Thứ sáu, 29/03/2024 03:45 (GMT+7)

'Đề thi THPT quốc gia 2018 khó không đồng nghĩa với phân hóa tốt'

MTĐT -  Thứ năm, 28/06/2018 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giáo viên Hóa học Vũ Khắc Ngọc cho rằng, đề thi khó không đồng nghĩa với phân hóa tốt theo cách lý giải của Bộ GD&ĐT.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã chính thức khép lại sau khi các thí sinh hoàn thành bài thi tổ hợp KHXH vào sáng 27/6. Tuy nhiên, nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay ra khó hơn nhiều so với năm 2017. Thầy Vũ Khắc Ngọc - chuyên gia hóa học từ Hệ thống giáo dục Học mãi cho rằng, đề thi khó không đồng nghĩa với phân hóa tốt theo cách lý giải của Bộ GD&ĐT.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, Hệ thống giáo dục Học mãi. Ảnh: NVCC.

Vẫn còn tình trạng 'mã đề may mắn'?

Thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết, trước khi kỳ thi diễn ra, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần đăng đàn nói rằng đề thi năm nay sẽ phân hóa mạnh hơn năm trước, bản thân đề tham khảo của Bộ công bố hồi tháng 1/2018 cũng thể hiện rõ tinh thần này. Nhưng rồi thi xong, ai cũng ... sốc.

"Một đề thi phân hóa tốt phải là đề thi mà kết quả làm bài của thí sinh phản ánh chính xác năng lực học tập của thí sinh. Em nào học yếu thì 3 - 4 điểm, trung bình thì 5 - 6 điểm, Khá thì 7 - 8 điểm, Giỏi thì 8 - 9 điểm. Riêng em nào học xuất sắc lắm mới được 9 -10 điểm (tất nhiên đã tính tới cả khả năng chọn đáp án theo cảm tính).

Nhìn vào đề thi năm nay, có thể thấy là đề thi chia làm 3 khối câu hỏi gồm: 50% câu đầu tiên đều vô cùng dễ, mang tính 'cho không' với các thí sinh. 30% câu tiếp theo (12 câu ở các môn KHTN) là những câu ở mức Khá + Giỏi. Mức Khá rất mờ nhạt, chủ yếu là Giỏi và phải rất chắc thì mới làm đúng hết được.

Còn lại 20% câu cuối cùng thì thực sự là quá khó đến mức đánh đố. Sẽ khá khó để tin rằng, có thí sinh nào đủ thời gian để làm trọn vẹn được tất cả các câu này, dù điểm 10 có thể vẫn có do... may mắn", thầy Ngọc nói.

Cũng theo thầy giáo này, trong mỗi khối câu hỏi, mức độ thực ra cũng không hoàn toàn tương đồng nhau và lại được xáo trộn ngẫu nhiên giữa các mã, thành ra vẫn có tình trạng 'Mã đề may mắn' - những câu khó nhất được dồn xuống cuối cùng; và 'Mã đề đen đủi' - những câu khó bị đẩy lên trên.

Trừ 50% đầu tiên rất dễ dàng mà hầu như ai đã chọn môn đó để xét tuyển Đại học đều làm được thì 20% cuối cùng có rất ít bạn thực sự làm được. Sự phân hóa thành các bậc thang về năng lực vì thế bị dồn nén cho 30% ở giữa - một không gian quá chật hẹp và không thể nào phản ánh chính xác từng mức độ 6 - 7 - 8 điểm, nhất là khi xét tới yếu tố may mắn do khoanh theo cảm tính của các thí sinh.

Nhiều thí sinh cho rằng, độ khó của đề thi THPT 2018 khó hơn rất nhiều so với năm 2017. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Một học sinh trung bình - khá hoàn toàn có thể làm tốt 50% câu đầu tiên, thêm vài câu thuộc nhóm 2 và khoanh bừa rồi đạt điểm 7 - 8 nếu may mắn. Trong khi đó, một học sinh khá - giỏi chưa chắc đã đúng tuyệt đối được 80% câu đầu tiên lại thêm đen đủi khi khoanh bừa thì được 8 điểm cũng khó khả thi. Vậy nên, những người học thật - năng lực thật chưa chắc kết quả đã cao bằng những người may mắn.

Giải pháp để tạo công bằng cho thí sinh

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cũng đưa ra kiến nghị, lẽ ra Bộ cần phải giảm bớt 50% xuống còn 30% câu cho điểm phục vụ việc xét Tốt nghiệp THPT, 30% câu hỏi tiếp theo nên xếp ở nhóm Khá, phân hóa học sinh từ mức 4 - 7 điểm. 30% tiếp theo xếp ở nhóm Giỏi, phân hóa học sinh từ mức 7 - 9,5 điểm. Chỉ 10% cuối cùng dành cho việc phân hóa học sinh 9 -10 điểm.

Kèm theo đó, cần đưa thêm việc "trừ 1/4 số điểm cho mỗi câu sai" để hạn chế việc thí sinh khoanh bừa. Có như vậy thì đề thi mới phản ánh đúng năng lực của thí sinh. Với sự hỗ trợ của công nghệ, kèm theo "quy trình chuẩn hóa đề thi kiểu Mỹ", mỗi năm tiêu tốn của Nhà nước khoảng 80 - 90 tỷ đồng, việc này lẽ ra phải làm tốt việc này rồi.

Nếu như năm ngoái, vùng điểm của đa số học sinh xét tuyển đại học dồn về mức 8 - 9, việc đỗ hay trượt ở các trường tốp trên đôi khi do điểm cộng quyết định. Dự kiến năm nay, vùng điểm phổ biến của các bạn xét thi đại học có thể ở mức 6 - 7 và việc đỗ hay trượt phụ thuộc vào cả sự may mắn.

Theo Đời sống & Pháp lý

Bạn đang đọc bài viết 'Đề thi THPT quốc gia 2018 khó không đồng nghĩa với phân hóa tốt'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.