Thứ năm, 28/03/2024 21:22 (GMT+7)

Trăm năm guốc có còn khua ngõ?

Phùng Hiếu -  Thứ bảy, 07/12/2019 14:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghề truyền thống làm guốc mộc của Bình Dương bắt đầu phát triển trở lại ở giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay nghề làm guốc mộc đang đứng trước nguy cơ mai một trước nỗi đau đáu của những nghệ nhân cả đời gắn bó với nghề

 Nghịch lý nghề làm guốc

Theo nhiều tài liệu ghi chép, nghề làm guốc mộc có mặt tại Bình Dương từ đầu thế kỷ 20. Từ những năm 1900, theo dấu chân của những người di dân, guốc mộc đã bắt xuất hiện ở Nam Kỳ lục tỉnh. Thời ấy không phải ai cũng có điều kiện mặc đồ âu phục, đi giày Tây. Guốc mộc trở thành món “thời trang” bình dân đại chúng, từ nam phụ, lão ấu đều có thể mang guốc mộc. Tiếng guốc khua đầu ngõ báo hiệu nhà có khách hay người thân từ phương xa trở về. Thậm chí đối với nhiều phụ nữ, guốc mộc phải có tới tận 2-3 đôi, cái để mang đi chơi, cái để mang đi chợ...cũng là một cách để thể hiện sự “sang chảnh” theo quan niệm lúc bấy giờ. 

 Theo lời kể của nghệ nhân Sáu Dẻo- phường Phú Thọ-TP Thủ Dầu Một, từ đời ông nội ông gia đình ông đã biết làm guốc. Ông nội truyền nghề cho cha ông, cha ông lại truyền lại cho con cháu. Nghề làm guốc khi ấy dư sức tạo ra sự phồn vinh cho kinh tế gia đình ông Sáu Dẻo, cứ thế ông bám trụ với nghề ròng rã hơn 60 năm. Tới khi vào lứa tuổi “thất thập cổ lai hi” ông mới chịu ngơi tay, truyền nghề lại cho con cháu. Khác với một số nghề truyền thống của người Hoa có mặt từ buổi đầu khai hoang đất Bình Dương chỉ biệt truyền, không truyền nghề cho người ngoài, hay con gái. Nghề làm guốc mộc xưa theo lối cha truyền con nối, chồng truyền cho vợ, anh chị em trong nhà truyền nghề cho nhau. Từ một hai nhà làm guốc ban đầu cứ thế nhan nhản cho ra đời hàng chục gia đình làm guốc mộc tạo thành làng nghề làm guốc mộc nổi tiếng của Bình Dương: làng Bình Nhâm(nay thuộc TX Thuận An) và làng Phú Văn (nay thuộc TP Thủ Dầu Một). 

Ít có cái nghề nào lại dễ làm hơn guốc mộc. Từ con nít 7-8 tuổi, đến cụ ông 70-80 tuổi nếu còn sức đều có thể tham gia vào một trong các công đoạn làm ra một đôi guốc mộc. Phụ nữ khéo tay, khéo chân thì nhận khâu vẽ trang trí họa tiết trên guốc, trai tráng lực điền thì xẻ gỗ, đục phôi...cứ thế họ cùng giúp nhau có thêm việc làm lúc nông nhàn. Cũng ít có nghề nào không có sự phân chia giai cấp giữa “chủ và tớ” như nghề làm guốc. Ông chủ, bà chủ cho đến thợ làm công quần quật cùng nhau làm guốc, tới bữa ăn trưa chủ thợ cùng quây quần bên mâm cơm nóng hổi...rổn rẻng tiếng nói cười như những người thân thích trong nhà. 

 Sau nhiều thăng trầm biến cố lịch sử, từ năm 1975 đến năm 2000 nghề guốc mộc lại phát triển cực thịnh. Giai đoạn cả nước đang chìm ngập khó khăn do kinh tế bị cấm vận, dép nhựa, giày Tây...là món hàng cực kì xa xỉ, guốc mộc trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình “nâng niu hàng triệu bàn chân Việt”. Thậm chí đầu những năm 1990, guốc mộc còn xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan(Trung Quốc)....thu về cho tỉnh nhà triệu đồng đô la

Theo ông Thái Văn Anh Hùng- GĐ Cty guốc Hùng Thái thời kỳ đỉnh cao mỗi tháng doanh nghiệp này xuất xưởng hàng chục ngàn đôi guốc. Từ năm 2010 tới nay nghề làm guốc đang đi xuống. Bởi sau khi đất nước mở cửa, hàng hóa tràn ngập thị trường nội địa, đôi guốc mộc ngày xưa có đến hàng chục sản phẩm thay thế khác với những tên tuổi mang tính toàn cầu như Adidas, Nike...thị hiếu tiêu dùng thay đổi, đời sống kinh tế ngày một đi lên dần đưa guốc mộc vào ngõ cụt.

