Thứ tư, 24/04/2024 06:01 (GMT+7)

'Thầy Khủng Long' và lá thư tâm huyết về môi trường

MTĐT -  Chủ nhật, 21/03/2021 22:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại dịch Covid 19 chỉ là một phần của tảng băng nổi. Ẩn chìm sau nó còn là mối đe doạ về tình trạng biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ còn diễn ra với những hậu quả nặng nề trên khắp hành tinh.

“Thầy Khủng Long” – nhân vật chính dẫn dắt nội dung trong bộ sách “Khám phá thế giới thực vật & Chinh phục văn miêu tả cây cối” (TS. Trần Thị Mai Phương, NXB ĐHQGHN) là một thầy giáo dạy văn vui nhộn, hài hước, vô cùng tâm huyết về lĩnh vực giáo dục và môi trường.

Bộ sách (2 tập) dành cho các em nhỏ từ 7 – 12 tuổi. Trong bộ sách này, ngoài việc hướng dẫn các em học sinh viết những bài văn miêu tả cây cối, “thầy” còn lồng ghép những tri thức khoa học về thực vật, tích hợp với kiến thức về Nông – Lâm nghiệp và Du lịch … để học sinh có cái nhìn sâu sắc về vai trò của cây xanh trong đời sống, từ đó hình thành tình yêu cây và khát vọng bảo vệ cây xanh.

Ở những trang cuối của bộ sách, “thầy Khủng Long” còn gửi tới các em học sinh một lá thư tràn đầy cảm xúc với những lời nhắn nhủ da diết cùng lời kêu gọi hành động bảo vệ môi trường, chống lại nguy cơ của tình trạng biến đổi khí hậu.

Chân dung các thành viên trong lớp học khủng long: Thầy Khủng Long, cô trợ giảng, Khủng Long Bánh Gạo, Khủng Long Bột Đậu, Khủng Long Bánh Bèo, Khủng Long Kẹo Dẻo - Sách “Khám phá thế giới thực vật & Chinh phục văn miêu tả cây cối, NXBĐHQGHN)

Dưới đây là nguyên văn lá thư của thầy Khủng Long viết cho các em nhỏ, cũng là một thông điệp sâu sắc gửi tới tất cả chúng ta trong tình trạng biến đổi khí hậu ngày nay:

LÁ THƯ TỪ RỪNG NHIỆT ĐỚI
Rừng mưa nhiệt đới Amazon, ngày 12/12/2020

Gửi những Khủng Long “bé nhỏ” của thầy!

