Thứ bảy, 20/04/2024 04:46 (GMT+7)

Còn bao nhiêu “Hà Giang” nữa?

MTĐT -  Thứ tư, 18/07/2018 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ ở Hà Giang, nhiều địa phương trên cả nước cũng có điểm thi rất bất thường. Cần tiếp tục rà soát những nơi có dấu hiệu nghi ngờ, nghiêm trị những đối tượng có liên quan.

Dư luận không ngừng băn khoăn việc nữ sinh Ngô Lương Bảo Ngọc - lớp 12 chuyên sử Trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La - đạt 9,8 điểm môn thi tiếng Anh ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 nhưng điểm thi thử trước đó chỉ là 1,2 điểm.

Thí sinh khác là Trần Ngọc Diệp, lớp 12 chuyên văn Trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La - đạt điểm 10 môn tiếng Anh và sử, toán 9,6; ngữ văn 9, địa 8,25 trong khi kết thi thử của thí sinh này: toán 6,4; ngữ văn 6,5, tiếng Anh 5,8; sử 5,5; địa 4,25, giáo dục công dân 5,5...

Phải rà soát tất cả những nơi có điểm cao

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng không chỉ Hà Giang, Bộ GD-ĐT cần phải rà soát tất cả địa phương có điểm thi cao bất thường. "Sau Hà Giang, việc quan trọng bây giờ là phải coi lại nghiêm túc phổ điểm của năm 2018 và đặc biệt là những địa phương có điểm cao bị nghi ngờ vì nếu kiểm tra lại hết thì không xuể" - ông Vinh nói.

Chuyên gia này gợi ý việc phát động tố giác tội phạm trong thí sinh và giáo viên để có một kết quả công bằng, chính xác nhất. Không chỉ với kết quả thi năm 2018, ông Vinh cũng đề xuất hậu kiểm học lực của thí sinh đã trúng tuyển ngành công an, y dược với số điểm từ 27 trở lên trong mùa tuyển sinh 2017.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhận định nhờ sự kiện gian lận ở Hà Giang liên quan đến quá nhiều bài thi nên mới bị thanh tra và lộ ra những kẽ hở. Và câu hỏi đặt ra là liệu các địa phương khác có gian lận mà không bị phát hiện. Nếu ở Hà Giang gian lận được thì ở các địa phương khác cũng có thể xảy ra, vì lý do là việc gian lận thi cử này do người can thiệp chứ không phải máy móc.

Ngành giáo dục và cả nước "tỉnh ngủ"

PGS Nguyễn Thiện Tống nhận xét không có quốc gia nào tổ chức thi trắc nghiệm như ở nước ta, chính vì cách thi không giống ai này nên tạo ra những kẽ hở cho gian lận thi cử. Ông Tống phân tích nếu thi trắc nghiệm thì phải thi online theo quy trình thống nhất, cùng thi và cùng chấm online trên máy tính, yếu tố con người không thể can thiệp được. Trong khi ở nước ta, thi trắc nghiệm nhưng vẫn làm bài trên giấy, sau đó scan đáp án đưa vào và chấm thi thì rõ ràng đã có kẽ hở cho con người can thiệp.

Đồ họa: TẤN NGUYÊN - ANH THANH.

Nguyên nhân sâu xa, theo ông Tống, đó là sai lầm khi Bộ GD-ĐT cố duy trì hình thức tổ chức kỳ thi "2 trong 1". Không thể nào một kỳ thi đáp ứng được cả 2 mục đích mà có sự công bằng tuyệt đối với tất cả thí sinh.

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD-ĐT, đánh giá việc sửa điểm của ông Vũ Trọng Lương đã khiến "cả nước tỉnh ngủ" vì sẽ thấy các lỗ hổng ở các khâu và ở các nơi trong kỳ thi THPT quốc gia. TS Ngọc cho rằng phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và tìm ra phiếu của thí sinh cần tìm. Phiếu trả lời trắc nghiệm và quy trình chấm hiện nay thích hợp hơn cho trường ĐH tổ chức thi vì "không dính đến con cháu nào cả".

Còn thi tại địa phương thì quy trình đó là chưa hoặc không phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò. Theo TS Ngọc, việc thi THPT quốc gia dù có cán bộ coi thi từ các trường ĐH nhưng vẫn còn nhiều khâu do cán bộ địa phương chủ động làm nên nhiều cơ hội tiêu cực. "Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi có phần suy giảm nếu không muốn nói là không thể tin được" - ông Ngọc nhận định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an xử lý

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ gửi Bộ GD-ĐT về kết quả thi bất thường tại tỉnh Hà Giang.

Văn bản nêu: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến ghi nhận, biểu dương Bộ GD-ĐT, Bộ Công an đã kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi bất thường kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang. Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật. Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi THPT quốc gia.

