Thứ sáu, 26/04/2024 05:25 (GMT+7)

Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể đi đúng hướng, phù hợp thực tiễn

MTĐT -  Thứ năm, 20/04/2017 09:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể đã đi đúng hướng, phù hợp thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, GS.VS Đào Trọng Thi nêu quan điểm: 

Dự thảo lần này tạo được sự nhất trí và đồng thuận cao trong dư luận

 Tôi rất tán thành lựa chọn cuối cùng của Ban soạn thảo là: trong hai năm cuối bậc THPT, chúng ta vẫn có một số môn bắt buộc chứ không theo hướng của nhiều người đề nghị là hai năm này chỉ còn những môn tự chọn không còn các môn bắt buộc. Phải nói thêm những môn bắt buộc này là những môn như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Đây là những môn học công cụ rất cần thiết cho các em sau này. 
GS Đào Trọng Thi

Trước hết, về cơ bản tôi thấy Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã tuân thủ các nội dung mà Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành về chương trình sách giáo khoa đổi mới. Việc biên soạn chương trình tổng thể cũng đã có sự chuẩn bị khá chu đáo và đã tiếp thu nhiều ý kiến của giáo chức cũng như của dư luận xã hội.

Nhìn chung Dự thảo lần này đã tạo được sự nhất trí và đồng thuận cao trong dư luận. Tất nhiên cũng không thể tránh khỏi những ý kiến trái chiều và những quan điểm khác nhau vì đây một vấn đề, một chủ trương rất lớn, luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Song theo tôi, nếu có thì điều đó cũng là tự nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta phải tuyên truyền, giải thích kỹ hơn những nội dung mà còn có những ý kiến băn khoăn và nếu có thể chúng ta vẫn tiếp tục tiếp thu những ý kiến đúng đắn để thể hiện trong những việc làm, công đoạn tiếp theo.

Có thể nói, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này đã thể hiện được định hướng mà chúng ta đã từng thảo luận rất kỹ và đã được ghi nhận ở trong Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ nhất, Chương trình khẳng định rất rõ giáo dục phổ thông của chúng ta gồm 2 giai đoạn là: Giai đoạn giáo dục cơ bản là 9 năm đầu từ tiểu học đến THCS.

Giai đoạn này, chúng ta cung cấp kiến thức nền tảng mang tính chất cơ bản của giáo dục phổ thông. Phương pháp để chúng ta thể hiện, truyền tải những nội dung đến học sinh là đi theo hướng dạy học tích hợp mạnh mẽ, đặc biệt là các lớp học dưới.

Còn giai đoạn thứ hai gồm 3 năm của bậc THPT, chúng ta sẽ dành để định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tôi cũng rất tán thành trong giai đoạn này chúng ta vẫn giữ truyền thống của mình tức là, dành thêm một năm đầu dạy phân hóa nhưng chưa sâu và vẫn bao gồm nhiều môn bắt buộc để tiếp tục nâng cao kiến thức của các em trong từng môn học.

Có thể nói là, chương trình đã có một mức độ vừa phải giữa tích hợp và phân hóa. Cụ thể, chúng ta phân hóa theo từng môn học, không tích hợp từng môn học nữa nhưng cũng không dành quá nhiều thứ cho học sinh tự chọn theo những định hướng quá là đặc thù nữa. Còn hai năm cuối, học sinh được học các môn học chủ yếu là tự chọn, để các em tự định hướng nghề nghiệp sao cho phù hợp với sở trường, năng lực của mình.

Dự thảo phù hợp với khả năng thực hiện trong thực tế

GS, Viện sĩ Đào Trọng Thi

Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cũng đã tiếp cận theo năng lực và phẩm chất của học sinh. Nhiều người nói là có năng lực, rồi từ năng lực sẽ có phẩm chất nhưng tôi nói không phải hoàn toàn như vậy. Phẩm chất mới là mục tiêu cuối cùng.

