Thứ sáu, 29/03/2024 17:20 (GMT+7)

Sao không gọi là cô ơi, chị ơi mà lại gọi... “rác ơi”!

TRANG TRIỆU -  Thứ năm, 14/12/2017 07:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Mỗi lần đẩy xe rác qua họ gọi mình là “rác ơi”, sao không gọi là cô ơi, chị ơi mà lại gọi là “rác ơi”, mình cũng có tên chứ đâu phải là rác. Nghe cũng buồn lắm chứ” - chị Thiết ngậm ngùi nói.

Gia cảnh khó của vợ chồng... rác

"Dự báo thời tiết đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13/12, Hà Nội nhiều mây, có mưa và mưa nhỏ. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ: 14 - 16 độ C", chỉ nghe thông báo dự báo thời tiết trên tivi cũng khiến tôi cảm thấy lạnh buốt không muốn rời khỏi chiếc chăn ấm thân thuộc.

Ấy vậy mà... Những ngày Hà Nôi lạnh lạnh tê người ấy, mưa phùn nhơm nhớp mặt đường, thì ở đâu đó trên những con phố Hà Nội vẫn còn bóng dáng những người công nhân vệ sinh môi trường đang "gồng mình" lên dưới cái lạnh buốt chỉ để... "làm sạch" cho đời.

Khoảng 10 giờ tối, tôi có mặt tại địa điểm tập kết rác trên phố Trần Vỹ. Trời mưa khá nặng hạt. Tôi bắt gặp một người phụ nữ đang đẩy xe rác về nơi tập kết. Không một mảnh áo mưa, chiếc áo bảo hộ lao động sờn cũ mà chị đang mặc cũng đã thấm ướt, có cả mồ hôi và cả nước mưa....

Dù trời có mưa thì những công nhân vệ sinh môi trường như chị Thiết vẫn phải đội mưa để đi làm

Ở vỉa hè cách địa điểm tập kết rác không xa là bóng dáng một chị lao công ngồi ở góc tối bên đường trên tay cầm ly cháo, người run lên bần bật vì lạnh. Một chị lao công khác đang tranh thủ giờ giải lao nhặt nhạnh những chai nhựa, mặc kệ cho trời đang mưa.

Mọi người phải tranh thủ thời gian giải lao nhặt từng chai nhựa để kiếm thêm thu nhập, chứ đồng lương hạn hẹp thế này, sao đủ sống ở Hà Nội. Như ngày thường thì sẽ làm 8 tiếng/ ngày, có những hôm phải làm tới 12 tiếng/ ngày nhưng lương thì vẫn vậy. Có những đợt mưa bão, vẫn phải đội mưa ra đường quét dọn thậm chí còn phải tăng ca, chứ có được nghỉ đâu”, chị Thiết chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thiết sinh năm 1990 sống tại Phúc Thọ, Hà Nội. Hiện tại cả hai vợ chồng chị đang làm công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên.

Chị Nguyễn Thị Thiết công nhân vệ sinh môi trường Công ty Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên trò chuyện với PV.

Tâm sự với chúng tôi, chị Thiết chia sẻ: “Vợ chồng chị có 2 người con, bé lớn năm nay 5 tuổi, bé thứ hai mới được có 2 tuổi. Chị đi làm được 3 năm, thời gian mới sinh bé thứ 2 đi làm cũng vất vả lắm vì con nhỏ. Đêm hai vợ chồng đi làm thì có ông bà nội trông các con thì mới đi làm được".

Nói đến đây, giọng chị bỗng chùng hẳn xuống: “Nghĩ cũng thương hai đứa nhỏ lắm, cuối tuần hay ngày lễ người ta được nghỉ còn những người lao công thế này thì lại phải tăng ca. Đang làm việc thấy những đứa trẻ khác được bố mẹ dẫn đi chơi nghĩ đến con mình phải ở nhà chơi với ông bà thấy có lỗi với các con lắm”.

Có ông bà chông con cho đó cũng là điều hạnh phúc đối với chị vì được bố mẹ chồng hiểu và cảm thông cho cái... nghề của mình.

“Trước đây chị cũng đi làm vài chỗ nhưng thu nhập không ổn định. Mặc dù nghề này vất vả nhưng có đồng lương ổn định, làm ca tối thì ban ngày có thể đi kiếm việc làm thêm. Cứ 3 giờ chiều hai vợ chồng chị lại đi làm cùng nhau, nhà cách chỗ làm tới mấy chục cây số. Có chồng đi làm cùng cũng đỡ vất vả và an toàn hơn, vì nhiều lúc 2,3 giờ sáng mới được về, nếu không có anh thì chị cũng không biết làm thế nào để đi đoạn đường mấy chục cây số kia về nhà.

Công việc có vất vả, nguy hiểm nhưng chị vẫn gắng làm bởi bên cạnh chị luôn có một người chồng sẻ chia và yêu thương mình. Đó là động lực để chị vượt qua tất cả mọi khó khăn trong cuộc sống và gắn bó với nghề này”, chị Thiết tiếp tục câu chuyện của mình.

Kỷ niệm về... vết sẹo trên cằm

Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm nghề nghiệp, chị Thiết vừa cười vừa nói: “Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng kỷ niệm khiến chị nhớ nhất là đây này”. Chị Thiết chỉ lên vết sẹo trên cằm và kể lại: “Đây ngay ở đây này, lúc đấy chị đang đẩy xe rác thì thấy có một thanh niên vừa lái xe vừa nhìn điện thoại, chị hô lên mà không kịp, họ đâm thẳng vào mình, lật cả xe rác. Kết quả là phải khâu mấy mũi ở cằm”.

“Sau lần đấy chị cũng sợ lắm, định bỏ công việc này rồi, nhưng nghĩ lại giờ mà bỏ thì cũng không biết làm gì kiếm tiền để nuôi hai đứa con, nên chị vẫn quyết định tiếp tục theo nghề, chấp nhận nguy hiểm”, chị ngậm ngùi nói với chúng tôi.

Những công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ cùng phóng viên về kỷ niệm nghề rác của mình.

Chị Thiết chia sẻ với chúng tôi: “Công việc vất vả, nguy hiểm là vậy mà có nhiều người họ không tôn trọng mình. Ngay như việc mỗi lần đẩy xe rác qua họ gọi mình là “rác ơi”, sao không gọi là cô ơi, chị ơi mà lại gọi là “rác ơi”, mình cũng có tên đàng hoàng chứ đâu phải là rác. Nghe cũng buồn lắm chứ".

Với những lời vô tình hay cố ý gọi những người lao công là “rác ơi”, không ngờ đã khiến họ cảm thấy bị tổn thương và buồn đến vậy.

Sau cuộc trò chuyện với chị Thiết, tôi chợt thấy trong mình có một sự cảm phục với những người yêu nghề lao công như chị. Trong cộng đồng cũng cần có cái nhìn tôn trọng, trân trọng công việc của họ. Bởi mỗi công việc trong xã hội này đều có vai trò riêng.

Bản thân mỗi chúng ta cũng cần hiểu được nỗi vất vả và nguy hiểm của những người công nhân vệ sinh môi trường, để thay vì chúng ta đem những cái nhìn kỳ thị đối với họ thì chúng ta nên gửi những lời cảm ơn chân thanh nhất tới chị Thiết và nhiều người công nhân vệ sinh môi trường khác.

Bạn đang đọc bài viết Sao không gọi là cô ơi, chị ơi mà lại gọi... “rác ơi”!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.