----

Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai:

Ảnh hưởng xấu đến kỳ thi

Sự cố tiêu cực tại Hà Giang ảnh hưởng rất xấu đến uy tín tổ chức kỳ thi, làm cho xã hội nhìn nhận rằng sở tổ chức sẽ có tiêu cực. Thực tế, ngoài khâu coi thi có sự tham gia của các trường ĐH phối hợp, khâu chấm thi còn có sự giám sát của thanh tra ủy quyền Bộ GD-ĐT cùng lực lượng an ninh. Sự cố xảy ra ở Hà Giang có phần trách nhiệm của những lực lượng này. Để ngăn ngừa những tiêu cực xảy ra về sau, vụ việc cần phải xử lý nghiêm khắc.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM:

Cần trừng trị đích đáng

Những người gian lận chắc chắn đã nghiên cứu kỹ quy trình thi, chấm thi để tìm kẽ hở mà thực hiện hành vi tiêu cực. Vấn đề ở đây là các bộ phận phụ trách phải kiểm tra, giám sát và nhạy bén trong nghiệp vụ để phát hiện các bất thường ở tất cả các khâu thi và tuyển sinh, không chỉ riêng trong một khâu coi thi. Dĩ nhiên, hiện nay tiêu cực như ở Hà Giang chưa phải là tràn lan nhưng không thể để có một Hà Giang thứ hai nữa để bảo vệ tính công bằng cho một kỳ thi có quy mô lớn nhất nước. Cần tiếp tục rà soát những địa phương có dấu hiệu nghi ngờ, nghiêm trị những đối tượng có liên quan. Tôi tin là cả nước không ai chấp nhận sự gian lận trong thi cử và đây chính là dịp để Bộ GD-ĐT thể hiện sự kiên quyết trong bảo vệ uy tín, tính nghiêm túc của một kỳ thi quan trọng cho gần 1 triệu thí sinh.

Những kẻ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội phải được xử lý nghiêm minh, đích đáng và những người lãnh đạo trực tiếp cũng phải liên đới chịu trách nhiệm..

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM:

Giao địa phương chấm thi là hỏng

Với cách làm như của 2 năm 2017-2018, dù công tác coi thi có nghiêm túc cũng khó bảo đảm công bằng, khách quan vì sở GD-ĐT là đơn vị tổ chức chấm thi nên tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra. Vụ tiêu cực ở Hà Giang là minh chứng. Nếu vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia do sở GD-ĐT địa phương chủ trì thì các nguy cơ gian lận rất khó kiểm soát. Cần có các biện pháp về kỹ thuật như bài tự luận, phần nào thí sinh để giấy trắng cần quy định để giám thị gạch chéo, phiếu trả lời trắc nghiệm cần thêm miếng dán keo trong phủ lên khi thí sinh nộp bài để chống tình trạng gian lận bằng cách thông đồng rút bài ra rồi tô lại theo đáp án.

Của tin chẳng đọng chút nào!

Gần đây, những vụ việc liên tục xảy ra trong ngành giáo dục gây sốc, từ việc bảo mẫu bạo hành trẻ em ở trường mầm non đến cô giáo bắt học trò uống nước từ giẻ lau bảng… Giờ đây lại vụ sửa điểm cho học sinh. Niềm tin về giáo dục đang lao dốc trầm trọng.

Các sĩ tử ngày đêm dùi mài kinh sử chạy đua vào cánh cổng ĐH. Thế nhưng, cánh cổng phía trước có tường cao hào sâu còn cổng sau thì hoàn toàn khác. Trò ảo thuật đã biến hóa thấp thành cao, rớt thành đậu một cách ngoạn mục. Người ta chấp nhận vấy bẩn, làm tất cả để đạt mục đích.

Lạ đời là những nơi mà học sinh có điều kiện học, có ý thức học cao như thành phố lớn thì lại có kết quả thấp hơn các vùng rừng núi hay những nơi xa xôi hẻo lánh. Kết quả chấm thi đã làm cho rất nhiều thí sinh thất vọng vì điểm chênh lệch đến khó tin.

Ngỡ tưởng chấm bài thi trắc nghiệm là "an toàn tuyệt đối ", thế nhưng vì đồng tiền hay vì căn bệnh thành tích thâm căn cố đế mà xảy ra sự việc sửa điểm chấn động ở Hà Giang? Dù là lý do gì chăng nữa đều có chung một căn nguyên: Sự gian dối trắng trợn. Một sự phản giáo dục không chấp nhận được. Chỉ riêng Hà Giang hay còn có nơi khác mà chưa phát hiện ra?

Niềm tin về nền giáo dục, niềm tin về sự công bằng trong thi cử sụp đổ. Mất điều gì đều có thể tìm lại được nhưng mất niềm tin rất khó tìm. Đặc biệt, mất niềm tin trong giáo dục thì hiểm họa sẽ khôn lường.

Chắc chắn đây sẽ là "xì-căng-đan thế kỷ" của ngành giáo dục!

Hoàng Thu Hiền (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TP HCM)

Theo NLĐ

Bạn đang đọc bài viết Còn bao nhiêu “Hà Giang” nữa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...