Thứ sáu, 29/03/2024 22:14 (GMT+7)

Tỷ phú trẻ bỏ phố về rừng làm trang trại

Doãn Kiên -  Thứ tư, 26/12/2018 08:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lê Bảo Hưng ngay tại trang trại của anh, với dáng vẻ thư sinh, nhìn vẻ ngoài ít ai nghĩ rằng người thanh niên trẻ này lại là Giám đốc HTX nông nghiệp đầu tiên của xã vùng biên của tỉnh Cao Bằng.

Bỏ phố về rừng

Tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Bách Khoa Hà Nội, lại là “trai thành phố”, thay vì chọn cho mình một công việc theo ngành đã học, Lê Bảo Hưng, sinh năm 1993, lại quyết định“bỏ phố” lên tận vùng sâu, vùng xa thuộc xóm Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) làm kinh tế. Vượt qua bao khó khăn, trở ngại từ mô hình nhỏ lẻ đến nay, anh đã thành lập được HTX nông nghiệp Bảo Hưng với số vốn lên đến hàng tỷ đồng.

Lê Bảo Hưng thu hoạch sản phẩm từ trang trại

 Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Lê Bảo Hưng ngay tại trang trại của anh, với dáng vẻ thư sinh, nhìn vẻ ngoài ít ai nghĩ rằng người thanh niên trẻ này lại là Giám đốc HTX nông nghiệp đầu tiên của xã vùng biên Trường Hà. Sau chén trà nóng, qua câu chuyện về Hưng càng làm tôi thêm cảm phục về nghị lực vươn lên của người thanh niên trẻ có cách làm “không giống ai” này.

Hưng là con trai cả trong trong gia đình có 2 anh em, bố mẹ đều là công chức hiện đang công tác ở P. Cao Bằng; cô em gái Hưng vẫn đang theo học ở Thành phố. Ngày Hưng tốt nghiệp đại học, ai cũng nghĩ Hưng sẽ xin vào làm việc cho một cơ quan nào đó ở thành phố. Đây cũng là nguyện vọng của cả gia đình.

Nhưng Hưng lại chọn cho mình một hướng đi khác, hướng đi mà ngay cả Hưng cũng biết sẽ rất chông gai, ấy là dấn thân vào làm trang trại. Đặc biệt hơn nữa là Hưng lại chọn một địa điểm rất xa thành phố, đó là xóm Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (nơi bố Hưng công tác) là một xã giáp biên vùng sâu, vùng xa để thực hiện ý tưởng của mình

Sau khi tham khảo nhiều mô hình kinh tế, Hưng đặc biệt ấn tượng với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch,nhất là chăn nuôi. Thêm một thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, Hưng quyết định trình bày ý tưởng của mình với bố mẹ, bạn bè. Trong sự ngạc nhiên, bất ngờ và cả những khuyên can, phản đối của gia đình, bạn bè, Hưng vẫn nhất quyết thực hiện.

Chăm sóc đàn lợn để chuẩn bị cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên Đán.

 Sau nhiều lần khuyên ngăn không được, cha mẹ Hưng đã “bỏ mặc” để cậu tự xoay sở, với suy nghĩ chắc cũng chả trụ được lâu, phải đối mặt với khó khăn rồi Hưng sẽ phải bỏ cuộc.

Được gia đình cho số tiền để dành “xin việc” mà bố mẹ cậu đã dành dụm bấy lâu, cộng với việc vay mượn bạn bè được trên 100 triệu đồng, Hưng bắt tay vào xây dựng mô hình nông nghiệp sạch.

Với sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở địa phương, vừa làm vừa học hỏi, những lứa lợn đầu tiên của Hưng đã xuất bán, được thị trường đón nhận bởi quy trình sản xuất khép kín, theo kỹ thuật, tiêu chuẩn mới.