Ví dụ lòng yêu nước nếu chỉ có năng lực thôi thì chưa đủ. Năng lực ấy phải biến thành phẩm chất. Có người có kiến thức về đất nước nhưng chưa phải là yêu nước; tinh thần yêu nước, lòng yêu nước có thể xuất phát từ hiểu biết đất nước nhưng còn thêm nhiều yếu tố khác, trong đó có yếu tố rèn luyện, có khi không phải là kiến thức hay kỹ năng, thậm chí chưa chắc đã phải từ quá trình giáo dục.

Vấn đề giáo viên, có nhiều người băn khoăn vì sợ rằng họ sẽ không đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Thực ra băn khoăn của họ là chính đáng. Song tôi cũng cho rằng, chúng ta cũng cần rút bài học kinh nghiệm trong những lần cải cách và đổi mới trước đây.

Rõ ràng, chương trình đương nhiên phải là một yếu tố trung tâm nhưng các điều kiện để thực hiện chương trình đó cũng rất quan trọng. Theo tôi, hai điều kiện cần phải nói đến đầu tiên là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất nhà trường nói riêng.

Về đội ngũ giáo viên, chúng ta phải đi trước một bước vì đào tạo, tập huấn giáo viên không thể làm song song với chương trình được. Đào tạo tập huấn đội ngũ giáo viên là một việc rất quan trọng và phải được thực hiện thường xuyên.

Dự thảo Chương trình Giáo dục tổng thể lần này có thể chưa phải là hay nhất, nhưng tôi cho rằng nó phù hợp với khả năng thực hiện trong thực tế. Và chỉ có như vậy thì chúng ta mới thành công, còn nếu chương trình hay mà không có khả năng thực hiện thì sẽ thất bại.

Tôi cho rằng, mục tiêu cuối cùng của chúng ta là chất lượng giáo dục đi lên chứ chúng ta không soạn chương trình ra để người ta khen là chương trình của chúng ta ngang bằng với quốc tế trong khi điều kiện của chúng ta chưa bằng quốc tế. Như vậy là viển vông.

Phải xác định khả năng của nền kinh tế đất nước đến đâu, trình độ của đất nước đến đâu và nền giáo dục của chúng ta dù có tiến trước một bước nhưng cũng không thể bỏ xa lại thực trạng của đất nước. Vì thế giáo dục phải gắn với tình hình đất nước.

Chúng ta luôn mong muốn giáo dục tốt nhất. Mục tiêu của chúng ta không phải tạo ra một quyển sách giáo khoa để người ta khen là giống như của Mỹ hay giống như ở châu Âu, trong khi học sinh của Việt Nam thì chưa có khả năng học đến đó; giáo viên thì chưa có điều kiện dạy như vậy và cơ sở nhà trường còn chưa đồng bộ và hạn chế về nhiều mặt.

Vì thế theo tôi, Ban soạn thảo đã có cái nhìn toàn diện, có cơ sở thực tiễn khách quan và đáp ứng với yêu cầu của Quốc hội. Đó là: Thứ nhất là chương trình phải phù hợp với khả năng tiếp thu thực tế của đông đảo học sinh.

Cái này rất quan trọng, nếu học sinh chỉ tiếp thu được một nhưng chúng ta đặt chương trình lên 3 thì học sinh không chỉ không tiếp thu được một mà sẽ là không. Nói như vậy để thấy rằng làm gì cũng phải phù hợp thực tiễn.

Thứ hai là chương trình cơ bản phù hợp với khả năng thực hiện giảng dạy của đội ngũ giáo viên hiện nay. Thứ ba là chương trình sách giáo khoa phải phù hợp với khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất của nhà trường và cơ sở vật chất hiện nay.

Để nhận xét là chương trình hay, có tính khả thi hay không thì chúng ta chưa thể nói được điều gì vì đây mới là Dự thảo chương trình tổng thể và vẫn còn rất việc, nhiều công đoạn ở phía sau.

Nhưng có thể khẳng định là Bộ GD&ĐT, Ban soạn thảo đã đi đúng hướng và trên nền tảng nghị quyết của Quốc hội cũng như những yêu cầu trong Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Cơ cấu môn học như vậy là hợp lý đúng với tinh thần đặt ra là có hai giai đoạn: Giai đoạn cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể đi đúng hướng, phù hợp thực tiễn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.