Thứ ba, 19/03/2024 13:37 (GMT+7)

Cô giáo cho học sinh uống nước giẻ lau có phạm tội hành hạ trẻ em?

MTĐT -  Thứ sáu, 06/04/2018 15:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ý kiến các chuyên gia, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ hành động của cô giáo Minh Hương, nếu cần, phải xử lý dứt điểm để ổn định tình hình dư luận.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) rất bức xúc sau câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương.

Bác sĩ An cho biết: “Có thể khẳng định hành động trên của cô Hương đã phạm vào tội hành hạ trẻ em, đấy là chưa nói tới việc, sự độc hại của giẻ lau bảng có thể làm hại bé học sinh đó.”

Ông An cũng cho biết với nước bẩn đó có phấn rất độc hại có thể làm nhiễm trùng khoang miệng, thực quản của em học sinh đó.

Theo bác sĩ An, việc sức khỏe của em học sinh bị tổn hại đã là chuyên nghiêm trọng nhưng nghiêm trọng hơn là em học sinh đó có nguy cơ bị sang chấn tâm lý.

“Rất có thể học sinh này sẽ rất tủi hổ, cảm thấy nhục nhã và bị ảnh hưởng tâm lý nặng không đong đếm được. Em bé sẽ cảm thấy rất là mặc cảm mỗi khi nhìn thấy các bạn. Em sẽ bị dằn vặt sau khi về nhà, đấy mới là điều rất đáng lo ngại đối với sức khỏe tinh thần của em bé”, Bác sĩ An bày tỏ lo ngại.

Bác sĩ An đánh giá, hành động của cô giáo Hương đã vi phạm luật trẻ em 2016 và luật hình sự khi có dấu hiệu làm nhục người khác. Cơ quan chức năng cần vào cuộc và xử lý dứt điểm chứ không chỉ xin lỗi là xong được.

Qua việc này, bác sĩ An thẳng thắn chỉ ra công tác tuyển chọn giáo viên của địa phương có vấn đề khi tuyển dụng những người không có đủ phẩm chất nghề giáo vào đứng trên bục giảng.

Căn cứ theo Luật Trẻ em 2016, tại khoản 6, Điều 4 đã quy định rõ: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Nếu một người có hành vi vi phạm khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em thì có thể sẽ phạm tội "Hành hạ người khác" được quy định tại Điều 110 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Theo bác sĩ An, việc cần làm của cơ quan chức năng địa phương hiện nay là cần có công tác tư vấn tâm lý cho bé P.A để bé nhanh chóng ổn định tâm lý khi trở lại lớp.

“Việc tư vấn tâm lý học đường hiện nay của chúng ta còn rất kém nên đã xảy ra những hành động đáng tiếc như vậy”. Bác sĩ An kết luận.

Cũng theo bác sĩ An, vụ việc là bài học không chỉ riêng cho cô Hương, ngành giáo dục Hải Phòng mà cả cho ngành giáo dục cả nước.

Việc dùng hình phạt cho học sinh ngoan hơn có thể áp dụng nhưng không có nghĩa là sử dụng những hình thức nhục mạ, bạo hành về thể xác, tinh thần của học sinh.

Những hình phạt hình phạt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh và gây phẫn nộ trong dư luận xã hội như vậy cần phải được loại bỏ trong môi trường giáo dục.

Cơ quan chức năng cần xem xét kỹ

Hành động của cô giáo Hương tại trường tiểu học An Đồng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng cô giáo Hương còn có thể vi phạm luật hình sự.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam luật sư Nguyễn Minh Long (công ty luật Dragon, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng hành động của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) là khó có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo luật sư Long, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ mục đích và lần tái phạm của cô giáo Hương để xem xét các yếu tố cấu thành xem có vi phạm luật hình sự hay không.

Theo quan điểm của Luật sự Long, nếu cô giáo Hương phạm lỗi lần đầu thì chưa đủ điều kiện phạm lỗi hình sự, thế nhưng cơ quan điều tra cần xem xét kỹ xem cô Hương đã vi phạm các điều khoản trong quy định của luật trẻ em năm 2016.

Hành động của cô Hương có một số dấu hiệu vi phạm chính vì vậy cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi của cô Hương có cố ý hay không, tái phạm nhiều lần hay không…

Căn cứ vào mức độ, cơ quan chức năng sẽ đưa ra hình phạt thích đáng.

Các cơ quan chức năng hiện nay cũng cần theo dõi sức khỏe cháu bé không chỉ ở sức khỏe cơ thể mà còn cả sức khỏe tâm lý cho cháu.

Những việc như thế (cho uống nước rẻ lau bảng- PV) có thể sẽ xảy ra những ảnh hưởng tâm lý cho trẻ em.

Nếu trong trường hợp khám sức khỏe cho cháu bé, nếu có ảnh hưởng, cô Hương phải có trách nhiệm bồi thường vật chất, tổn thất tinh thần cho cháu bé.

Về việc khởi tố hình sự, theo luật sư Long thì chưa thỏa mãn các điều kiện cụ thể nhưng về việc xử lý hành chính thì cô Hương phải chịu trách nhiệm.

Dù hành đông của cô Hươg là không thể chấp nhận nhưng để khởi tố cô giáo là không hề dễ mà cũng cần cân nhắc thật kỹ. Luật sư Long kết luận.

Theo Giáo dục Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Cô giáo cho học sinh uống nước giẻ lau có phạm tội hành hạ trẻ em?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới