Thứ sáu, 29/03/2024 00:03 (GMT+7)

Cô giáo ép học sinh uống nước giẻ lau bảng có thể bị xử lý hình sự

MTĐT -  Thứ năm, 05/04/2018 20:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự việc cô giáo lớp 3 ở trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) ép học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng khiến dư luận hết sức bàng hoàng, phẫn nộ.

Dư luận phẫn nộ cho rằng, sự việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương , giáo viên Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng đã ép buộc học sinh P.P.A (lớp 3A5) uống nước vắt từ giẻ lau bảng mà chỉ bị xử lý theo quy định của ngành giáo dục là chưa đủ sức răn đen, cần phải xử lý hình sự.

Hình ảnh học sinh P.P.A. tả lại việc cô giáo Minh Hương bắt phạt em uống nước bẩn vắt ra từ giẻ lau bảng trên lớp.

Ths. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: Không thể tưởng tượng được là tại sao lại có chuyện cô giáo bắt học sinh của mình phải uống nước nước bẩn vắt từ giẻ lau bảng ngay trên lớp học.

Sự việc vừa được báo chí phản ánh hai hôm nay đã khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ. Nếu như là việc cô giáo đánh học sinh thì có thể còn cho là do cô giáo nhất thời, nóng nảy thiếu kiểm soát.

Ở đây, hành vi của cô giáo bắt phạt học sinh uống nước bẩn là nước vắt ra từ giẻ lau bảng thì rõ ràng không còn là hành vi nóng nảy, mà hành vi này có dấu hiệu của tội hành hạ người khác. Hành vi này thể hiện một người với tâm địa xấu xa, thiếu tình thương với trẻ và không đủ phẩm chất, đạo đức để có thể tiếp tục đứng trên bục giảng. Vì vậy sự việc này không chỉ giải quyết trong nội bộ nhà trường mà còn có thể yêu cầu cơ quan công an vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Ths. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Nếu kết quả xác minh cho thấy cô giáo Minh Hương đã có hành vi đối xử tàn ác với học sinh, khiến học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chấn động tâm lý, gây dư luận xấu trong xã hội thì cô giáo này ngoài việc bị xử lý theo quy định của ngành giáo dục (đuổi việc), thì còn cói thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác.

Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, mọi người dân đều được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín con người. Mọi hành vi xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín con người đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi làm nhục người khác.

Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, làm nạn nhân bị sốc về tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín, làm chấn động tâm lý của nạn nhân thì hành vi này có thể khởi tố về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi làm nhục người khác xảy ra giữa những người có quan hệ lệ thuộc về kinh tế, chính trị, văn hóa, hoặc các lệ thuộc khác về xã hội (trong đó có mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh...) gây hậu quả nghiêm trọng thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội hành hạ người khác.

Cụ thể với hành vi của giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương đã ép học sinh P.P.A. phải uống nước bẩn vắt ra giẻ lau bảng ngay tại lớp học là hành vi xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của học sinh, gây chấn động tâm lý và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Hành vi này còn gây tâm lý không tốt, hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy hành vi này có thể bị khởi tố về tội hành hạ người khác (hành vi làm nhục người khác giữa những người có mối quan hệ lệ thuộc nhau).

Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội hành hạ người khác như sau:

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên; c) Đối với 02 người trở lên”.

Như vậy, trong vụ việc này nếu gia đình nạn nhân có đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an thì cơ quan công an vào cuộc làm rõ hành vi và hậu quả xảy ra, đồng thời xác định cô giáo này đã đối xử tàn ác, làm nhục học sinh thì hành vi này, làm cho học sinh chấn động về tâm lý, ảnh hưởng tới sức khỏe, gây dư luận xấu trong xã hội thì cô giáo này sẽ bị khởi tố về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 BLHS.

Bạn đang đọc bài viết Cô giáo ép học sinh uống nước giẻ lau bảng có thể bị xử lý hình sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

TÂM NGUYỄN

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.