Thứ năm, 18/04/2024 17:00 (GMT+7)

Cần tính toán đến phương án xét tốt nghiệp, dừng thi THPT quốc gia

MTĐT -  Thứ ba, 17/03/2020 11:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, học sinh đang phải nghỉ học quá dài vì dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên tính đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Cần nghiên cứu phương án xét tốt nghiệp

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng lần điều chỉnh thứ nhất khi học sinh nghỉ một tháng, Bộ GD&ĐT đã quyết định lùi một tháng.

Hiện nay, học sinh nghỉ 2 tháng, bộ lùi 1,5 tháng và các trường phải “dùng” hết 2 tuần dự trữ mới kịp dạy hết chương trình. Nếu phải nghỉ sang tháng thứ ba, hoặc 3 tháng trở lên, sẽ “kịch khung”, ảnh hưởng tới kế hoạch năm học sau.

Còn theo tính toán của các trường đại học, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào gần giữa tháng 8, phải mất thêm một tháng nữa để chấm thi, công bố kết quả, xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh đại học… Điều này đồng nghĩa việc sang đến ít nhất nửa cuối tháng 9, trong khi khai giảng năm học mới đã được ấn định là ngày 5/9. Như vậy, có thể nói, điều chỉnh lần 2 gần như Bộ GD&ĐT đã hết đường lùi.

Chính vì vậy, theo ông Đỗ Hoàng Sơn - một chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM, thành viên hội đồng giám khảo Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia (ISEF) cho rằng, cần xem xét tốt nghiệp THPT cho năm học 2019-2020.

Bộ GD-ĐT nên tính đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Ông cũng cho biết: Ông đưa ra ý kiến trên dựa vào những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam bởi đến nay chưa ai có thể biết chính xác thời gian an toàn để học sinh quay trở lại trường học, chúng ta cần có phương án chủ động nếu phải “kháng chiến lâu dài” với dịch bệnh.

Chính vì thế, ông Sơn đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cần chủ động xây dựng phương án, trình xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị cho học sinh lớp 12 năm nay xét tốt nghiệp THPT theo kết quả của 5 học kỳ đã qua. Bộ trưởng GDĐT chỉ cần uỷ quyền cho hiệu trưởng các trường tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của Sở GDĐT.

Lý giải chi tiết, ông Sơn lập luận: “Nếu sang tháng 4 học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học thì đối với lớp 12 kiến thức sẽ bị “dồn toa”, không còn dư địa để lùi, sẽ “kịch khung” và ảnh hưởng tới kế hoạch năm học sau. Hơn nữa, việc này còn gây tâm lý lo lắng, áp lực cho học sinh, phụ huynh, giáo viên. Việc xét tốt nghiệp theo kết quả các kỳ học không chỉ thích ứng với dịch bệnh mà còn phù hợp với khoa học giáo dục và xu hướng đánh giá kết quả qua cả quá trình chứ không phải chỉ 1 kỳ thi. Chúng ta cũng sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ kinh phí tổ chức thi chung để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh”.

Đồng quan điểm, Ông Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), cho rằng phương án xét tốt nghiệp có tính khả thi vì thực sự với thời gian nghỉ kéo dài như hiện nay, giãn cách giữa 2 học kỳ nhiều, việc ôn tập để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ đến là với tâm lý lo lắng vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cũng tác động tinh thần của các học sinh. Hiện nay Bộ GD-ĐT phải luôn dựa theo, trông đợi vào những ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh để kịp thời thay đổi khung kế hoạch chương trình năm học và thời gian tổ chức thi.

Theo ông Thịnh, việc xét tốt nghiệp về bản chất vẫn đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh vì kết quả học tập được nhìn nhận là một quá trình chứ không chỉ qua một kỳ thi. Ngoài ra, nếu dịch bệnh còn kéo dài thì việc hạn chế tập trung đông người như hiện nay cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi. Việc học sinh dùng kết quả THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng hợp lý vì hiện nay các trường đều có những phương thức tuyển sinh riêng.

Vậy làm thế nào để tuyển sinh Đại học?

PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết do dịch Covid-19 nên thời gian đăng ký, thi, chấm thi, thay đổi nguyện vọng của thí sinh sẽ bị lùi đi một chút. Và khóa tuyển mới năm nay của trường sẽ bị lùi vài tuần.

Tuy nhiên, giả sử Bộ GD&ĐT không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia do dịch bùng phát, lúc đó cần tìm phương án thay thế và phương án này cần có sự đồng thuận của các trường và xã hội. Trường sẽ bàn thêm với một số trường trong nhóm để có phương thức tuyển sinh nào hợp lý nhất.

“Do chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu, việc thi hay tuyển sinh của các trường cũng chỉ là thứ yếu. Bộ cũng cân nhắc theo sự tiến triển của dịch. Trường sẽ căn cứ trên khuyến cáo của Bộ để triển khai. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi bộ khuyến cáo trường mới chuẩn bị. ĐH Bách khoa Hà Nội đang phối hợp những tổ chức để tổ chức thi đánh giá năng lực, trong trường hợp cần sẽ sử dụng”, PGS Trần Trung Kiên thông tin.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng nếu không có kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ vất vả hơn nhiều so với mọi năm. Vì các trường ĐH sẽ tổ chức tuyển sinh. Mà như thế thí sinh không có nhiều thời gian để chuẩn bị trước nên sẽ gặp khó khăn.

“Vì vậy, ý kiến cá nhân của tôi là có thể linh hoạt hơn trong xét tốt nghiệp THPT, còn không thể bỏ thi THPT quốc gia”, PGS Bùi Đức Triệu nói.

Đồng quan điểm này, đại diện một trường ĐH Y khu vực phía Bắc cho rằng nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, các trường ĐH tự chọn phương án tuyển sinh sẽ “vỡ trận”. Vì các trường và bản thân thí sinh còn quá ít thời gian để chuẩn bị.

Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia có trái luật Giáo dục?

Nếu dừng thi THPT quốc gia thì HS lớp 12 không thể được cấp bằng tốt nghiệp THPT mà chỉ có thể được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật (trích điều 34 luật Giáo dục năm 2019). Tất nhiên, giấy chứng nhận này không thể được sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Do vậy, chúng ta cần tính tới phương án khác: Một là, tiếp tục lùi lịch thi THPT quốc gia cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh và lứa thí sinh này sẽ nhập học ĐH, CĐ trễ hơn so với thông lệ. Các trường này hoàn toàn có quyền chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong tình huống này.

Còn nếu không tổ chức thi THPT quốc gia nhưng vẫn cấp bằng tốt nghiệp THPT cho HS thì phải sửa luật Giáo dục ngay trong kỳ họp Quốc hội đầu năm 2020 (thông thường diễn ra vào tháng 4 - 5 hằng năm). Theo đó, luật cần bổ sung phương thức xét công nhận tốt nghiệp để cấp bằng tốt nghiệp THPT. Đây vừa là thách thức song cũng là cơ hội hoàn thiện thể chế giáo dục để ứng phó một cách bài bản và có hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp của quốc gia như dịch bệnh, thiên tai, địch họa...

Thạc sĩ Lưu Đức Quang

(Giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM)

P.V(Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cần tính toán đến phương án xét tốt nghiệp, dừng thi THPT quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.