Nói nghịch lý nghề làm guốc là có lý do của nó. Bởi trong khi thị trường nội địa tràn ngập dép, giày với đủ loại chất liệu nhựa, da, vải...đôi guốc mộc “made in nhà làm” không còn phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt. Nhưng ở thị trường xuất khẩu các nhà buôn từ Nhật, Hàn, Châu Âu...vẫn còn chịu khó về Bình Dương để mua guốc mộc bán kiếm lời.

Giải nguy cho nghề làm guốc

Ngày trước riêng tại làng Bình Nhâm đã có hàng trăm cơ sở làm guốc mộc. Bình quân mỗi cơ sở xuất 500-700 đôi guốc mỗi ngày, hàng làm ra tới đâu bán hết tới đó. Ngoài nguồn khách từ các tỉnh, thành lân cận, khách thương hồ theo đường sông Sài Gòn về Bình Nhâm thu mua guốc rồi lại phân phối về các tỉnh miền Tây. Giờ tại phường Bình Nhâm, số gia đình làm guốc đếm không hết mười đầu ngón tay,  trong đó Cty Hùng Thái vẫn đang cố gắng “trụ” để giữ nghề mà cha ông truyền lại. 

Dì Năm Ly tại cơ sở làm guốc của gia đình

Chúng tôi gặp dì Năm Ly-vợ nghệ nhân Sáu Dẻo, sau khi ông Sáu Dẻo “giải nghệ” vì không còn sức lao động, dì tiếp quản cơ sở của chồng để lại. Theo lời kể của dì Năm Ly, chừng 10 năm trước cơ sở của dì còn làm ăn nhộn nhịp lắm, cơ sở có đến hàng chục lao động, máy móc cả chục cái. Giờ dì phải thu hẹp qui mô thợ chỉ còn 3-4 người chủ yếu là con cháu trong nhà. Mỗi tuần cơ sở chỉ xuất được vài chục đôi guốc. Hơn 50 năm theo chồng là từng đó quãng thời gian dì Năm Ly gắn bó với nghề làm guốc. Dì tâm sự, hiện tại phường Phú Thọ chỉ còn 4-5 cơ sở cố gắng giữ nghề. Các cơ sở này đang rất cần nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để mua thêm nguyên liệu, hiện đại hóa máy móc để theo kịp thị hiếu tiêu dùng.

Anh Phan Thanh Trọng- chủ cơ sở guốc tại phường Phú Thọ cho hay, hầu hết các cơ sở làm guốc đang hoạt động cầm chừng. Có cơ sở một tháng chỉ làm 10 ngày vì không có đơn hàng, nhưng mỗi tháng vẫn phải đóng thuế tạo ra không ít áp lực đối với các cơ sở muốn duy trì cho nghề truyền thống này.

 Bên cạnh đó nguồn nguyên liệu tại chỗ làm guốc ngày càng trở nên khan hiếm. Trước kia lợi thế của nghề làm guốc là có sẵn là rừng cao su bạt ngàn, các loại cây thân gỗ như xoài, mít...làm nguồn nguyên liệu tại chỗ. Nay trước tốc độ đô thị hóa, nguồn nguyên liệu ngày càng khó khăn hơn. Song song đó nếu muốn tham gia thị trường xuất khẩu gỗ, các cơ sở, doanh nghiệp buộc phải nhập nguồn nguyên liệu hợp pháp. Chi phí đầu vào ngày một tăng, không phải cơ sở nào cũng “gánh” nổi.

Từ năm 2015, Bình Dương đã đặt hàng nhiều đơn vị thực hiện các đề án, tổ chức các cuộc Hội thảo để Phát triển du lịch sinh thái gắn với làng nghề truyền thống. Phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa làng nghề chính là thực hiện quan điểm phát triển du lịch bền vững dựa trên cơ sở góp phần vừa bảo tồn vừa phát huy tốt nhất mọi nguồn tài nguyên, thế mạnh vốn có của địa phương hiện nay cũng như trong tương lai. Nghề guốc mộc là một những nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi cần được gìn giữ và bảo tồn. Ngoài sự nỗ lực của mỗi người thợ, nghệ nhân làm guốc, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất guốc đang rất cần sự hỗ trợ của từ các địa phương và cơ quan, ban ngành liên quan để gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị nghề guốc mộc truyền thống trong bố cảnh mớ

Bạn đang đọc bài viết Trăm năm guốc có còn khua ngõ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.