Thứ sáu, 29/03/2024 21:35 (GMT+7)

TP. HCM: Những cảnh báo chết người trong ngành điện (Bài 3)

Hàn Giang -  Thứ hai, 09/07/2018 10:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc ngầm hóa lưới điện giúp chỉnh trang đô thị rất đáng được hoan nghênh. Nhưng những cảnh báo về ngành điện cũng cần được thông tin rộng rãi đến người dân trong quá trình sử dụng.

Ngành điện của chúng ta sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay đã có nhiều cải tiến đáng kể. Mặc dù mới còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn chắp vá, nâng cấp chứ chưa thể đồng bộ hóa theo một quy chuẩn nhất định. Việc ngầm hóa lưới điện giúp chỉnh trang đô thị rất đáng được hoan nghênh. Nhưng những cảnh báo về ngành điện cũng cần được các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn để thông tin rộng rãi đến người dân trong quá trình sử dụng.

Chỉ cần gõ cụm từ “Điện giật chết người tại TP.HCM” trong vòng 0,43 giây đã cho ra hơn 8,5 triệu kết quả tìm kiếm trên Google. Điều đó chứng tỏ vấn đề về điện, sử dụng điện còn rất nguy hiểm, ngành điện cần phải cẩn trọng biết nhường nào khi hằng ngày, hàng giờ vẫn xảy ra những vụ tai nạn về điện một cách đáng tiếc.

Tại TP.HCM, vấn đề ngập nước đang gây đau đầu cho các cơ quan chức năng và bức xúc cho xã hội. Liệu TP có thể ngầm hóa lưới điện trong môi trường như thế? Chỉ cần một trận mưa nhỏ, nhiều khu vực trong nội, ngoại TP lại chìm ngập trong nước, có nơi ngập sâu gần cả mét. Thành phố chưa khắc phục được vấn đề triều cường, chưa khắc phục được vấn đề ngập nước, hệ thống cống rãnh thoát nước còn hạn chế thì việc ngầm hóa lưới điện có thể đồng bộ một cách chuyên nghiệp được không?

Ngầm hóa hay “Chôn” dây điện xuống đất

Chúng tôi dùng từ “chôn” bởi đơn giản, hiện nay hầu hết các tuyến đường tại TP.HCM hệ thống điện được ngầm hóa một cách sơ sài. Theo ghi nhận của phóng viên, tại đường Lê Hồng Phong (Q.10); Nguyễn Thiện Thuật (Q.3); Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) ngành điện bỏ dây điện vào ống nhựa xoắn tùy theo kích cỡ, nhu cầu, sau đó đào đất lên và thả ống nhựa xoắn xuống chung với các loại dây cáp, dây viễn thông… Đôi lúc dây điện sống chung luôn với cả đường ống cống, ống nước nằm cạnh sau đó lấp đất, đá cát lên trên.

Bên cạnh đó, tại các tuyến đường Điện Biên Phủ; Ngô Gia Tự; Nơ Trang Long; Lê Hồng Phong… quy trình làm cũng tương tự. Sau khi chôn dây điện xuống, ngành điện cho trải một lớp vải với nhiều lời cảnh báo là hình đầu lâu xướng chéo lên trên và cho lấp đất lại.

Một người dân sửng sờ cho biết: “Cảnh báo nằm dưới đất thế này, người trần mắt thịt sao nhìn thấy? Phải chăng họ cảnh báo cho người “âm phủ”!?

 Những con đường ngập nước như thế này, dây điện được chôn bên dưới liệu có an toàn.

Những nấm mồ di động đủ màu, đủ kích cỡ mọc lên khắp trên địa bàn thành phố với hình đầu lâu xương chéo trông rất ghê rợn.

Anh Nguyễn Khắc Toàn, ngụ tại đường Điện Biên Phủ (Q.3) thắc mắc: “Sau khi chôn dây điện kiểu này nếu lấp đất xong, dùng xe Lu, máy đầm nén chặt đất lại sẽ gây móp ống nhựa, nếu có hư hỏng, ngành điện không cách gì rút dây ra được. Nếu lu, đầm không chặt, chỉ sau một mùa mưa, vỉa hè sẽ sụt lún gây hư hỏng”.

Đó là chưa nói tới việc chôn dây điện như vậy, nhà tôi đang xài điện 2 pha, muốn đổi thành điện 3 pha thì ngành điện bắt buộc phải đào đất lên gây tốn kém vô cùng”. Anh Toàn cho biết thêm.

Hình ảnh tủ điện được chôn sâu dưới lòng đất, sử dụng vật liệu nhựa rẻ tiền, nắng mưa vài mùa là gãy rạp kiểu này diễn ra hầu khắp trên địa bàn TP.

 Việc ngầm hoá lưới điện ở đường Tôn thất Hiệp phường Bến Nghé, Q1. (!)

Chị Lê Thị Hằng ngụ quận Bình Thạnh lo sợ: “Nhà tôi sống ngay vùng ngập nước được ngành điện ngầm hóa. Cứ trời mưa là ngập. Liệu dây điện, các điểm đấu nối điện sống trong môi trường nước, ẩm ướt có an toàn? Sau 10, 20 năm nữa, dây bị hư hỏng mà chìm trong nước thế này thì rất là nguy hiểm!”