Gặt hái thành công

Khi Hưng thực hiện nhân rộng mô hình thì lại trúng thời điểm giá lợn hơi trên thị trường xuống thấp kỷ lục, dưới 30 nghìn đồng/kg. “Có những hôm cả đêm không ngủ, bởi thất bại hiển hiện trước mắt, đúng là làm nông nghiệp sạch quá khó cho những người trẻ tuổi như em”, Hưng tâm sự.

Không chấp nhận thất bại, Hưng đã đi liên hệ những cơ sở giết mổ uy tín của tỉnh để tìm đầu ra. Sau khi thăm quan thấy mô hình của Hưng, nhận thấy quy trình chăn nuôi được đảm bảo nên có doanh nghiệp đã mạnh dạn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Dù không lãi nhiều nhưng bù lại có đầu ra, Hưng tiếp tục sản xuất và tìm hướng mới.

Lần này Hưng quyết triển khai thêm mô hình chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng, với nguồn nhân công dồi dào, thời tiết lại ổn định nên ít bị dịch bệnh. Những đơn đặt hàng cứ đều đặn với Hưng.

Đến nay, ngoài đàn lợn lên đến hàng trăm con, Hưng còn phát triển 3 khu chăn nuôi gà với số lượng lúc nhiều nhất lên đến hàng vạn con. Tận dụng nguồn phân hữu cơ Hưng triển khai trồng cây ăn quả, đào ao thả cá…

Chỉ sau 3 năm đến nay cơ sở của Hưng đã được “nâng cấp” thành HTX nông nghiệp Bảo Hưng. Với khu trang trại lên đến hàng nghìn mét vuông được quy hoạch khu văn phòng, khu chăn nuôi, khu vườn với các loại, cam, bưởi, chanh đã lên xanh tốt, khu ao thả cá cũng đã bắt đầu cho thu hoạch.

Hiện tại, HTX của Hưng thường xuyên tạo công ăn, việc làm ổn định cho hơn 10 lao động là người địa phương với thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã Bảo Hưng giữa núi rừng Tây Bắc.

 Từ mô hình của Hưng, đến nay nhiều thanh niên xã Trường Hà và các xã lân cận thay vì phải đi các nơi tìm việc làm đã đến HTX nông nghiệp Bảo Hưng học tập kinh nghiệm; nhiều thanh niên đã biết vượt khó vươn lên làm giàu ngay trên đồng đất quê mình như Đàm Văn Phương, xóm Hoong 1; Nông Văn Huấn, La Văn Thiên ở xóm Nà Mạ phát triển nuôi dê, sản xuất thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm…

Trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi HTX NN Bảo Hưng đang rất bận rộn với những đơn đặt hàng từ thành phố, từ các đơn vị chuẩn bị cho nguồn thực phẩm đón Tết cổ truyền. Chỉ lướt qua trang trại của Hưng cũng có thể cảm nhận được với trên 10 tấn lợn hơi và trên 1000 con gà thịt nuôi theo tiêu chuẩn VietGap đã và đang chiếm được tình cảm và niềm tin của người tiêu dùng.

Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của người thanh niên trẻ có việc làm không giống ai nhưng bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan, đáng mừng.

Chia sẻ về chàng trai trẻ Lê Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Trường Hà, ông Đàm Văn Trường, cho biết: Cho dù lập nghiệp ở địa bàn xã giáp biên, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp còn nhỏ lẻ, không tập trung, nhưng Hưng đã dám nghĩ, dám làm vượt khó vươn lên trở thành tấm gương sáng cho thanh niên địa phương học tập, noi theo.

Qua mô hình này địa phương cũng có thêm những giải pháp phát triển kinh tế nhất là công tác xoá đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.

Ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho HTX nông nghiệp Bảo Hưng phát triển cũng mong rằng các cấp lãnh đạo, tỉnh đoàn có những cơ chế hỗ trợ tích cực hơn nữa để mô hình của Hưng phát triển ổn định, bền vững.

Bạn đang đọc bài viết Tỷ phú trẻ bỏ phố về rừng làm trang trại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới