Thứ tư, 24/04/2024 18:47 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT lên phương án không thi THPT quốc gia 2020

MTĐT -  Thứ tư, 15/04/2020 09:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia 2020, trong đó có cả tình huống không tổ chức kỳ thi này.

Sẽ không tổ chức kỳ thi?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết: trong tính toán của Bộ, nếu học sinh (HS) có thể đi học trước ngày 15/6 thì vẫn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào giữa tháng 8/2020. Vì sau khi kết thúc năm học, ngày 15/7, HS cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập trước khi thi, như thời gian HS được ôn năm 2019. “Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì vẫn có thể tổ chức được các kỳ thi, trong đó có thi THPT quốc gia, là điều cần thiết để duy trì động lực học tập của HS”, ông Độ thông tin.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, nếu thi, phương thức cơ bản như năm 2019, nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Hiện nay, chương trình học kỳ 2 của lớp 12 đã được tinh giản. Nội dung phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. Bộ cũng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với HS. Ông Độ phân tích thêm: học kỳ 2 có 18 tuần, HS đã học được 2 tuần trước Tết;  sau khi tinh giản, chương trình có thể hoàn thành trong khoảng 10 tuần đến khi kết thúc năm học, trước 15/7.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi THPT.

Trong hơn hai tuần từ khi có hướng dẫn dạy học trực tuyến và dạy qua truyền hình của Bộ (từ 25/3 đến nay), các cơ sở giáo dục đều dạy - học theo phương thức này. Nếu tính từ 15/4 là mốc thời gian các trường dạy học trực tuyến, trên truyền hình (một số nơi làm sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi HS quay lại trường (muộn nhất là 15/6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.

Nhưng ông Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định vì lý do bất khả kháng, Bộ cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.

Nêu ý kiến về phương án của Bộ GD&ĐT, ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, đối với học sinh lớp 12, nếu không thi thì học sinh vẫn phải bổ túc kiến thức để có đủ điều kiện học tiếp lên đại học. Vì vậy, học sinh không nên coi việc thi hay không thi là áp lực cho mình. Vấn đề ở đây là học sinh tổ chức sắp xếp như thế nào để có thể tự học tốt nhất, nắm được kiến thức căn bản, đó là thứ cần lo chứ không nên lo năm nay sẽ thi hay xét tốt nghiệp.

Cùng với đó, bà Mai cũng cho rằng, phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là tối ưu nhất trong thời điểm này, dù chưa chắc chắn kỳ thi năm nay có diễn ra hay không; bởi chúng ta đang rơi vào thế bị động, phụ thuộc vào tình hình của dịch bệnh. Vì thế, tốt nhất là đưa ra hướng mở như vậy. Trong trường hợp nếu học sinh chưa trở lại trường trong tháng 6 thì xét tốt nghiệp cho học sinh sẽ hợp lý hơn.

Nhiều trường đại học lên phương án tổ chức riêng

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, nhà trường vừa lên phương án dự phòng trong trường hợp không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Cụ thể, trong bối cảnh nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhà trường sẽ tổ chức một kỳ thi riêng tương tự kỳ thi THPT quốc gia, trong đó, nội dung và hình thức của bài thi vẫn tương tự với đề thi tham khảo mới đây Bộ GD-ĐT đã công bố để phù hợp với những gì các em đang học và ôn tập.

Ngoài ra, phương thức tổ chức thi cũng tương tự kỳ thi THPT quốc gia, chỉ khác là các em sẽ đến tập trung thi tại trường thay vì thi tại địa phương. Các môn thi, tổ hợp thi cũng sẽ giữ nguyên như những gì nhà trường đã công bố trước đó.

Nếu hiện tại thiết kế một bài thi mới sẽ không khác gì “đánh úp” thí sinh. Do đó, nhà trường sẽ cố gắng giữ đến mức tối đa, chỉ những gì bắt buộc phải thay đổi thì mới điều chỉnh. Theo phương án này, ngoài xét tuyển kết hợp và xét tuyển thẳng, thì 90% chỉ tiêu sẽ được xét thông qua kết quả bài thi này”.

Tinh thần của nhà trường là luôn sẵn sàng trước mọi tình huống xảy ra và cố gắng tạo sự thuận lợi nhất để đảm bảo quyền lợi cũng như tính công bằng cho thí sinh, không gây xáo trộn”, PGS Triệu nói.

Về môn thi, nhà trường tổ chức thi theo các môn tổ hợp mà nhà trường xét tuyển, chỉ có môn Giáo dục công dân là không tổ chức thi.

Tuyển sinh năm 2020, trường ĐH Kinh tế quốc dân có 9 tổ hợp xét tuyển gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); D01 (Toán, Văn, Anh); D07 (Toán, Hóa, Anh); D09 (Toán, Sử, Anh); D10 (Toán, Địa, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C03 (Toán, Văn, Sử), C04 (Toán, Văn, Địa).

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì dự kiện sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng vào 25/7. Đặc biệt năm nay, trường sẽ quay trở lại với hình thức thi tự luận với môn Toán (đề thi sẽ có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận).

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và nhiều trường khác cũng đang cân nhắc nhiều phương án trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia năm nay không thể diễn ra.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ GD&ĐT lên phương án không thi THPT quốc gia 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.