nam.

Tại đây các bạn trẻ có thể ngắm nguyệt thực thông qua nhiều kính thiên văn hiện đại được Hội thiên văn Hà Nội chuẩn bị.

Tại Đài thiên văn Hòa Lạc, cùng với việc quan sát hiện tượng thiên văn, các bạn trẻ cũng có cơ hội khám phá vũ trụ huyền bí, bao la qua nhà chiếu hình vũ trụ. Nhà chiếu hình vũ trụ ở Hòa Lạc có quy mô với 100 ghế ngồi, được thiết kế giống như một rạp chiếu phim nhưng với màn hình dạng mái vòm. Những hình ảnh cũng như những thước phim sẽ được trình chiếu lên mái vòm bởi hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao mang lại hiệu ứng 3D chân thực về bầu trời và các vì sao, đem lại cho người xem trải nghiệm như đang bay vào vũ trụ.

Nguyệt thực vào rạng sáng mai sẽ kéo dài từ 1h43 đến 7h17. Tại Việt Nam có thể quan sát từ 1h43 cho đến 5h28 khi Mặt Trăng lặn. Cụ thể, từ 1h43 Mặt Trăng bắt đầu đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, đến 3h01, nguyệt thực một phần bắt đầu, Mặt Trăng dần chuyển đỏ. Đến 04h30, nguyệt thực đạt cực đại, Mặt Trăng đỏ đậm.

Với những người không có cơ hội chiêm ngưỡng qua kính thiên văn vẫn có thể theo dõi nguyệt thực một phần bằng mắt thường. Người quan sát nên chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn và bụi. Lưu ý, xem dự báo thời tiết trước khi diễn ra sự kiện.

Nguyệt thực một phần xảy ra vào rạng sáng ngày 17/7 là lần nguyệt thực thứ 2 trong năm nay và là lần nguyệt thực một phần duy nhất Việt Nam quan sát được trong năm nay. Trước đó, ngày 21/1/2019, nguyệt thực toàn phần xảy ra song Việt Nam không thể quan sát được.

Được biết, lần nguyệt thực này có thể quan sát ở một vùng rộng lớn gồm Châu Âu, Châu Phi, vùng trung tâm Châu Á và Ấn Độ Dương. Không giống như nhật thực phải quan sát qua dụng cụ chuyên dụng, nguyệt thực có thể quan sát bằng mắt thường.

Nguyệt thực là hiện tượng mặt trăng bị che khuất bởi bóng của trái đất trước ánh sáng của mặt trời, hay còn gọi là Mặt Trăng máu, là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời.

Do mặt trăng không tự phát ra ánh sáng, chúng ta nhìn thấy mặt trăng là nhờ có ánh sáng của mặt trời chiếu vào mặt trăng, mặt trăng phản lại ánh sáng nên chúng ta nhìn thấy mặt trăng, nhưng vào thời điểm mặt trăng - trái đất - mặt trời thẳng hàng nhau, trái đất đã che khuất ánh sáng của mặt trời chiếu đến mặt trăng, tức là mặt trăng đứng sau bóng của trái đất, lúc này mặt trăng tối đen dần do bị khuất sau bóng trái đất, thời điểm và hiện tượng này gọi là nguyệt thực.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Rạng sáng mai (17/7), nguyệt thực 1 phần sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.