Khi thầy đặt bút viết những dòng thư này là lúc ở thế giới ngoài kia bản tin thời sự các nước đều đang đồng loạt thông báo về những con số kỉ lục của đại dịch Covid 19. Trong lòng thầy nặng trĩu nỗi buồn. Thầy hoang mang…
Thầy đã từng luôn tin mình có thể trả lời mọi câu hỏi của các em, nhưng giờ đây, thầy biết rằng có những câu hỏi vượt quá tầm hiểu biết của loài người, ngay cả khi nền khoa học kĩ thuật của chúng ta đã phát triển với tốc độ tính bằng Megabyte/s (MBps)(*)! Chúng ta đã hiểu bao nhiêu về “đời sống bí ẩn của các loài cây”? Chúng ta đã biết những gì về “ngôn ngữ” của các loài động vật và những “tín hiệu” từ hàng triệu loài vi sinh vật? Chúng ta đã khám phá hết ý nghĩa của từng loài trong chuỗi mắt xích của sự sống trên Trái Đất này…?
Càng lúc thầy lại càng nhận thấy còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết về thế giới tự nhiên, mặc dù chúng ta là một phần của nó. Và giờ đây, loài người đang phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết cũng như sự can thiệp thô bạo vào môi trường ấy. Đại dịch Covid 19 chỉ là một phần của tảng băng nổi. Ẩn chìm sau nó còn là mối đe doạ về tình trạng biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ còn diễn ra với những hậu quả nặng nề trên khắp hành tinh.
Vừa mới đây thôi, tháng 9 năm 2019, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến chứng kiến nạn cháy rừng thảm khốc hoành hành tại nước Úc. Suốt nhiều ngày, bầu trời nước Úc rừng rực trong những cột lửa khổng lồ và biển khói dày đặc nhấn chìm một vùng rộng lớn.
Hoảng sợ, tê liệt, mất mát, và ngột ngạt đến không thở nổi là những gì mà người dân Úc đã phải chịu đựng trong nạn cháy rừng khủng khiếp ấy. Nguyên nhân chính là do nhiệt độ cao kỉ lục cùng với thời tiết khô hạn nghiêm trọng kéo dài do biến đổi khí hậu đã khiến những vụ cháy rừng ở đây không khác gì cảnh tượng “ngày tận thế”!
Tháng 11, năm 2019, trận lụt lịch sử càn quét qua thành phố Venice (nước Ý), nhấn các quảng trường và những toà nhà cổ kính ngập sâu trong nước. Trong khi đó tại Nam Phi, tháng 12, năm 2019, lượng mưa đã xuống thấp kỉ lục dẫn tới nạn hạn hán, khô cằn đến mức ngay cả thác Victoria hùng vĩ ngày nào giờ cũng chỉ còn lại dấu vết vài vũng nước… Nguyên nhân của nghịch cảnh này là do sự ấm lên của mặt biển dẫn đến sự thay đổi các hình thái mưa ở nhiều nơi trên thế giới.
Nước Mỹ, tháng 8 năm 2020, Tổng thống Donal Trump đã phải ban bố tình trạng “thảm hoạ” tại bang California và một số bang trước đó.
California đã phải trải qua nạn cháy rừng liên tiếp, nắng nóng được ghi nhận có lúc lên tới 55 độ C, kết hợp với bão, sét bất thường dồn dập chưa từng có trong lịch sử. Tất cả đã biến cuộc sống những ngày qua của người dân nơi đây thành địa ngục…. Trên truyền hình, thống đốc bang Califonia đã nói: “Nếu ai đó còn chưa tin vào biến đổi khí hậu, hãy đến California”!
Cũng trong tháng 8, năm 2020, trong khi Trung Quốc đang phải hứng chịu những đợt lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng với lượng mưa bất thường liên tục trút xuống thì tại Việt Nam, những tháng nửa đầu năm, hạn mặn do lượng mưa giảm mạnh khiến người dân đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng. Kênh, rạch, sông, hồ khô cạn, nước mặn từ biển xâm lấn vào đất liền, những “thủ phủ cây trái” miền Tây màu mỡ ngày nào giờ oằn mình trong khô cằn, nứt nẻ. Cuộc sống người dân nhiều nơi lâm vào cảnh cơ cực do biến đổi khí hậu.
Em có thể thấy trên báo chí hình ảnh một người mẹ Cà Mau đen xạm đang tần ngần bên một chậu nước mới khoan vàng khè, nhiễm đầy phèn chua và mặn. Cô ấy sẽ dùng chậu nước này để tắm cho lũ trẻ hay là để nấu ăn???
Dù sao, con của cô ấy vẫn còn nước để dùng.
Ở một nơi xa xôi, xứ châu Phi, có những đứa trẻ đang phải ghé miệng xuống một vũng nước để hớp chút nước cuối cùng còn lại trên mặt đất!
Ở đó cũng đang hạn hán.
Và còn rất nhiều, rất nhiều những cảnh tượng như thế bắt nguồn từ biến đổi khí hậu đang diễn ra khắp nơi trên thế giới và ngay chính trên dải đất thân thuộc hình chữ S.
Ngay giữa lúc này, chúng ta đang trải qua thời điểm mà lịch sử khí hậu Việt Nam phải ghi lại bằng dấu mốc đau buồn. Đó là chuỗi ngày miền Trung Việt Nam tang thương trong bão lũ.
Mưa dữ dội do áp thấp nhiệt đới liên tục trút xuống kết hợp với sức tàn phá liên hoàn của các cơn bão đã nhấn chìm nhiều vùng ở miền Trung trong những trận đại hồng thuỷ chưa từng thấy.
Nước mênh mông dâng lên khắp mọi nơi cuốn đi bao nhiêu sinh mệnh, bao nhiêu mồ nước mắt của những người dân lam lũ.
Có những xóm làng bị cô lập nhiều ngày trong biển nước.
Có những đứa trẻ đói rét, tuyệt vọng, chới với trên mái nhà giữa bốn bề mệnh mông nước trắng.
Có những chiếc quan tài và người đã khuất phải treo lên chờ nước rút!
Có những người chỉ sau một đêm đã mất cả gia đình vì bùn đất sạt lở chôn vùi…
Những tai hoạ khủng khiếp đó
Không phải kích bản trong phim viễn tưởng.
Đó là sự thật đang diễn ra
ngay xung quanh chúng ta!

Trích “Lá thư từ rừng nhiệt đới” – Sách “Khám phá thế giới thực vật & Chinh phục văn miêu tả cây cối”, NXBĐHQGHN)

Tất cả những thảm hoạ ấy đều có chung nguồn gốc từ biến đổi khí hậu. Một trong những nguyên nhân quan trọng của chuỗi mắt xích đó không thể không nhắc tới nạn tàn phá rừng, tàn phá cây xanh ở nhiều nơi trên khắp hành tinh…

Mất rừng, mất cây xanh đồng nghĩa với việc mất đi những lá chắn phòng hộ, mất đi những “nhà máy” sản xuất ô – xi và cân bằng khí các – bô –níc. Hậu quả lớn nhất chính là hiện tượng ấm lên của Trái Đất. Nhiệt độ Trái Đất tăng cao khiến những khối băng khổng lồ tưởng như vĩnh cửu cũng đang dần tan rã, kéo theo biết bao hệ luỵ. Ngay cả những con virut ngủ đông trăm năm trong những khối băng cũng đang lần lượt thức dậy, hoành hành…

Ô nhiễm không khí, lũ lụt, sạt lở, hạn hán, và ngay cả Covid 19 vẫn chưa phải là tất cả nếu chúng ta không hành động!
*** **** ***
Ngày hôm nay, thầy đang ngồi viết thư cho các em bên những gì còn sót lại của một cây cổ thụ sau đám cháy rừng.
Lại nhớ miên man những đồng cỏ xa xưa, nhớ những cánh rừng mùa xuân thơm ngát, nhớ tiếng xào xạc hiền lành của cơn gió trong vòm lá và tiếng cười rộn ràng của dòng suối mùa mưa.
Ở đó không có những trận lũ lụt, sạt lở khủng khiếp.
Ở đó không có hạn hán đến cùng kiệt.
Ở đó không có tiếng ồn chát chúa, không có khói bụi ô nhiễm, không có rác thải ngập ngụa.
Ở đó, không khí trong trẻo, tươi mát và ngọt lành như kẹo bạc hà.
Có thể với các em, đó là những trải nghiệm chỉ có ở… khủng long thời tiền sử!
Nhưng đó mới thực sự là môi trường sống mà MẸ THIÊN NHIÊN đã ban cho chúng ta. Chỉ khi nào được trở về với môi trường đó, chúng ta mới thực sự được sống trong vòng tay của MẸ, an toàn, mạnh khoẻ và hạnh phúc.
*** *** ***
Từ gốc cây nơi thầy đang viết, một mầm non vừa mới nhú ra sau lớp vỏ cháy nham nhở. Mặt đất lại một lần nữa vắt mình nuôi dưỡng nó. Thầy không tin vào những phép màu, nhưng thầy tin vào luật nhân quả trong cuộc sống. Hôm nay em gieo một mầm xanh, ngày sau em sẽ có một bóng mát. Đó vừa là nghĩa đen vừa là nghĩa bóng của việc trồng cây.
Thầy không hy vọng tất cả chúng ta đều trở thành hiệp sĩ, bởi không phải ai cũng được sinh ra với sứ mệnh “giải cứu thế giới”! Chỉ cần các em là những người bình thường, nhưng là những công dân có trách nhiệm, thế đã đủ để chúng ta cùng thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.
✅ Em hãy từ chối hoặc hạn chế sử dụng túi ni – lông khó phân huỷ và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần;
✅ Lựa chọn đi bộ hoặc đi xe đạp cho một quãng đường gần thay vì lên ô tô, xe máy;
✅ Không lãng phí điện và nước;
✅ Học cách tái chế để nâng cao tuổi thọ
của các vật dụng trong gia đình;
✅ Có ý thức phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định;
✅ Đặc biệt, hãy trồng nhiều cây nhất có thể. Hãy yêu thương và bảo vệ cây xanh như bảo vệ những sinh vật có tâm hồn…
✅ Viết văn tả cây cũng vậy, em hãy chọn cách tái hiện nào khiến người ta hiểu hơn về những cái cây, thêm yêu chúng và yêu sự sống này.
Đấy là em đã đóng góp một phần cho việc bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ sự sống trên Trái Đất.
Các em ạ, chúng ta không còn nhiều thời gian để khắc phục những sai lầm mà con người đã gây ra với môi trường. Sau 20 năm nữa, tất cả sẽ là quá muộn…!!!
Thiện nhiên đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ bằng những cơn thịnh nộ giáng xuống mặt đất.
Hãy hành động, ngay bây giờ và ngay hôm nay, em nhé!
Cầu mong những điều an lành nhất sẽ đến với Trái Đất của chúng ta!
Cầu mong chúng ta có đủ sức mạnh, đức tin và sự thông tuệ để hành động vì những điều tốt đẹp!
Yêu và tin các em nhiều lắm!
Thầy Khủng Long

Bạn đang đọc bài viết 'Thầy Khủng Long' và lá thư tâm huyết về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới