Thứ sáu, 29/03/2024 04:02 (GMT+7)

1.400 trường tiểu học & mầm non tham gia thu gom, tái chế vỏ hộp sữa

MTĐT -  Thứ năm, 25/06/2020 08:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tất cả các trường tham gia đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh phân loại vỏ hộp sữa sau khi uống, từ đó đảm bảo chất lượng vỏ hộp thu gom đạt tiêu chuẩn để tái chế.

Sau thời gian giãn cách xã hội do đại dịch, học sinh trong cả nước đã quay trở lại trường học được gần hai tháng. Chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa do Tetra Pak phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường tại Hà Nội và TP.HCM cùng các đối tác tiếp tục được triển khai với nhiều kết quả tích cực, đánh dấu thành công trong năm đầu tiên triển khai chương trình trên diện rộng.

Tất cả các trường tham gia chương trình đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh thu gom, phân loại vỏ hộp sữa đúng cách. Ảnh: Mai Mai

Theo đó, trên 1.400 trường tiểu học và mầm non tại Hà Nội và TP. HCM đã tham gia chương trình. Trong đó, tất cả các trường tham gia chương trình đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh phân loại vỏ hộp sữa sau khi uống, từ đó đảm bảo chất lượng vỏ hộp thu gom đạt tiêu chuẩn để tái chế.

Tham gia chương trình, học sinh đã được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó được đối tác của Tetra Pak thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về Nhà máy giấy Đồng Tiến Bình Dương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái...

Ông Tạ Bảo Long, Giám đốc truyền thông Tetra Pak Việt Nam, cho biết: “Tầm nhìn của chúng tôi là tái chế toàn bộ vỏ hộp sữa mà Tetra Pak cung cấp cho thị trường Việt Nam và chương trình thu gom, phân loại, tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học là một trong những hành động thực tiễn giúp chúng tôi biến tầm nhìn này trở thành hiện thực. Thông qua chương trình, chúng tôi hướng đến mục tiêu giúp các em học sinh hình thành thói quen phân loại và thu gom vỏ hộp sữa sau khi uống không chỉ tại trường mà còn tại gia đình và lan tỏa ra toàn xã hội.”

“Đây là năm đầu tiên chúng tôi triển khai chương trình trên diện rộng sau khi đã thí điểm thành công tại TP.HCM trong năm học 2018-2019. Chúng tôi rất vui mừng trước các kết quả chương trình đã đạt được và đây sẽ là mô hình cơ sở để các địa phương có thể học tập và áp dụng,” ông Long đánh giá.

Vỏ hộp được tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái... Ảnh: Mai Mai

Từ góc độ một đơn vị tham gia tích cực vào chương trình, bà Nguyễn Thị Phương, giáo viên Trường mầm non Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ: “Chúng tôi rất chú trọng đến việc hướng dẫn các em thực hành việc xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống để đảm bảo đạt tiêu chuẩn đưa đi tái chế, qua đó nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường của các em. Sau một thời gian thực hành liên tục, các em đã hình thành thói quen tự gấp vỏ hộp sữa sau khi uống và để vào nơi thu gom mà không cần sự giám sát của các cô, kể cả trong thời gian cách ly xã hội do đại dịch. Điều này khiến chúng tôi hết sức vui mừng vì cô và trò đã thực hiện tốt tinh thần bảo vệ môi trường của chương trình.”

Ngoài việc thu gom và phân loại vỏ hộp sữa tại trường học, Tetra Pak cũng đang tích cực phối hợp với các đối tác nhằm mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp sữa công cộng để người tiêu dùng có thể mang vỏ hộp sữa đã được xử lý đến và đem đi tái chế. Hiện nay, Tetra Pak đã có trên 30 điểm thu gom vỏ hộp sữa công cộng tại nhiều tỉnh, thành phố. Danh sách các điểm thu gom liên tục được cập nhật tại trang web taichevohopsua.com.

Sau một thời gian thực hành liên tục, học sinh đã hình thành thói quen tự gấp vỏ hộp sữa sau khi uống và để vào nơi thu gom mà không cần sự giám sát của các cô. Ảnh: Mai Mai

Được biết đến với vai trò là doanh nghiệp tích cực thúc đẩy sự phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon Tetra Pak đồng thời là một trong chín thành viên tiên phong sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO) với mục tiêu chung là toàn bộ bao bì của các doanh nghiệp thành viên trong liên minh sẽ được tái chế vào năm 2030. Gần 100% hộp giấy đựng đồ uống của doanh nghiệp đều được sản xuất từ nguồn rừng tái sinh, có kiểm soát và được dán nhãn chứng nhận bảo vệ rừng FSC (Hội đồng Bảo vệ rừng thế giới).

Ghi nhận nỗ lực phát triển của hãng tại Việt Nam, Tetra Pak đã được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vinh danh là Top 10 doanh nghiệp bền vững ngành sản xuất năm 2019.

Theo Trọng Văn/nguoidothi.net.vn

Bạn đang đọc bài viết 1.400 trường tiểu học & mầm non tham gia thu gom, tái chế vỏ hộp sữa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.