Thứ sáu, 29/03/2024 04:29 (GMT+7)

TP.HCM: Những cảnh báo chết người trong ngành điện (Bài 1)

MTĐT -  Thứ bảy, 23/06/2018 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bao nhiêu năm nay, việc thực hiện “ngầm hóa” đường dây điện ở Tp.HCM được triển khai rầm rộ ở các quận nội, ngoại thành với không ít kinh phí của nhà nước.

Tuy nhiên, các tuyến đường điện được "ngầm hóa" đó lại vô cùng thô sơ, nếu không muốn nói là gần như không thực hiện xây hào kỹ thuật đúng chuẩn, mà "ngầm hoá" bằng cách "chôn" dây điện trực tiếp trong đất, gây tâm lý vô cùng lo lắng và sợ hãi về độ an toàn...

Mặc dù dây điện ngầm hóa có mức giá cao gấp mấy lần so với hệ thống dây điện được kéo trên không và được ngành điện quảng bá là rất an toàn, nhưng không thể tránh khỏi sự hoài nghi trong phần lớn cộng đồng dân cư.

Bởi lẽ, TP. HCM với "điệp khúc ngập" nước vào mùa mưa, cứ mưa là ngập thì liệu việc chạm, chập điện liệu có xảy ra? Với điều kiện ẩm ướt của đất và giả sử có động vật nào đó cắn vỏ sợi dây điện được ngầm hóa thì nước sẽ là tác nhân dẫn điện nhanh và mạnh trên diện rộng, hậu quả sẽ như thế nào?

Chẳng những vậy, các ống chứa dây điện, ống chứa dây viễn thông, ống dẫn nước, ống thoát nước lại "chen lấn nhau" dưới lòng đất như vậy thì liệu có an toàn? Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố rò rỉ điện, phóng điện? Và quan trọng hơn hết, các loại vỏ cách điện đó được sản xuất theo tiêu chuẩn nào, đơn vị nào cam kết bảo đảm 10, 20 năm sau vỏ nhựa cách điện không hư hỏng khi mà đội ngũ thi công chôn bừa dây dẫn điện trực tiếp xuống đất?

Đã có không ít "tai nạn trời giáng" đáng tiếc do rò rỉ, điện phóng xảy ra như đang chạy xe trên đường thì bị điện dưới lòng đất giật chết, đang chơi ngoài công viên thì bị điện giật chết, đi bộ trên vỉa hè lúc trời mưa cũng bị điện giật chết...

Vào khoảng từ 20, 30 năm trước, dây dẫn điện vào nhà dân phần lớn là dây đồng nhưng hiện nay hầu hết được thay bằng dây dẫn điện nhôm. Tuy cùng một tiết diện nhưng dây nhôm dẫn điện kém hơn dây đồng, giá của dây nhôm rẻ hơn dây đồng khoảng 8 - 10 lần.

Dây dẫn điện vào các trạm biến thế, các tủ điện... đã bị chôn dưới đất với đủ các cấp điện áp từ 220V đến 15KV, 22KV tại một số tuyến đường ở TP HCM hiện nay mà không hề có hào bê tông cách điện theo quy chuẩn quốc tế. 

Nếu các cột điện, trạm biến thế, máy biến thế, tủ điện... không có hệ thống nối đất  nên khi rò rỉ điện xảy ra sẽ có thể dẫn đến chết nhiều người vào mùa mưa vì nước mưa có tính chất dẫn điện.

Khi các công trình khác thi công xảy ra, nếu sơ ý sẽ làm hư hại các đường dây dẫn điện, nếu khoan hay đào trúng cáp điện cao thế có thể bị điện giật chết. Nếu người đến quá gần dù không chạm thiết bị, hoặc đường dây cao thế 15KV, 22KV... thì vẫn bị tai nạn hoặc chết do hồ quang điện.  

Dọc theo đường cáp điện ngầm trong đất, chủ công trình phải đặt cột mốc hoặc dấu hiệu để nhận biết nhưng dường như theo ghi nhận của PV Môi trường Đô thị điện tử các tuyến đường được xem là ngầm hóa thì chẳng có dấu hiệu hay cột mốc nào thể hiện cáp điện đang được ngầm hóa hay được chôn lấp.

Để ngầm hóa hệ thống điện đang ở trên cao thì yêu cầu tối thiểu cần phải có là hầm cáp, nắp cáp, giá đỡ và mương cáp thoát nước. Đối với mương cáp thì phải thoát nước ra hệ thống thoát nước của thành phố, nhưng hiện nay hệ thống thoát nước tp HCM còn bị úng ngập thì việc ngầm hóa điện có thực sự an toàn ? 

Trên thế giới không biết có quốc gia nào chôn dây điện trực tiếp xuống đất, trạm biến thế, tủ điện để trên lề đường và "sống chung" với người dân như ở TP.HCM hiện nay hay không?   

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Những cảnh báo chết người trong ngành điện (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Nam Việt

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.