Một máy biến thế gắn trên lòng đường Nguyễn Duy Trinh bị container tông xiêu vẹo gây mất điện toàn khu vực.

 Trạm biến thế ở quận 2, buộc dây sơ sài, nếu rắn, chuột chui vào thì hậu quả sẽ như thế nào?

 Một đồng hồ điện bị chập cháy xém tại quận 10, nắp bị bung ra, rất nguy hiểm cho người đi đường

Những cảnh báo chết người

Hiện tại trên địa bàn TP.HCM, việc ngầm hóa lưới điện đang có nhiều vấn đề, câu hỏi khiến nhiều người dân đã vàđang đặt ra, cần được ngành điện quan tâm, đó là:

Thứ nhất, việc chôn dây điện xuống đất theo cách mà ngành điện lực đang làm tại TP.HCM, trong môi trường ngập nước có phù hợp hay không? Liệu theo thời gian, các vỏ bọc cách điện có bị hư hỏng do môi trường ẩm ướt và gây rò rỉ điện dẫn đến chết người hay không?

Thứ hai, việc chôn dây điện chung, nằm cạnh, chen lấn vớiống cống, ống dẫn nước, ống viễn thông, khi các công trình khác thi công, nếu sơ ý sẽ khoan, đào trúng dây điện gây hư hại, có thể xảy ra chết người ai sẽ chịu trách nhiệm? Nếu người đến quá gần hoặc các thiết bị, dụng cụ làm việc dù không chạm vào đường dây cao thế 15kv, 22kv… vẫn bị tai nạn chết người do hồ quang điện?

Thứ ba, các tủ điện, thiết bị điện, máy biến thế, trạm biến thế được để ngoài đường, dựa theo quy định nào của pháp luật và tiêu chí của ngànhđiện? Trong khi theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Quyền Huy Ánh, tại giáo trình An toàn điện xuất bản năm 2011, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM thì các dụng cụ điện cần phải để xa tầm với của con người, máy biến thế, trạm biến thế phải để trong nhà, nếu bắt buộc phải để ngoài trời thì phải xây tường bao quanh, rồi phải xây hàng rào an toàn bên ngoài, không cho người, động vật tiếp xúc… Liệu ngành điện chỉ cần đưa ra những cảnh báo như: Nguy hiểm, cấm mở, chết người, điện cao thế, hình đầu lâu xương chéo và vô tư đặt ngoài đường, cạnh nhà dân là xong? Người mù, người không biết chữ, trẻ em liệu có an toàn?

Thứ tư, hiện tại trên địa bàn của Tp. HCM, rất nhiều tủ điện để ngoài đường, ngay trong khu dân cư, thậm chí là chen lấn trong nhà dân và đang bị hư hỏng nhưng chưa được ngành điện quan tâm sửa chữa thì mức độ an toàn là bao nhiêu?

Dẫu biết rằng nếu làm theo đúng quy chuẩn, chúng ta sẽ tốn rất nhiều tiền của trong khi tiềm lực đất nước chưa đáp ứng được. Nhưng liệu chi ra hàng ngàn tỷ đồng để ngầm hóa lưới điện mà không theo quy chuẩn nhất định, hậu quả sửa sai sẽ như thế nào?

Chúng ta chưa đủ tiêu chuẩn để ngầm hóa khi hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được, thành phố còn chìm ngập bởi triều cường, bởi mưa lớn… Nên chăng chúng ta cần đồng bộ hóa, nâng cấp, sửa chữa những gì mình đang có. Còn muốn ngầm hóa mạng lưới điện, chi ra cả tỷ USD, chúng ta cần làm một cách chuyên nghiệp, đúng bài bản, kỹ thuật, tuân thủ quy chuẩn quốc gia và quốc tế. Không thể chôn dây điện xuống đất theonhưcách làmhiện nay được vì không chỉ hậu quả trước mắt mà về lâu dài sẽ vô cùng lớn, không có cách gì sửa sai được.

Quy trình ngầm hóa lưới điện
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Quyền Huy Ánh, tại giáo trình An toàn điện xuất bản năm 2011, muốn ngầm hóa lưới điện, điều tối kỵ là phải cách xa môi trường dẫn điện như nước. Muốn ngầm hóa lưới điện, cần phải có hầm cáp, nắp cáp, mương cáp, giá đỡ.
Trong đó hầm cáp là nơi để chứa dây điện, tủ phân phối điện…nằm bên trong. Các loại dây điện, thiết bị điện phải có giá đỡ, chia ra từng ô cho phù hợp với nhu cầu. Bên dưới hầm cáp phải có mương cáp đủ độ dốc, đấu nối với cống thoát nước, khi nước ngấm vào, sẽ theo mương cáp chảy ra ngoài, tránh nước chạm vào các thiết bị điện. Trên cùng là nắp cáp để đậy hầm cáp lại, tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài như nước mưa hay động vật xâm nhập.
Bạn đang đọc bài viết TP. HCM: Những cảnh báo chết người trong ngành điện (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới