Thứ ba, 16/04/2024 16:00 (GMT+7)

“Chẳng có trường nào dại tới mức tự mình bóp cổ mình...”

MTĐT -  Thứ năm, 29/12/2016 14:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bỏ điểm sàn không có nghĩa là thí sinh nào cũng vào được đại học và không phải thí sinh thi đạt kết quả tổng ba môn 3 điểm cũng giống thí sinh đạt 30 điểm.

Quy định bỏ điểm sàn trong dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy Đại học, Cao đẳng 2017 đang khiến nhiều chuyên gia tuyển sinh lo lắng vì sẽ “thả nổi” chất lượng đầu vào.

Trước nhiều ý kiến phản đối quy định bỏ điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận khi đưa quy định này vào dự thảo quy chế, Bộ GD&ĐT cũng dự đoán được băn khoăn của dư luận liệu khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có bảo đảm không, nhất là với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cũng khẳng định, thực tế điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường Đại học).
 
Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ... thì xã hội cũng có thể yên tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn). 

Trước lo ngại của dư luận, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, là một kỳ thi thì cần có ngưỡng điểm quy định để thí sinh phấn đấu đạt tới nhưng chúng ta cần hiểu rằng Bộ GD&ĐT dự kiến không quy định điểm sàn mà giao quyền cho các trường tự xây dựng điểm chuẩn tùy thuộc vào chính sách, năng lực và quy mô tuyển sinh của trường đó.

Điều này không có nghĩa là thí sinh nào cũng vào được đại học và không phải thí sinh thi đạt kết quả ba môn 3 điểm cũng giống thí sinh đạt 30 điểm.

Bởi việc xây dựng điểm chuẩn cao hay thấp sẽ đánh giá thương hiệu, uy tín của trường đó đối với xã hội.

“Rõ ràng, nếu trường có điểm chuẩn đầu vào 20 điểm sẽ khác với trường có điểm chuẩn 12 điểm”, PGS.Nhã khẳng định. 

Hơn nữa, việc bỏ điểm sàn cũng là một con đường để Việt Nam tiến gần với hội nhập quốc tế, đó là mở rộng tuyển sinh đầu vào nhưng thắt chặt chất lượng đầu ra, thay vì quản lý theo hình trụ thì giờ chuyển sang hình nón. 

Phân tích cụ thể điều này, PGS.Nhã nói: “Ai vào siêu thị mua hàng cũng được nhưng không phải ai cũng trở thành khách VIP, ai đi máy bay cũng được nhưng không phải ai cũng trở thành hội viên của Bông Sen Vàng (chương trình hành khách thường xuyên của hãng hàng không Vietnam Airlines)…. 

Bởi muốn trở thành khách VIP hay hội viên của Bông Sen Vàng thì phải trải qua một số quy định rất khắt khe. 

Chính vì vậy, hàng triệu người đi học thì số lượng người học giỏi, xuất sắc sẽ chỉ là đếm trên đầu ngón tay là điều hiển nhiên.

Chúng ta không thể trông chờ rằng tất cả mọi sinh viên đều giỏi, đều xuất sắc, cho nên tạo cơ hội học tập cho rất nhiều người, nhưng tốt nghiệp loại giỏi thì không dễ dàng chút nào; nhiều bạn vào đại học nhưng sẽ không tốt nghiệp được, không nhận được bằng kỹ sư, cử nhân nếu không thực sự cố gắng”. 
 
Bỏ “điểm sàn” là bước chuyển phù hợp của ngành giáo dục

Theo nguyên Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, trên thế giới, khi tốt nghiệp THPT, thí sinh có quyền được học lên đại học, cao đẳng chứ hoàn toàn không phải thi đại học. 

Do vậy, bỏ “điểm sàn” là bước đi quan trọng tiến tới giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường theo đúng Luật Giáo dục Đại học và cũng phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.

Đồng thời, quy định này sẽ giúp các trường được chủ động trong việc lựa chọn hình thức xét tuyển đầu vào có thể là bài thi năng lực, phỏng vấn hoặc kiểm tra từ xa…

Còn Bộ GD&ĐT chỉ cần chuyên tâm vào công tác quản lý nhà nước, đánh giá, kiểm định chất lượng, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật.

PGS. Nguyễn Văn Nhã khẳng định: “Đây là bước chuyển phù hợp của ngành giáo dục” tuy nhiên ông cũng thừa nhận: “Mọi đổi mới thì đều gặp khó khăn, dễ gây sốc”. 

Lý giải điều gây “sốc” này, PGS.Nhã phân tích, khi Bộ dự kiến bỏ điểm sàn thì các trường cao đẳng, trung cấp lo rằng toàn bộ hệ thống trường đại học sẽ tuyển hết thí sinh. 

Nhưng rõ ràng, trường đại học nào cũng đặt mục tiêu phát triển nhà trường và nâng cao chất lượng đào tạo để giữ uy tín với xã hội nên nếu trường tuyển sinh thí sinh có điểm càng thấp thì chất lượng đào tạo càng khó được nâng cao.  Do vậy các trường cao đẳng, trung cấp không cần quá lo lắng vấn đề này. 

Hơn nữa, nếu có xảy ra tình trạng “vét” thí sinh thì trường đó chỉ được đầu vào 1 năm và ngay sau đó là chấp nhận bị mất thương hiệu.

“Chẳng có trường nào lại dại tới mức tự mình bóp cổ mình, tức là hạ điểm chuẩn quá thấp”, PGS.Nhã khẳng định. 

“Mục tiêu của các trường là phát triển lâu dài, đào tạo con người phát triển toàn diện nên tôi chắc chắn rằng các trường thà chấp nhận 1 năm khó khăn trong tuyển sinh còn hơn là việc “vét” tới những thí sinh tổng 3 môn xét tuyển mà chỉ đạt vài ba điểm. 

Sẽ không có trường nào làm thế và không có Hiệu trưởng nào dám tuyên bố điều này” – ông Nhã khẳng định. 

Theo ông Nhã, mọi đổi mới dù nhỏ, mọi thói quen khi thay đổi đều dễ gây sốc nhưng nó sẽ rất nhanh đi vào cuộc sống nếu đó là sự thay đổi tích cực. 

Do vậy, xã hội đừng quá cay nghiệt với những quy định này mà dùng những từ như “phá rào” hay “thả nổi” bởi điều này giống như việc Bộ đưa ra quy định rồi để các trường tự “giãy chết” trong khi thực tế không phải như vậy. 

Hơn nữa, nếu Bộ không bỏ điểm sàn thì nhiều trường cũng không quan tâm; có tới hơn 30% số trường đại học có điểm chuẩn rất cao, đặc biệt là các trường tốp trên. 

Dưới góc nhìn của một người làm trong lĩnh vực đào tạo lâu năm, PGS.Nguyễn Văn Nhã khẳng định: “Khi nhiều trường xét tuyển mức 20,21 điểm thì chắc chắn họ sẽ không quan tâm tới điểm sàn là bao nhiêu”.

Theo Giáo dục Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết “Chẳng có trường nào dại tới mức tự mình bóp cổ mình...”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bình Thuận: Mô hình "Thư viện xanh" khơi nguồn cảm hứng đọc
Mô hình "thư viện xanh" đang là điểm đến lý tưởng sau mỗi giờ học của học sinh. Thông qua những góc không gian tự nhiên cùng với sự phong phú về các đầu sách, giúp các em có nguồn cảm hứng đọc mới, từ đó hình thành nên văn hóa đọc trong mỗi nhà trường.

Tin mới